"Làn sóng" tị nạn ngoài tầm kiểm soát

ANTD.VN - Số người buộc phải rời bỏ nhà cửa, nơi sinh ra để chạy lánh nạn vì xung đột bạo lực lên tới mức cao nhất trong lịch sử, đẩy gần 66 triệu người vào thảm cảnh ly hương.

Syria - quốc gia có số người tị nạn nhiều nhất thế giới với 12 triệu người

Nhân “Ngày người tị nạn quốc tế” (20-6 hàng năm), Cao ủy Liên hợp quốc về người tị nạn (UNHCR) công bố báo cáo “Xu hướng toàn cầu” cho biết, có đến gần 66 triệu người phải chạy nạn trên toàn thế giới trong năm 2016 và mức độ ngày càng tăng do xung đột và bạo lực khiến nhiều người phải rời bỏ nhà cửa, quê hương.

Theo cơ quan chuyên trách về người tị nạn UNHCR của Liên hợp quốc, số lượng người phải ly hương trên thế giới năm 2016 tăng 300.000 người so với năm 2015. Tính ra, cứ bình quân 3 giây lại có một người rơi vào tình cảnh phải bỏ nhà cửa để đi lánh nạn. 

Trước những số liệu khác nhau về số người tị nạn khi công bố trong báo cáo “Xu hướng toàn cầu”, người đứng đầu UNHCR Filippo Grandi nhấn mạnh: “Dù tính toán theo cách nào, thì 65,6 triệu người phải ly hương là con số không thể chấp nhận được”. Ông kêu gọi cộng đồng quốc tế hãy chung tay bảo vệ, quan tâm đến người tị nạn quốc tế (22,5 triệu người), những người mất nhà cửa còn mắc kẹt trong nội địa (40,3 triệu người) và số người tìm kiếm tị nạn ở nước ngoài (2,8 triệu người). 

Syria - quốc gia có số người tị nạn nhiều nhất thế giới với 12 triệu người hiện cư trú tại những nước láng giềng và các khu vực khác. Như vậy, từ khi cuộc xung đột bạo lực bùng nổ tháng 3-2011 tới nay đã có tới một nửa số người dân Syria phải bỏ nhà cửa đi lánh nạn. Tiếp theo là Colombia, Afghanistan, Iraq với lần lượt là 7,7 triệu, 4,7 triệu và 4,2 triệu người phải rời bỏ nhà cửa.

Nam Sudan đang nổi lên là “điểm đen” tị nạn mới đáng quan ngại nhất thế giới trong năm 2016, sau khi các nỗ lực đàm phán hòa bình thất bại. Chỉ trong 6 tháng cuối năm 2016 đã có tới 737.400 người dân ở quốc gia châu Phi này phải chạy loạn, nâng tổng số người phải rời bỏ nhà cửa ở Nam Sudan tính đến cuối năm 2016 là 3,3 triệu người. 

Cũng theo báo cáo của UNHCR, khoảng 50% số người tị nạn trên toàn cầu là trẻ em dưới 18 tuổi, trong khi lực lượng này chỉ chiếm 31% dân số toàn cầu. Đây là điều rất đáng lo ngại, cho thấy trẻ em hiện đang là đối tượng chịu tác động tiêu cực từ các cuộc xung đột, chiến tranh. Vì thế, hiện có tới 75.000 trại tị nạn trên thế giới được dành ra để chuyên đón nhận số em tự đi lánh nạn, hoặc bị ly tán với cha mẹ. 

Thực trạng đáng buồn nữa là phần lớn người tị nạn tập trung ở các nước đang phát triển. UNHCR cho biết, có tới 84% người tị nạn sống tại các quốc gia có mức thu nhập thấp hoặc trung bình, trong đó có 4,9 triệu người tị nạn đang phải sống ở những nước kém phát triển nhất thế giới. UNHCR đánh giá, mức độ mất cân bằng nghiêm trọng này cho thấy nhiều vấn đề đang tồn tại, nổi bật nhất là việc thiếu đồng thuận quốc tế trong việc tiếp nhận người tị nạn, nhiều nước nghèo phải chịu gánh nặng từ khu vực xung đột lân cận.

UNHCR lo ngại thế giới đang phải chứng kiến sự thay đổi quá lớn khi một làn sóng người tị nạn đang không thể ngăn cản nổi và vượt ra ngoài tầm kiểm soát do thế giới dường như chỗ nào cũng có chiến tranh và xung đột. Trong vòng 5 năm qua, có ít nhất 14 cuộc xung đột bùng phát hoặc tái diễn trên toàn thế giới nên chừng nào còn chiến tranh, xung đột và đói nghèo thì thế giới còn phải đối mặt với “làn sóng” tị nạn.