Mỹ-Nhật-Hàn liệu có đồng thuận trong đòn đáp trả Triều Tiên?

ANTD.VN -Ngày 4/9, sau vụ thử hạt nhân lần thứ 6 của Triều Tiên, giới chức Mỹ và Hàn Quốc dường như chưa tìm được tiếng nói chung cho việc đáp trả hành động được coi là “nguy hiểm, gây mất ổn định nghiêm trọng tới an ninh và hòa bình quốc tế”, ngoài sự đồng thuận rằng cần áp đặt các biện pháp trừng phạt và áp lực tối đa với Bình Nhưỡng nhằm đưa Triều Tiên trở lại bàn đàm phán. 

Nhật báo Rodong Sinmun của Đảng Lao động Triều Tiên đăng tin Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un  họp với Bộ Chính trị Ban chấp hành Trung ương Đảng và ký sắc lệnh thử bom H ngày 3/9.

Trong một tuyên bố cứng rắn trên Twitter, Tổng thống Mỹ Donald Trump khẳng định Mỹ đang cân nhắc cắt đứt quan hệ thương mại với bất cứ quốc gia nào hợp tác kinh tế với Triều Tiên. Ngày 3/9, khi được các phóng viên hỏi liệu ông có ra lệnh tấn công Triều Tiên, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã không bác bỏ hay phủ nhận khả năng này.

Ông Trump chỉ trả lời ngắn gọn: "Rồi chúng ta sẽ rõ". Cũng trên trang Twitter, Tổng thống Trump nhấn mạnh rằng: "Hàn Quốc đang nhận ra, như tôi đã nói với họ, rằng sự nhượng bộ với Triều Tiên sẽ không có tác dụng".

Nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un (trái) và Tổng thống Mỹ Donald Trump

Trong khi đó, cùng ngày, Hàn Quốc tuyên bố sẽ tiếp tục thúc đẩy quá trình phi hạt nhân hóa Triều Tiên thông qua các biện pháp hòa bình, đáp lại lời chỉ trích của Tổng thống Mỹ Donald Trump trên mạng xã hội Twitter rằng Seoul đề cập tới "chính sách nhượng bộ".

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in  trong một tuyên bố nêu rõ: "Đất nước đã trải qua một cuộc chiến tương tàn huynh đệ. Không thể để sự tàn phá của chiến tranh lặp lại trên mảnh đất. Vì vậy, chúng tôi sẽ không bỏ cuộc và tiếp tục thúc đẩy quá trình phi hạt nhân hóa bán đảo bằng các biện pháp hòa bình cùng với các đồng minh của chúng tôi".  

Hãng Yonhap cùng ngày dẫn lời một quan chức cấp cao của Phủ Tổng thống Hàn Quốc cho rằng mặc dù Triều Tiên vừa tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 6 nhưng hiện còn quá sớm để đánh giá xem Triều Tiên đã vượt quá “giới hạn đỏ” mà Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đưa ra hay chưa.

Tổng thống Mỹ Donald Trump phát biểu tại một cuộc họp với nhóm họp với Chánh Văn phòng Nhà Trắng John Kelly, Bộ trưởng Quốc phòng Jim Mattis và các lãnh đạo quân sự khác tại Nhà Trắng để thảo luận về tình hình Triều Tiên

Tuy nhiên, giới chức quốc phòng Mỹ và Hàn Quốc lại có sự đồng thuận trong quan điểm về vấn đề Triều Tiên.

Theo Văn phòng của Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc Jeong Kyeong-doo (trái), trong cuộc điện đàm với người đồng cấp Mỹ Joseph Dunford (phải), Tướng Jeong đã nhấn mạnh sự cần thiết phải có "những biện pháp đáp trả quân sự hiệu quả" đối với hành động khiêu khích của Bình Nhưỡng, nhằm mục đích chứng tỏ quyết tâm và sức mạnh của liên minh Hàn - Mỹ. 

Về phần mình, ông Dunford đã lên tiếng ủng hộ lời đề nghị này và cam kết hợp tác. Hai quan chức cũng nhất trí thảo luận tất cả các biện pháp quân sự đối với Triều Tiên theo tinh thần của liên minh. Hai bên nhất trí sẽ có những biện pháp quân sự phối hợp đối với Bình Nhưỡng trong thời gian sớm nhất có thể. 

Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in kêu gọi áp đặt trừng phạt cứng rắn nhằm đưa Triều Tiên trở lại bàn đàm phán 6 bên

Trước cuộc họp, Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis cảnh báo Mỹ sẽ có "hành động đáp trả quân sự quy mô lớn" đối với bất cứ cuộc tấn công nào nhằm vào Mỹ hay các đồng minh, sau khi Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân được Mỹ đánh giá là “sử dụng thiết bị tiên tiến” tính đến thời điểm hiện tại. 

Chủ tịch Hội đồng tham mưu trưởng liên quân Hàn Quốc Jeong Kyeong-doo (trái) và người đồng cấp Mỹ Joseph Dunford 

Trả lời báo giới bên ngoài Nhà Trắng, ông Mattis nêu rõ: "Bất cứ mối đe dọa nào nhằm vào Mỹ và lãnh thổ của chúng tôi, trong đó có đảo Guam hoặc các đồng minh của chúng tôi, sẽ bị đáp trả bằng một hành động quân sự quy mô khổng lồ, hiệu quả và không thể chống đỡ".

Theo ông chủ Lầu Năm Góc, Washington không tìm kiếm viễn cảnh "hủy diệt toàn bộ một quốc gia, ở đây là Triều Tiên. Nhưng như tôi từng nói, chúng tôi có nhiều phương án có thể làm điều này". 

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis

Bộ trưởng Mattis cho biết thêm, Mỹ có rất nhiều phương án quân sự và Tổng thống Donald Trump muốn được báo cáo về tất cả các phương án này.

Đối với đồng minh Nhật Bản, Nhà Trắng ngày 3/9 cho biết, trong một cuộc điện đàm, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe đã lên án "các hành động khiêu khích gây mất ổn định liên tục" của Triều Tiên sau vụ thử hạt nhân mới nhất của nước này, đồng thời Tổng thống Trump cũng tái khẳng định cam kết bảo vệ Mỹ và đồng minh. 

Tổng thống Mỹ Donald Trump (phải) trong một cuộc gặp Thủ tướng Nhật Bản Shinzo Abe

Nhà Trắng trong một tuyên bố cho hay, Tổng thống Trump đã tái khẳng định rằng Washington sẽ bảo vệ mình và đồng minh, "sử dụng toàn quyền mọi khả năng ngoại giao, truyền thống và hạt nhân". Tuyên bố nêu rõ: "Hai nhà lãnh đạo đã lên án các hành động khiêu khích gây mất ổn định liên tục của Triều Tiên, xác nhận cam kết mạnh mẽ giữa hai nước về quốc phòng, đồng thời đảm bảo tiếp tục hợp tác chặt chẽ".