Mạnh tay "xử" mạng xã hội loan tin thất thiệt

ANTD.VN - Đức là một trong những quốc gia đi đầu trên thế giới mạnh tay xử lý tình trạng tin tức giả mạo, thất thiệt loan trên mạng xã hội khi Chính phủ nước này đề xuất phạt tới 50 triệu euro đối với Facebook và Twitter nếu các mạng xã hội vi phạm về vấn đề này.

Thông tin giả mạo hay thất thiệt lan truyền trên mạng xã hội đang là một thực trạng nhức nhối 

Bộ trưởng Bộ Nội vụ Đức Heiko Maas ngày 14-3 đã thay mặt Chính phủ nước này chính thức đệ trình một dự luật đưa ra các hình phạt nặng nhằm mục đích chống lại các loại hình tội phạm và hành vi phạm pháp trên mạng xã hội hiệu quả hơn.

Theo dự luật, Chính phủ Đức đề nghị mức phạt lên tới 50 triệu euro với Facebook và Twitter nếu trang mạng xã hội phổ biến nhất toàn cầu này không xóa tin tức giả và phát ngôn gây thù hận trong vòng 24 giờ sau khi được phát hiện.

Dự luật trên là hành động pháp lý mạnh mẽ của Chính phủ Đức để giải quyết nạn tin tức giả mạo, thất thiệt… lan tràn trên các trang mạng xã hội, gây ra những hậu quả khôn lường cho xã hội và người dân. Đức từ trước đến nay được xem là quốc gia có những quy định chặt chẽ hàng đầu thế giới về những thông tin công khai liên quan đến nói xấu, vu khống, bịa đặt, xúi giục… 

Tác hại ghê gớm của  những thông tin bịa đặt, giả mạo càng gia tăng tỷ lệ thuận với sự ra đời và phát triển của các trang mạng xã hội. Từ cuối năm 2015, nhà chức trách Đức đã buộc các mạng xã hội như Facebook, Twitter và Youtube của Google phải ký kết bộ quy tắc đạo đức, bao gồm cam kết xóa bỏ các đăng tải mang tính thù hằn khỏi các trang mạng này trong vòng 24 giờ.

Tuy nhiên, một cuộc thăm dò được cơ quan bảo vệ người trẻ của Bộ Tư pháp Đức công bố ngày 14-3 cho thấy, trong khi Youtube đã gỡ bỏ khoảng 90% các đăng tải vi phạm trong 1 tuần thì Facebook mới xóa bỏ và chặn khoảng 39%. Chính vì thế, sau hai năm thành lập một nhóm đặc nhiệm để theo dõi và xóa bỏ các “phát ngôn thù hận bất hợp pháp trên Internet”, Chính phủ Đức đã đề xuất xử phạt các mạng xã hội không chịu kiểm soát và xóa các thông tin giả, thất thiệt.

Dự luật quy định trong vòng 24 giờ kể từ khi nhận được thông tin chính xác về các nội dung phạm pháp đăng tải trên mạng, tất cả các trang mạng xã hội sẽ phải xóa bỏ nội dung này mà không có bất kỳ ngoại lệ nào. Ngoài ra, các mạng xã hội cần ngăn chặn và xóa bỏ các nội dung phạm pháp khác trong vòng một tuần. 

Bên cạnh đó, dự luật yêu cầu các công ty quản lý mạng xã hội buộc phải thông tin với những người khiếu nại về các quyết định xử lý của họ đối với sự việc liên quan. Các công ty này còn phải đều đặn công khai các báo cáo theo từng quý về việc họ đã giải quyết các khiếu nại như thế nào. 

Dự luật đưa ra các chế tài cụ thể, mà theo đó các trường hợp không tuân thủ luật thì các cá nhân liên quan tại Đức có thể bị phạt lên tới 5 triệu euro, trong khi công ty quản lý mạng xã hội như Facebook, Google, Twitter… đối mặt với mức phạt lên tới 50 triệu euro.

Chính phủ Đức tin rằng dự luật khi đi vào thực thi sẽ góp phần quan trọng nhằm giải quyết nạn tin giả mạo, thất thiệt lan truyền và “sống dai dẳng” trên các trang mạng xã hội có hàng tỷ người dùng trên khắp thế giới.