Kim chỉ nam giải quyết mối đe dọa xung đột và chiến tranh thách thức toàn cầu

ANTD.VN - Hơn 70 năm đã trôi qua song những nguyên tắc được nêu trong Hiến chương Liên hợp quốc vẫn là nền tảng quan trọng bậc nhất để giải quyết các mối đe dọa và thách thức từ các cuộc xung đột ngày càng phức tạp trên thế giới.  

Kim chỉ nam giải quyết mối đe dọa xung đột và chiến tranh thách thức toàn cầu ảnh 1Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres gặp gỡ trẻ em là nạn nhân trong cuộc xung đột tại châu Phi được bảo vệ bởi lực lượng giữ gìn hòa bình Liên hợp quốc

Phát biểu ngày 21-2 trong cuộc thảo luận cấp Bộ trưởng của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc về các mục đích và nguyên tắc của Hiến chương Liên hợp quốc, Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nhấn mạnh, cộng đồng quốc tế đang dành nhiều thời gian và nguồn lực để đối phó với các cuộc khủng hoảng hơn là để ngăn ngừa chúng. Do đó, theo người đứng đầu Liên hợp quốc, cần phải điều chỉnh cân bằng cách tiếp cận đối với hòa bình và an ninh quốc tế, chú trọng tới việc giải quyết gốc rễ và ngăn ngừa khủng hoảng hay xung đột.   

Cho rằng ngăn ngừa khủng hoảng là trách nhiệm cơ bản của các quốc gia thành viên, song Tổng Thư ký Antonio Guterres cũng nhấn mạnh tới vai trò Liên hợp quốc trong việc hỗ trợ các quốc gia giải quyết tranh chấp và ngăn ngừa khủng hoảng nổi lên. Ông khẳng định mục tiêu của Liên hợp quốc được nêu rõ trong Hiến chương của tổ chức này là “phải làm mọi điều có thể để giúp các nước ngăn chặn khủng hoảng gây thiệt hại lớn về người”. Khủng hoảng ở đây, theo Tổng Thư ký Liên hợp quốc, không chỉ là các cuộc chiến tranh và xung đột, mà còn bao gồm cả thiên tai và những tình huống căng thẳng khác.  

Tuyên bố của người đứng đầu tổ chức hòa bình và an ninh lớn nhất hành tinh được đưa ra khi mà thế giới bước sang năm 2018, tức là gần 1/5 của thế kỷ XXI đã trôi qua, nhưng thế giới vẫn phải đối mặt với những thách thức rất lớn. Từ xung đột và chiến tranh ở Trung Đông, khủng hoảng hạt nhân và tên lửa trên bán đảo Triều Tiên, căng thẳng ở Biển Đông… cho tới hiểm họa khủng bố và chủ nghĩa cực đoan lan rộng, khủng hoảng người tị nạn, biến đổi khí hậu…

Nguyên nhân dẫn tới các cuộc tranh chấp, xung đột và chiến tranh có thể khác nhau, song đều leo thang, thậm chí dẫn tới bùng nổ bởi các bên liên quan không thể tìm được tiếng nói chung, quyết theo đuổi tới cùng tham vọng cùng lợi ích của mình mà chà đạp lên quyền và lợi ích của bên khác. Để từ đó gạt sang một bên đối thoại để giải quyết sự khác biệt  cùng những mâu thuẫn, tranh chấp  bằng vũ lực.

Hơn 7 thập kỷ trước, khi mà nhân loại còn đang chìm đắm trong những đau thương và mất mát chưa từng thấy bởi cuộc chiến tranh thế giới lần thứ hai, cộng đồng quốc tế đã lập ra tổ chức Liên hợp quốc với việc thông qua bản Hiến chương Liên hợp quốc vào ngày 26-6-1945. Bản hiến chương này với Phần mở đầu xác định những nguyên tắc căn bản nhất nhằm phòng ngừa cho những thế hệ tương lai khỏi thảm họa chiến tranh thế giới đã hai lần xảy ra, gây cho nhân loại đau thương và tổn thất không kể xiết.

Soi rọi vào Hiến chương Liên hợp quốc ra đời hơn 70 năm trước có thể thấy những giá trị cốt lõi nhằm duy trì hòa bình, ổn định và thịnh vượng trên toàn cầu vẫn giữ nguyên những giá trị nóng hổi, là kim chỉ nam cho các nguyên tắc cơ bản nhất giải quyết khủng hoảng trên toàn cầu.

Hiến chương Liên hợp quốc vẫn luôn có ý nghĩa quan trọng hàng đầu trong việc duy trì hòa bình, ổn định và an ninh quốc tế, cũng như thúc đẩy phát triển và bảo vệ quyền con người trước những thách thức an ninh truyền thống và phi truyền thống hiện nay. Tôn trọng và thúc đẩy những nguyên tắc cơ bản của Hiến chương Liên hợp quốc trong xử lý các thách thức lớn toàn cầu hiện nay chính là nhằm thực hiện mong mỏi lớn nhất khi bản hiến chương được thông qua cách đây hơn 7 thập kỷ.