Khủng hoảng Qatar mịt mờ lối thoát

ANTD.VN - Lối thoát cho cuộc khủng hoảng quan hệ trầm trọng nhất từ trước tới nay trong quan hệ giữa Qatar và các quốc gia “Hồi giáo Arập anh em” ngày càng mờ mịt khi căng thẳng không những không được hóa giải mà còn leo thang thêm.

Khủng hoảng Qatar mịt mờ lối thoát ảnh 1Người dân Qatar biểu tình phản đối bên ngoài can thiệp vào công việc nội bộ của quốc gia này

Không khỏi ngỡ ngàng khi Quốc vương Qatar Tamim bin Hamad Al-Thani ngày 29-10 đã bất ngờ lên tiếng cáo buộc Arập Xêút và đồng minh Arập của nước này tìm cách lật đổ chính phủ Qatar giữa lúc vẫn duy trì lệnh cấm vận chính trị và kinh tế nhằm vào Doha vốn đã kéo dài gần 5 tháng qua. Trong cuộc trả lời phỏng vấn phát trong chương trình “60 

Minutes” nổi tiếng của kênh truyền hình CBS (Mỹ), Quốc vương Qatar cho rằng, Arập Xêút và đồng minh của nước này muốn thay đổi chế độ ở Qatar bởi họ “không thích nền độc lập của chúng tôi” và chẳng những “không hài lòng” với việc Qatar muốn tự do ngôn luận cho người dân trong khu vực, mà còn coi đó là một mối đe dọa.

Có thể nói, cáo buộc nặng nề của người đứng đầu chính quyền Qatar là một nấc thang mới trong cuộc khủng hoảng bùng phát từ đầu tháng 6 vừa qua giữa quốc gia Hồi giáo Arập giàu có này với một số quốc gia láng giềng. Khủng hoảng này bất ngờ bùng phát ngày 5-6 khi 4 quốc gia Arập là Ai Cập, Arập Xêút, Bahrain và Các Tiểu vương quốc Arập Thống nhất (UAE) tuyên bố cắt đứt quan hệ ngoại giao cũng như các liên kết đường không, đường bộ và đường biển với Qatar với cáo buộc Doha ủng hộ và cung cấp tài chính cho các nhóm khủng bố. 

Đến ngày 23-6, các nước Arập còn dấn thêm bước nữa khi đưa ra yêu sách gồm 13 điểm với Qatar, trong đó yêu cầu Doha đóng cửa kênh truyền hình Al-Jazeera, cắt đứt quan hệ với Iran, ngừng cung cấp tài chính cũng như hỗ trợ các nhóm khủng bố, chấm dứt sự hiện diện quân sự của Thổ Nhĩ Kỳ trên đất Qatar… Đáp lại, chính quyền do Quốc vương Tamim bin Hamad Al-Thani đứng đầu đã bác bỏ tất cả những yêu sách này, đồng thời cáo buộc “ông lớn” Arập Xêut thao túng các quốc gia trong Hội đồng Hợp tác vùng Vịnh (GCC) để gây sức ép với Qatar.

Cuộc khủng hoảng quan hệ giữa Qatar và 4 quốc gia thuộc nhóm “Big Four” dù đã kéo dài gần 5 tháng, song dường như vẫn chưa gây tổn hại đáng kể cho nền kinh tế cũng như cuộc sống người dân đất nước có mức thu nhập GDP/người cao nhất thế giới hiện nay với 130.000 USD/người/năm. Tuy nhiên, cuộc khủng hoảng ngoại giao tồi tệ nhất trong lịch sử GCC từ trước tới nay lại ảnh hưởng lớn tới cuộc chiến chống khủng bố, nhất là tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. 

Chính vì thế, chính quyền Mỹ từ khi cuộc khủng hoảng Qatar bùng phát tới nay đã 2 lần cử Ngoại trưởng Rex Tillerson tới khu vực để thu xếp, đứng ra tổ chức cuộc đàm phán giữa các bên liên quan. Thậm chí, đích thân Tổng thống Mỹ Donald Trump cũng đã phải trực tiếp đưa ra đề nghị về việc Washington đứng ra chủ trì một hội nghị giữa các bên trong cuộc khủng hoảng ngoại giao này.

Thế nhưng, cho đến nay, Arập Xêút cùng các nước đồng minh trong GCC vẫn chưa chấp nhận xuống thang để rút bớt các điều khoản trong yêu sách 13 điểm. Trong khi đó, Qatar ỷ vào tiềm lực kinh tế hùng mạnh đồng thời tìm được lối thoát sang Iran, Thổ Nhĩ Kỳ, Nga để giảm thiểu thiệt hại bị nhóm “Big Four” bao vây, cấm vận… nên vẫn tỏ ra cứng rắn lập trường trong cuộc đối đầu với những quốc gia này.

Các bên liên quan vì thế cho tới nay vẫn chưa thể nhìn thấy ánh sáng cuối đường hầm cho dù cuộc khủng hoảng ngoại giao vùng Vịnh đã kéo dài gần 5 tháng.