Ngoại trưởng G7 ưu tiên cao về "hồ sơ" của Nga và Triều Tiên

ANTD.VN - Việc xem xét thành lập Nhóm đặc biệt về Nga cũng như thống nhất quan điểm về Triều Tiên cho thấy các thành viên G7 đang đặt hai vấn đề này vào “danh mục” ưu tiên cao nhất hiện nay.

Các Ngoại trưởng G7 xem xét thành lập Nhóm đặc biệt về Nga và thống nhất quan điểm về vấn đề Triều Tiên 

Sau 2 ngày họp tại Toronto (Canada) với 9 phiên thảo luận về các vấn đề lớn trên thế giới, các Ngoại trưởng nhóm 7 nền công nghiệp phát triển nhất thế giới (G7) vào ngày 23-4 đã đạt được nhất trí về một số vấn đề quan trọng, trong đó có việc đề xuất thành lập Nhóm đặc biệt về Nga và duy trì sức ép với Triều Tiên. Việc 2 “hồ sơ” Nga và Triều Tiên được nhấn mạnh trong kết quả cuộc họp Ngoại trưởng G7 nhằm chuẩn bị chương trình nghị sự cho Hội nghị Thượng đỉnh nhóm các quốc gia này vào đầu tháng 6 tới cũng tại Canada cho thấy đây đang là những vấn đề được ưu tiên cao nhất.

Cho dù trong 2 ngày họp tại Toronto, các Ngoại trưởng G7 đã thảo luận về hàng loạt vấn đề “nóng” hiện nay trên toàn cầu như cuộc tấn công nghi bằng vũ khí hóa học ở Syria và cuộc không kích của liên quân Mỹ - Anh - Pháp; chương trình hạt nhân Iran, chống khủng bố và tấn công mạng…; song không phải ngẫu nhiên mà G7 lại đặc biệt chú trọng tới vấn đề quan hệ với Nga và chương trình hạt nhân của Triều Tiên. Có thể nói đây chính là 2 vấn đề “hạt nhân” có ảnh hưởng dây chuyền tới nhiều vấn đề an ninh toàn cầu khác.

Tổng thống Mỹ Donald Trump từ khi tranh cử đến khi trở thành chủ nhân Nhà trắng đã nhiều lần công khai tuyên bố muốn cải thiện quan hệ với Nga. Việc ông Donald Trump muốn cải thiện quan hệ giữa Washington và Matxcơva hoàn toàn chẳng phải thứ “tình cảm cá nhân” nào hết mà xuất phát từ lợi ích chiến lược toàn cầu của nước Mỹ.

Nga dù là đối thủ của Mỹ và các đồng minh phương Tây với nòng cốt nằm trong G7, nhưng trong nhiều trường hợp lại trở thành đối tác để giải quyết nhiều vấn đề an ninh toàn cầu. Chưa cần nói tới sự phản đối, đáp trả mà chỉ cần thiếu vắng sự tham gia hay tiếng nói của Matxcơva là Mỹ và phương Tây đã rất khó để giải quyết hiệu quả hay dứt điểm các vấn đề an ninh toàn cầu như các “điểm nóng” ở Trung Đông, chương trình hạt nhân của Iran cũng như Triều Tiên, khủng bố… 

Không thể phủ nhận vai trò xử lý các vấn đề an ninh toàn cầu hệ trọng của Nga, song thực tế thì Mỹ và phương Tây lại để những bất đồng, mâu thuẫn lấn lướt, chi phối trong quan hệ với Matxcơva. Rõ ràng cuộc khủng hoảng Ukraine đã kéo dài hơn 3 năm và khó đảo ngược thực tế đã an bài, hay những tranh cãi quanh vụ cha con cựu điệp viên hai mang Sergei Skripal nghi bị đầu độc ở Anh… không thể so bì được với lợi ích chiến lược toàn cầu nếu nhận được sự hợp tác hữu hiệu của Nga.

Trong khi đó, vấn đề hạt nhân Triều Tiên đang ở vào giai đoạn bước ngoặt hết sức quan trọng. Hiện chưa biết tuyên bố ngừng các hoạt động thử nghiệm hạt nhân từ ngày 21-4 để tập trung vào phát triển kinh tế của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un có hiệu lực tới khi nào, tuy nhiên điều đó được xem là sự xuống thang chưa từng có của Bình Nhưỡng.

Triều Tiên nhiều năm qua đã liên tục tiến hành hàng chục vụ thử hạt nhân và tên lửa nhằm hoàn thiện khả năng răn đe hạt nhân bất chấp việc ngày càng bị siết chặt cấm vận và cô lập. Chính vì thế, tuyên bố ngày 21-4 của nhà lãnh đạo Kim Jong-un đã gây ra chia rẽ trong nội bộ G7 và đó là điều nhóm 7 nước công nghiệp phát triển nhất thế giới thấy rằng cần phải dẹp sang một bên để thống nhất quan điểm, từ đó đi tới thống nhất hành động với Bình Nhưỡng.

Ngoại trưởng G7 đã xác định Nga và Triều Tiên là hai “hồ sơ” ưu tiên bậc nhất, nhưng quyết định cuối cùng chỉ được đưa ra tại Hội nghị Thượng đỉnh G7 vào đầu tháng 6 tới.