Hội nghị Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 25):

Khủng hoảng khí hậu đang đe dọa nền văn minh

ANTD.VN - Đối diện với một cuộc khủng hoảng khí hậu đe dọa tới nền văn minh, loài người phải lựa chọn giữa hy vọng và đầu hàng. Tuyên bố này được Tổng Thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres đưa ra tại lễ khai mạc toàn thể Hội nghị lần thứ 25 các bên tham gia Công ước khung của Liên hợp quốc về biến đổi khí hậu (COP 25) diễn ra từ ngày 2-12 tại Thủ đô Madrid của Tây Ban Nha.

Theo báo cáo của Oxfam cứ mỗi giây lại có hai người rời bỏ nhà cửa vì biến đổi khí hậu

Trong hai tuần Hội nghị COP 25, các đại biểu đến từ gần 200 nước và vùng lãnh thổ được kỳ vọng sẽ nỗ lực đạt được các quy tắc điều chỉnh thỏa thuận khí hậu Paris 2015, bao gồm cách thức tạo ra hệ thống giao dịch khí thải quốc tế và bồi thường cho các quốc gia nghèo khó vì những tổn thất mà họ phải gánh chịu vì nước biển dâng và các hậu quả khác từ biến đổi khí hậu.

Tổng thư ký Liên hợp quốc Antonio Guterres nêu rõ: “Một con đường là đầu hàng, nơi chúng ta lơ đễnh bước qua điểm không thể quay đầu, hủy hoại sức khỏe và sự an toàn của mọi người dân trên hành tinh này”.  Trước đó, trước thềm Hội nghị  COP 25, Antonio Guterres  đã  cảnh báo các nỗ lực của thế giới để chặn đứng tình trạng biến đổi khí hậu cho tới nay vẫn chưa thích đáng và tình trạng Trái đất ấm lên có thể vượt qua “điểm không thể cứu vãn”. 

Theo Tổng thư ký Antonio Guterres, tác động của nhiệt độ gia tăng, trong đó gây ra thời tiết cực đoan hơn, đang được cảm nhận rõ ở mọi ngõ ngách của Trái đất với những hậu quả không lường đối với loài người và những sinh vật khác trên Trái đất. Ông nhấn mạnh, thế giới đã có hiểu biết khoa học và các công cụ kỹ thuật để hạn chế tình trạng Trái đất nóng lên nhưng vẫn thiếu ý chí chính trị.

Ông Guterres nhấn mạnh: “Điều chúng ta vẫn thiếu là quyết tâm chính trị: Quyết tâm chính trị để định giá khí thải carbon. Quyết tâm chính trị để ngừng các trợ giá cho nhiên liệu hóa thạch. Quyết tâm chính trị để ngừng xây dựng các nhà máy nhiệt điện than từ 2020 trở đi. Quyết tâm chính trị để chuyển thuế từ thu nhập thành thuế carbon. Đánh thuế ô nhiễm thay vì đánh thuế vào con người”.

Trong khi đó, phát biểu tại COP 25, Chủ tịch Hạ viện Mỹ Nancy Pelosi nêu rõ: “Chúng tôi có mặt tại đây để nói với tất cả mọi người rằng, nhân danh Hạ viện và Quốc hội Mỹ, chúng tôi vẫn tham gia hiệp định này”. Bà nhấn mạnh biến đổi khí hậu đặt ra mối đe dọa đối với sức khỏe cộng đồng, kinh tế và an ninh quốc gia và “chúng ta có trách nhiệm chuyển giao hành tinh này cho thế hệ tương lai theo một cách thức tốt hơn”.

Bà Pelosi dẫn đầu một phái đoàn gồm hơn chục nghị sĩ Quốc hội tới Madrid để tham dự hội nghị nêu trên nhằm chỉ ra rằng phần lớn người dân Mỹ cũng như các ứng cử viên Dân chủ tranh cử vào Nhà Trắng vẫn cam kết đối với các mục tiêu được Hiệp định Paris đặt ra. Một quan chức cấp cao Bộ Ngoại giao Mỹ cho hay phái đoàn này riêng rẽ với phái đoàn quan chức Mỹ tại COP 25, do Đại sứ Marcia Bernicat  dẫn đầu. Về mặt kỹ thuật, Mỹ vẫn là một thành viên của Hiệp định Paris về biến đổi khí hậu cho tới ngày 4-11-2020.