Mối nguy tên lửa "đấu" tên lửa trên bán đảo Triều Tiên

ANTD.VN - Mỹ đang chuẩn bị tiến hành “cuộc thử nghiệm lớn” về loại tên lửa phòng thủ siêu hiện đại với uy lực tác chiến rất lớn, có khả năng bắn hạ các tên lửa mà Triều Tiên đã liên tục phát triển trong thời gian qua.

Mối nguy tên lửa "đấu" tên lửa trên bán đảo Triều Tiên ảnh 1Mỹ tuyên bố tiến hành thử tên lửa đánh chặn trên biển vào tháng 5 tới để đối phó với mối đe dọa tên lửa từ Triều Tiên

Bộ Quốc phòng Mỹ ngày 18-4 cho biết sẽ tiến hành hai “cuộc thử nghiệm lớn” về tên lửa phòng không vào tháng 5 tới về khả năng bắn hạ các tên lửa được phóng đi từ Triều Tiên. Theo quan chức Lầu Năm góc, các vụ thử tên lửa diễn ra tại Thái Bình Dương này là một phần trong chương trình phòng thủ tên lửa đạn đạo đã được xây dựng từ lâu của Mỹ, tuy nhiên trong thời điểm hiện nay, việc thử tên lửa nhằm hướng tới việc đảm bảo Mỹ có thể phòng vệ an toàn trước mối đe dọa đến từ tên lửa Triều Tiên.

Tiết lộ cụ thể hơn, quan chức Lầu Năm góc cho biết, một trong số các vụ thử nghiệm là bắn thử tên lửa Standard đã được nâng cấp từ một tàu hải quân. Tên lửa có phóng lên tầm cao hơn và có cơ hội tấn công các tên lửa đe dọa sắp bay đến lớn hơn. Siêu tên lửa mới được nâng cấp cả động cơ đẩy và đầu đạn này trước đó chỉ được thử một lần, là  tên lửa phòng thủ thuộc loại có uy lực mạnh nhất của Mỹ, do Mỹ và Nhật Bản đóng góp mỗi nước 1 tỷ USD để cùng hợp tác phát triển từ năm 2006.

Phiên bản mới nhất của tên lửa Standard là SM-3 Block IIA có tầm bắn tới 2.500 km và có thể tiêu diệt được mục tiêu ở độ cao 1.500 km, tức là gấp 3 lần phiên bản SM-3 Block IA/B với tầm bắn 700 km, độ cao đánh chặn 500 km. Với vận tốc tối đa nhanh gấp 15 lần tốc độ âm thanh, vào khoảng 5,6 km/giây, tên lửa SM-3 Block IIA được thiết kế để chuyên đánh chặn tên lửa tầm trung và tên lửa đạn đạo liên lục địa (ICBM).

Giới quân sự cho rằng việc Mỹ tiến hành thử siêu tên lửa phòng thủ Standard rõ ràng nhằm đối phó với mối đe dọa tên lửa của Triều Tiên. Quốc gia trên bán đảo Triều Tiên này thời gian qua đã bất chấp yêu cầu và các lệnh trừng phạt của Hội đồng bảo an LHQ để đẩy nhanh phát triển đồng thời cả hai chương trình hạt nhân và tên lửa.

Bên cạnh việc đã tiến hành hành 6 vụ thử hạt nhân, Triều Tiên cũng rất nhiều lần thử các loại tên lửa, từ lên lửa tầm ngắn đến tầm trung và đặc biệt là tên lửa ICBM, trong đó có phiên bản tên lửa đạn đạo phóng từ tàu ngầm (SLBM). Nếu như trong năm 2016, Triều Tiên tiến hành khoảng hơn 20 vụ thử tên lửa các loại thì nước này đã bắn thử tên lửa hơn chục lần từ đầu năm 2017 đến nay, trong đó vụ thử mới nhất diễn ra ngày 15-4 vừa qua.

Giới phân tích quân sự cho rằng với hệ thống tên lửa chiến thuật (tầm ngắn và tầm trung) và tên lửa chiến lược (ICBM và SLBM), Triều Tiên đã tạo ra mối đe dọa thật sự cho hai đồng minh của Mỹ là Hàn Quốc, Nhật Bản và chính các cơ sở của Washington ở Tây Thái Bình Dương cũng như lãnh thổ phía Tây của Mỹ. Triều Tiên có thể trở thành cường quốc vũ khí hạt nhân sở hữu tên lửa ICBM gắn đầu đạn hạt nhân chỉ sau vài năm nữa.

Trước khả năng răn đe hạt nhân và tên lửa ngày càng lớn của Triều Tiên, Mỹ cùng hai đồng minh Hàn Quốc và Nhật Bản đang đáp trả bằng việc tính tới đánh đòn phủ đầu bằng tên lửa Tomahawk, bom thông minh… đi đôi với việc thiết lập hệ thống phòng thủ tên lửa nhiều tầng lớp tầm gần là hệ thống tên lửa Patriot và tầm xa là Hệ thống Phòng thủ tên lửa tầm cao giai đoạn cuối (THAAD) đã được triển khai tại Hàn Quốc từ tháng 3 vừa qua và nhất là siêu tên lửa SM-3 Block IIA.

Cuộc “đấu” tên lửa đang góp phần khiến bán đảo Triều Tiên bị châm ngòi trước cuộc khủng hoảng “nóng” nhất thế giới hiện nay.