Lạ đời trung tâm chăm sóc người già bằng thú chơi… bài bạc

ANTD.VN - Với các bàn chơi mạt chượt và máy chơi game không khác gì một casino thương mại, hệ thống dịch vụ Las Vegas với 16 cơ sở trên khắp Nhật Bản lại là một kiểu trung tâm chăm sóc người già ban ngày. Mô hình kinh doanh lạ đời nhưng đã có những bước đi thành công ở một nước dân số già như Nhật Bản.

Chuyến đi thực tế đến một sòng bạc ở thủ phủ sòng bạc Las Vegas của Mỹ đã truyền cảm hứng cho CEO của Las Vegas, ông Kaoru Mori. Ông Mori nhận thấy, khách hàng cao tuổi ở Mỹ thường xuyên tìm đến casino tuy đặt cược nhỏ, chỉ 10-15 USD nhưng họ đều ăn diện và rõ ràng cảm thấy vui vẻ khi tới đây.

Điều đó làm cho ông nghĩ đến việc thành lập trung tâm chăm sóc người già ban ngày theo mô hình sòng bạc vào năm 2014. Đó là một bước đi táo bạo bởi khi đó Nhật Bản chưa cho phép thành lập casino, thực tế đến năm 2016 loại hình này mới được hợp pháp hóa. 

Lạ đời trung tâm chăm sóc người già bằng thú chơi… bài bạc ảnh 1Người cao tuổi Nhật Bản tại một trung tâm dịch vụ Las Vegas

Đến sòng bài để luyện sức khỏe

Giống như casino nhưng các trò chơi và dịch vụ có ở các trung tâm dịch vụ chăm sóc người già ban ngày Las Vegas lại được thiết kế để khuyến khích người già tập luyện giữ gìn sức khỏe thể chất lẫn tinh thần. “Già hóa dân số là vấn đề quan trọng mà Nhật Bản phải đối mặt, với khoảng 6,22 triệu người cần được chăm sóc. Tôi muốn tạo ra một nơi giúp người già có động lực để tìm đến”, Tổng Giám đốc Mori chia sẻ. 

Hệ thống trung tâm này không sử dụng tiền thật. Trước khi khách hàng vào chơi, họ phải đo thân nhiệt, huyết áp và bài tập khởi động giãn cơ để kiếm được số tiền 10.000 đơn vị tiền gọi là Vegas. Khách hàng có thể sử dụng Vegas để chơi các trò chơi như mạt chược, poker, blackjack và pachinko (jackpot). Bà Katzuko Kikuchi, 83 tuổi, là người thường xuyên chơi mạt chược. “Tôi có bạn bè ở đây và các trò chơi cũng rất thú vị”, bà nói. 

Ngoài các bàn chơi game, khách hàng cũng có thể sử dụng dịch vụ massage, hát karaoke, tập luyện cho trí tuệ như đọc, vẽ hoặc xem phim. Các trò chơi tại trung tâm trợ giúp kích thích chức năng não và có thể cải thiện trí nhớ, kỹ năng toán học cũng như phán đoán tình huống. Bên cạnh đó, xen kẽ với các trò chơi là các bài tập thể dục kéo dài 5-20 phút trong suốt cả ngày. Trung tâm cũng có dịch vụ phục hồi chức năng 45 phút dành cho khách hàng.

Hiện nay, tâm huyết của ông Mori dường như đã được đền đáp. 16 trung tâm chăm sóc người già ban ngày Las Vegas phục vụ cho gần 700 khách hàng cao tuổi trên khắp Nhật Bản, ngay cả mẹ ông năm nay 93 tuổi cũng là một khách hàng thường xuyên.  

Ứng phó với dân số già

Thành công ban đầu là thế nhưng hệ thống dịch vụ này cũng có một số nguy cơ rủi ro. Hiện họ đang duy trì giá cả phải chăng cho người cao tuổi, trong khi hệ thống bảo hiểm chăm sóc dài hạn của Nhật Bản trả tới 90% phí dịch vụ. Tuy nhiên, những năm sắp tới, ngành bảo hiểm sẽ không tiếp tục thanh toán dịch vụ kiểu này bởi họ ngày càng chịu áp lực căng thẳng từ tình trạng dân số già.

Cùng với đó, trung tâm dịch vụ kiểu sòng bạc cũng vẫn bị chính quyền một số nơi phản đối, ví dụ năm 2015, thành phố Kobe đã bỏ phiếu cấm phổ biến trò chơi mạt chược và máy chơi game tại các trung tâm chăm sóc người già trên địa bàn.

 Mặc dù vậy, ông Mori chia sẻ rằng, ông không muốn lập “trung tâm dưỡng già” mà chỉ muốn giúp các khách hàng nhiều tuổi - gần một nửa trong số đó có bệnh mất trí nhớ - trở nên khỏe mạnh và hạnh phúc hơn.

“Tôi nghĩ người có tuổi trong sâu thẳm tâm hồn vẫn muốn tin rằng họ vẫn còn trẻ, nhưng khi họ cần đến một dịch vụ chăm sóc dành cho người già, điều đó làm cho họ cảm thấy mình già thực sự. Ở đây, chúng tôi không đối xử với người già như thể trẻ nhỏ cần được chăm sóc, mà với tư cách là những người lớn cần được tiếp thêm sinh lực và sự năng nổ... Tôi tin rằng mọi người sẽ sống lâu hơn nếu họ cảm thấy hạnh phúc mỗi ngày và chúng tôi đặt nguyên tắc này lên hàng đầu vào thực tế ở đây”, ông Mori nói.