Myanmar - "khối u" Hồi giáo thánh chiến mới

ANTD.VN - Trong bối cảnh các tay súng Hồi giáo thánh chiến đang liên tục phải nhận những thất bại ở các chiến trường lớn như Iraq và Syria, làn sóng cực đoan Hồi giáo đang vật lộn để tìm kiếm đất sống mới. Những diễn biến gần đây ở Myanmar, quốc gia Đông Nam Á có người thiểu số theo đạo Hồi đang là nạn nhân của tình trạng phân biệt đối xử, có thể sẽ trở thành “khối u” tạo điều kiện cho sự xâm nhập của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan.

Người Hồi giáo Rohingya tại Myanmar đang phải hứng chịu những ngày tháng cơ cực

Suốt nhiều tháng nay, phương Tây liên tục lên án Hồi giáo thánh chiến, trước khi ra đòn kết liễu, tại Mossul (Iraq), thậm chí ở Raqqa (Syria). Người ta vẫn phải chờ đợi kế hoạch tiêu diệt tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng mà Tổng thống Mỹ Donald Trump yêu cầu các tướng lĩnh Mỹ thực hiện. Tuy nhiên, có vẻ như các nhà chiến lược của lực lượng theo chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan luôn đi trước một bước, với đích ngắm lần này là Đông Nam Á, nơi có đông người Hồi giáo sinh sống. 

Từ Afghanistan đến Philippines 

Tại Afghanistan, địa điểm hoạt động của IS giới hạn chủ yếu ở tỉnh miền Đông Nangarhar, giáp biên giới với Pakistan. Nhưng ở phía Tây Bắc, giáp biên giới Turkmenistan, Nhóm Hồi giáo cực đoan Daech đã tiến hành một trận phục kích lớn, giăng bẫy tấn công một đoàn xe của Ủy ban Chữ thập Đỏ Quốc tế (CICR) ngày 8-2 vừa qua, giết hại 6 nhân viên và bắt cóc 2 người.

Phiến quân Taliban đã nhanh chóng lên tiếng lên án vụ tấn công vốn được coi là sự kiện tồi tệ nhất của Chữ Thập đỏ Quốc tế trong vòng 20 năm trở lại đây. Cho tới nay, Daech kiểm soát một phần tỉnh Jowzjan, mở một số trung tâm giam giữ, nhiều khả năng hai thành viên của CICR cũng được đưa về đây.

Ở khu vực này chúng còn có một đồng minh quan trọng là các thành viên cũ của Phong trào Hồi giáo Uzbekistan (MIO). Cần nhắc lại rằng thủ phạm tấn công hộp đêm tại Istanbul ngày đầu năm mới 2017 chính là một người Uzbek được huấn luyện trong một trại của Daech ở Afghanistan. 

Tại Pakistan, Daech chưa giành được một phần lãnh thổ đáng kể nào, nhưng đã gieo rắc sự sợ hãi khắp nơi. Ngày 16-2-2016, chúng đã giết hại ít nhất 75 người trong vụ tấn công nhằm vào một thánh địa của người Hồi giáo Soufi thuộc tỉnh Sindh. Ngoài ra, hơn 1.000 chiến binh đã rời Đông Nam Á để tham gia hàng ngũ Daech tại Syria nhiều hơn Iraq. Ba nhóm Thánh chiến trên đảo Mindanao của Philippines  từ đầu năm trước đã tuyên thệ trung thành với Abou Bakr al-Baghdadi, thủ lĩnh của Daech.

Năm 2016, ba vụ khủng bố đã bị quy trách nhiệm cho Daech tiến hành tại Thủ đô Jakarta của Indonesia ngày 14-2 (khiến 8 người chết trong đó có 4 tên khủng bố), tại Kuala Lumpur ngày 28-6 (không xảy ra thương vong), tại đảo Java ngày 5-7 (một phần tử khủng bố thiệt mạng). Những vụ bạo lực đẫm máu này cho thấy Daech thực sự quan tâm đến việc mở rộng ảnh hưởng tại Đông Nam Á để tăng cường hoạt động. Hiện nay, cánh cửa cơ hội đã mở ra cho chúng tại Myanmar. 

Nỗi khổ của người Rohingya 

Trong thế kỷ XIX, người Anh đã khuyến khích những người nông dân Hồi giáo trong khu vực Bengale tới định cư tại tỉnh Arakan của Myanmar, còn gọi là bang Rakhaing hay Rakhine. Bộ tộc này có tên gọi là Rohingya, với dân số ước tính khoảng 1,3 triệu người và chiếm khoảng 1/3 dân số Arakan.

Điều kiện sống của họ rất khắc nghiệt vì chính quyền Myanmar từ trước đến nay luôn từ chối công nhận quyền quốc tịch và quyền sở hữu của người Rohingya, do sức ép của một bộ phận chủ trương bài ngoại trong cộng đồng giáo sỹ Phật giáo ở nước này. Năm 2012, làn sóng bạo lực đầu tiên nổ ra, khiến hàng chục nghìn người Hồi giáo Rohingya bị quản thúc chặt tại địa phương, không được phép tiếp cận thành phố Sittwe, thủ phủ của vùng Rakhine.

Ngày 9-10-2016, một vụ tấn công nhằm vào một đồn biên phòng Myanmar do một nhóm Yakin bí ẩn thực hiện đã dẫn đến một làn sóng trấn áp chưa từng có. Các nguồn thạo tin ước tính, kể từ đó đến nay đã có ít nhất 1.000 dân thường Hồi giáo đã bị giết hại tại Myanmar. Trong khi đó, hàng chục nghìn người Rohingya đã phải chạy trốn sang nước Bangladesh láng giềng, nơi đã có rất nhiều tị nạn tập trung trong các trại được dựng lên từ sau vụ đụng độ năm 2012.

Họ không bao giờ được phép trở về quê hương. Nhà lãnh đạo Myanmar Aung San Suu Kyi đã tỏ ra bất lực trước ảnh hưởng của giới quân sự, vốn có tư tưởng dân tộc chủ nghĩa mạnh mẽ ngả theo hướng phân biệt chủng tộc, chống lại người Hồi giáo Rohingya. Vụ giết hại cố vấn theo Hồi giáo của bà San Suu Kyi ngay tại sân bay Thủ đô Nay Pitaw ngày 29-1-2017 với các tình tiết vẫn chưa được làm sáng tỏ, một lần nữa đã cho thấy sự yếu ớt của quyền lực dân sự trong cuộc khủng hoảng này. 

Để tránh sự phản đối của các tướng lĩnh quân đội trong việc quốc tế hóa vấn đề người Rohingya, bà San Suu Kyi đã ủy thác cho cựu Tổng Thư ký Liên hợp quốc Kofi Annan, người cũng được trao giảo Nobel hòa bình như bà, đứng đầu một Ủy ban tham vấn. Tuy nhiên, thời gian tương đối gấp gáp.

Thủ lĩnh của Daech, Abou Bakr al-Baghdadi, đã nhắc đến những “người anh em” của y tại Myanmar trong khi tuyên bố thành lập Vương quốc Hồi giáo tại Mosul hồi tháng 7-2014. Từ đó đến nay, các hoạt động tuyên truyền của Daech không ngừng lên án cuộc “diệt chủng” người Hồi giáo Rohingya.

Hiện nay chưa thể xác định được sợi dây liên hệ giữa Daech và Yakin. Nhóm Hồi giáo cực đoan Myanmar này có thể là kết quả của một số sự dàn xếp, thao túng trong bóng tối. Tuy nhiên trong khu vực, sự hiện diện của Daech đã tương đối rõ ràng tại Bangladesh, dù nhà chức trách địa phương bác bỏ. Tổ chức này bị cáo buộc đã tấn công vào một nhà hàng tại Thủ đô Dacca ngày 1-7-2016, làm 20 người chết, trong đó có 18 người nước ngoài. 

Khu vực giáp ranh giữa Bangladesh và Myanmar là địa bàn thuận lợi cho sự xâm nhập của Hồi giáo cực đoan, giữa một bên là nước theo đạo Hồi lớn thứ ba thế giới (sau Indonesia và Pakistan) và bên kia là một quốc gia luôn chối bỏ quyền của người thiểu số theo đạo Hồi.

Đây cũng là nơi có nhiều trại tị nạn và tập trung những người ly hương, những tụ điểm có thể cho ra đời những phần tử có quyết tâm sắt đá nhất; nơi mà những tuyên truyền của các tổ chức cực đoan lên án cộng đồng quốc tế đồng loạt làm ngơ trước sự tiếp diễn nỗi thống khổ của người Hồi giáo; nơi có nhóm khủng bố bí mật Yakin, sẵn sàng liên kết với đối tượng nào mang lại cho chúng lợi ích nhiều nhất.

Tất cả những điều kiện đó đã tập hợp đầy đủ để Myanmar có thể trở thành một “khối u” mới của chủ nghĩa Hồi giáo cực đoan. Hy vọng rằng tiến trình trung gian hòa giải của ông Kofi Annan sẽ hiệu quả hơn tại Syria để ngăn chặn xu hướng này trở thành hiện thực.