Mỹ lên phương án đối phó với tên lửa Triều Tiên

ANTD.VN - Cho dù vẫn tự tin về khả năng phòng thủ sau khi Triều Tiên phóng thử tên lửa Hwasong-15 có khả năng “đe dọa bất kỳ địa điểm nào trên lãnh thổ nước Mỹ”, song Washington cũng đang tìm kiếm thêm địa điểm mới để triển khai đặt các hệ thống tên lửa đánh chặn.

Mỹ đang tổ chức triển khai một hệ thống tên lửa đánh chặn THAAD

Hãng Reuters ngày 3-12 đưa tin, Cơ quan Phòng thủ Tên lửa (MDA) - đơn vị chuyên trách về phòng thủ tên lửa của Bộ Quốc phòng Mỹ, đang khảo sát khu vực Bờ Tây nước Mỹ để triển khai thêm các hệ thống phòng ngự tên lửa. Động thái này diễn ra sau khi Triều Tiên liên tục tiến hành bắn thử tên lửa, đặc biệt là vụ thử mới đây nhất cũng là vụ thử tên lửa mạnh nhất của Triều Tiên, với tầm bắn được cho là có thể “đe dọa địa điểm trên lãnh thổ Mỹ”, kể các vùng Bờ Đông giáp Đại Tây Dương.

Trước đó, vụ thử tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM) ngày 29-11 vừa qua của Triều Tiên đã gây ra cú sốc lớn với quốc tế, nhất là với các nước đang đối đầu với Bình Nhưỡng trong vấn đề hạt nhân và tên lửa gây tranh cãi. Quả tên lửa, sau này được biết tới là Hwasong-15, bắn lên khí quyển ở phương vị gần như thẳng đứng và lên tới độ cao 4.500km và rơi xuống biển ở địa điểm trong vùng đặc quyền kinh tế trên biển của Nhật Bản cách nơi phóng bay khoảng 960km. 

Tên lửa Hwasong-15, theo đánh giá của các chuyên gia quân sự, nếu phóng với góc độ tối ưu, có thể bay xa tới 13.000km - tức là tới tận Thủ đô Washington nằm ở Bờ Đông nước Mỹ. Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis trong cuộc họp báo ngay sau đó tại Nhà Trắng đã cho rằng: “Tên lửa bay cao hơn bất cứ vụ thử nghiệm nào trước đây của Triều Tiên. Rõ ràng họ muốn tiếp tục phát triển các tên lửa đạn đạo có thể đe dọa bất cứ nơi nào trên thế giới và chắc chắn là đe dọa cả Mỹ”.

Những hình ảnh mà Triều Tiên công bố sau đó về vụ phóng tên lửa Hwasong-15 cho thấy đó là loại tên lửa ICBM mới được Bình Nhưỡng phát triển chứ không phải là một biến thể của loại tên lửa Hwasong-14 được phóng thử hồi đầu tháng 7 vừa qua, loại tên lửa ICBM có thể bay xa tới 7.000km. Việc phỏng thử thành công tên lửa Hwasong-14 đã gây bất ngờ cho tình báo Mỹ bởi không chỉ về tầm xa mà Triều Tiên còn thành công trong việc đưa đầu đạn giả định rơi xuống biển.

Chính vì thế, dù còn những nhận định cho rằng tên lửa Hwasong-15 chưa hoàn thiện về kỹ thuật để mang đầu đạn hạt nhân cỡ lớn, song cũng đủ khiến cho Mỹ và các đồng minh ở Đông Bắc Á không thể không lo ngại về tiềm năng tấn công hạt nhân của Bình Nhưỡng. Trước đó, kể cả khi Triều Tiên chưa tạo được các bước đột phá qua hai vụ phóng thử Hwasong-14 và Hwasong-15, Mỹ đã phải ráo riết thiết lập “tầng tầng, lớp lớp” các loại tên lửa đánh chặn nhằm đối phó với mối đe dọa tấn công hạt nhân.

Mỹ đã triển khai tới quanh Triều Tiên những hệ thống tên lửa đánh chặn hiện đại nhất của nước này, với nòng cốt là các tàu khu trục trang bị hệ thống tên lửa phòng thủ  Aegis. Mới đây nhất, bất chấp không ít e ngại từ dư luận Hàn Quốc, Mỹ hồi đầu tháng 9 vừa qua đã hoàn tất triển khai 4 bệ phóng thuộc hệ thống phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) tại quốc gia đồng minh này, chưa kể 7 hệ thống THAAD khác đã triển khai trên đảo Guam ở Thái Bình Dương vào tháng 7-2017.

Tuy vậy, Mỹ vẫn chưa cảm thấy yên tâm rằng những hệ thống phòng thủ tên lửa đã triển khai đủ khả năng loại bỏ hoàn toàn mối đe dọa hạt nhân ngày càng nghiêm trọng của Triều Tiên. Bởi thế, theo Nghị sĩ Adam Smith, việc triển khai thêm các hệ thống phòng thủ tên lửa mới ở Bờ Tây sẽ bao gồm cả những bệ phóng tên lửa THAAD được cho là tên lửa đánh chặn hiện đại nhất của Mỹ hiện nay.

Trước những mối đe dọa từ Triều Tiên, Mỹ đang tiến hành những công việc chưa từng làm trong hàng chục năm qua, đó là xây thêm các khu phòng thủ tên lửa nhằm chống lại một cuộc tấn công hạt nhân tiềm tàng. Cơ quan phòng thủ tên lửa Mỹ (MDA) đang cân nhắc một vài khu vực ở phía Bờ Tây nước này để có thể xây dựng thành nơi đặt các hệ thống phòng không bảo vệ quốc gia 24/7, trước một cuộc tấn công bằng tên lửa hạt nhân tiềm tàng.

Các khu phòng thủ tên lửa này nhiều khả năng sẽ bao gồm hệ thống phòng không tầm cao giai đoạn cuối (THAAD), loại khí tài đã chứng minh được sự hiệu quả hơn hệ thống phòng không kỳ giữa (GMD) hay hệ thống Aegis.

Theo thành viên Ủy ban Quốc phòng hạ viện Mỹ, Mike Rogers, MDA đang tìm kiếm đất cho việc xây dựng các khu phòng thủ tên lửa mới, tuy nhiên, ngân sách quốc phòng của Lầu Năm Góc cho năm 2018 vẫn chưa bao gồm hạng mục này. Ông cũng tiết lộ rằng, nhiều bang của nước Mỹ đang “cạnh tranh” để trở thành nơi triển khai các hệ thống trên.

Đặng Vũ (Theo Sputnik)