Không phải có tiền là Trung Quốc mua được cả thế giới

ANTD.VN - Quá rủng rỉnh với túi tiền dự trữ ngoại tệ khổng lồ, Trung Quốc đang cấp tập vung tiền mua lại các công ty khắp toàn cầu. Song không phải cứ có tiền là Trung Quốc có thể mua được bất cứ thứ gì họ muốn trên thế giới.

Tập đoàn hóa chất Nhà nước Trung Quốc ChemChina đã ra giá 44 tỷ USD để thâu tóm tập đoàn hóa chất Syngenta

Cho dù Trung Quốc đang thi hành chính sách kiểm soát dòng tiền chảy ra nước ngoài nhằm bảo vệ đồng nội tệ khỏi suy yếu, nhưng hoạt động thâu tóm các tập đoàn, công ty nước ngoài của cường quốc kinh tế thứ hai thế giới này vẫn đứng hàng đầu thế giới. Theo số liệu chính thức của Chính phủ Trung Quốc, trong năm 2016, các doanh nghiệp nước này đã bỏ ra số tiền kỷ lục là 220 tỷ USD cho các thương vụ thâu tóm khắp toàn cầu, từ việc mua lại các tập đoàn kinh tế lớn cho tới thương hiệu khách sạn hàng đầu hay hãng phim và câu lạc bộ bóng đá.

Nguồn dự trữ ngoại tệ khổng lồ hơn 3.000 tỷ USD cùng sự lớn mạnh của các tập đoàn kinh tế trong nước, đặc biệt là các tập đoàn nhà nước, đã giúp cho Trung Quốc có thể vung tiền thâu tóm nhiều doanh nghiệp nước ngoài. Năm 2016 đánh dấu mốc đáng kể khi Trung Quốc lần đầu tiên vượt mặt Mỹ và Nhật Bản để trở thành quốc gia thực hiện tổng giá trị các thương vụ mua bán và sáp nhập (M&A) lớn nhất thế giới.

Theo giới kinh tế, nguyên nhân chính thúc đẩy các doanh nghiệp Trung Quốc cấp tập vung tiền tiến hành các thương vụ M&A là để “đi tắt” nhằm sớm bắt kịp các công ty hàng đầu thế giới. Cho dù đã vươn lên thành nền kinh tế lớn thứ hai thế giới sau Mỹ với GDP hơn 10.400 tỷ USD nhưng các tập đoàn và công ty Trung Quốc, kể cả những tập đoàn lớn, vẫn thua kém thế giới về rất nhiều mặt, từ công nghệ, quản trị… và nhất là giá trị thương hiệu cũng như chất lượng sản phẩm và chiếm lĩnh thị trường thế giới.

Thế nên, bỏ tiền ra thâu tóm các hãng công nghệ thế giới là con đường ngắn nhất để các doanh nghiệp Trung Quốc vươn lên hàng đầu về công nghệ và kỹ thuật, lĩnh vực mà họ có khoảng cách xa. Ông Hernan Cristerna, chuyên gia về M&A tại ngân hàng JPMorgan Chase, cho rằng, “thời đại doanh nghiệp Trung Quốc đang tới” vì việc thâu tóm đã giúp họ học hỏi bí quyết và giành thị phần thông qua thương vụ với doanh nghiệp ngoại. 

Các thương vụ M&A còn được xem như là một “tuyệt chiêu” của Trung Quốc dùng công cụ kinh tế để thúc đẩy và đạt được những mục tiêu an ninh quốc phòng thông qua việc thâu tóm các công ty công nghệ cao của Mỹ và châu Âu.

Một trong những trường hợp điển hình là ông Barack Obama vào tháng 12-2016 đã phải ra tay ngăn chặn một công ty Trung Quốc mua lại công ty điện tử Aixtron của Đức bởi nếu Aixtron rơi vào tay Bắc Kinh sẽ gây ra mối đe dọa đến an ninh quốc gia Mỹ do Aixtron sở hữu công nghệ có khả năng ứng dụng vào quốc phòng để giúp tăng cường sức mạnh và độ nhạy của các hệ thống vũ khí, radar.

Các quốc gia nằm trong phạm vi Sáng kiến “Vành đai-Con đường” (BRI) của Trung Quốc cũng có lý do để quan ngại khi các tập đoàn Trung Quốc đã đổ hàng trăm tỷ USD trong vài năm qua để mua lại các công ty ở những nước này. Càng đáng lo hơn trong bối cảnh dòng tiền thực hiện M&A của Trung Quốc chững lại từ đầu năm tới nay, song tính đến ngày 15-8, các công ty Trung Quốc vẫn bỏ ra tới 33 tỷ USD cho 109 thương vụ M&A tại các nước nằm trong phạm vi Sáng kiến BRI và con số này cao hơn hẳn mức 31 tỷ USD của cả năm 2016.

Tuy nhiên, thương vụ thâu tóm công ty Aixtron cho thấy không phải cứ có “núi tiền” là Trung Quốc có thể “mua được cả thế giới”. Lo ngại về bí quyết công nghệ, nhất là an ninh đã khiến Chính phủ   Australia từ chối đề nghị của công ty Trung Quốc mua lại hãng hạ tầng điện nhà nước Ausgrid hay Chính phủ Anh can thiệp không để doanh nghiệp Trung Quốc “giúp” xây dựng một nhà máy điện hạt nhân 24 tỷ USD...