Tự do hàng hải trên Biển Đông:

Khoảng cách xa từ lời nói tới hành động

ANTD.VN - Cho dù ASEAN và Trung Quốc mới đây đã đạt được thỏa thuận về phần khung Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC), song từ những cam kết trên bàn đàm phán tới thực tế đảm bảo an ninh và tự do hàng hải trên Biển Đông còn khoảng cách rất xa.

Trung Quốc đã chiếm giữ trái phép nhiều bãi đá, rạn san hô ngầm… ở Biển Đông rồi cải tạo phi pháp, gây quan ngại sâu sắc

Quan ngại về vấn đề an ninh và tự do hàng hải trên Biển Đông lại một lần nữa được đặt ra trong hội thảo với chủ đề “An ninh hàng hải toàn cầu: Biển Đông quan điểm từ các bên không tuyên bố chủ quyền” diễn ra tại Đại học Meiji Tokyo (Nhật Bản) vào tối 25-9. Những học giả hàng đầu Nhật Bản và thế giới, cùng nhiều nhà báo quốc tế đã cùng thống nhất bày tỏ mối lo ngại sâu sắc trước các vấn đề tự do hàng hải và tự do hàng không trên Biển Đông mà họ cho là liên quan tới lợi ích của cả khu vực và toàn cầu.

Biển Đông, vùng biển chỉ có liên quan tới tuyên bố chủ quyền của “năm nước, sáu bên”, nhưng lại giữ vai trò là tuyến vận tải biển huyết mạch quan trọng bậc nhất toàn cầu. Vùng biển chiến lược trọng yếu này nằm trên tuyến giao thông biển huyết mạch nối liền Thái Bình Dương-Ấn Độ Dương, châu Âu-châu Á, Trung Đông-châu Á với khoảng 150-200 tàu biển chở hàng qua lại mỗi ngày, chuyên chở khoảng 40% tổng lượng hàng hóa vận chuyển trên toàn cầu.

Có vai trò và vị trí chiến lược  quan trọng như vậy nên vấn đề tự do và an toàn hàng hải cũng như hàng không trên Biển Đông được đặt ra ngày càng cấp thiết khi mà Trung Quốc ráo riết đòi hỏi chủ quyền với 80% diện tích Biển Đông, đi đôi với đó là những hành động đẩy nhanh việc quân sự hóa vùng biển này. Trung Quốc đã chiếm giữ trái phép nhiều bãi đá, rạn san hô ngầm… ở Biển Đông rồi cải tạo phi pháp thành các đảo nổi nhân tạo, triển khai tới đó những trang thiết bị vũ khí hiện đại, tạo ra mối đe dọa nghiêm trọng với tàu thuyền và máy bay qua lại.

Bởi thế, không chỉ vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của những bên liên quan trong vấn đề chủ quyền trên Biển Đông, các bên không liên quan, nhất là các cường quốc khu vực và quốc tế như Nhật Bản, Australia, Ấn Độ, Mỹ…, đều lo ngại sâu sắc trước những đòi hỏi và hành vi phi lý, phi pháp của Trung Quốc.

Từ vị trí trung lập của bên không tuyên bố chủ quyền và cái nhìn khách quan, những học giả và đại diện tham dự hội thảo tại Đại học Meiji Tokyo đều nhấn mạnh Biển Đông hết sức quan trọng đối với kinh tế, an ninh của khu vực và thế giới, do đó bất kỳ tuyên bố hay hành vi nào đe dọa tới tự do hàng hải và tự do hàng không ở đây đều gây ra những quan ngại lớn, có nguy cơ ảnh hưởng tới không chỉ kinh tế mà cả ổn định, an ninh trong khu vực cũng như toàn cầu.

Những lo ngại về an ninh, tự do hàng hải và hàng không trên Biển Đông thời gian qua vẫn còn nguyên, bất chấp nỗ lực của khu vực và quốc tế nhằm duy trì hòa bình, ổn định ở đây. Trong đó, đáng kể nhất phải kể đến các nỗ lực của các quốc gia thành viên ASEAN trong việc thương lượng và vừa đi tới thỏa thuận với Trung Quốc về việc thông qua phần khung Bộ Quy tắc ứng xử trên Biển Đông (COC) hồi đầu tháng 8 vừa qua.

COC kế thừa và mang tính ràng buộc hơn Tuyên bố về ứng xử của các bên trên Biển Đông (DOC) nhằm ràng buộc ASEAN và Trung Quốc trong việc không có những tuyên bố, hành vi gây phương hại, xâm hại, giữ nguyên trạng để qua đó giúp xây dựng lòng tin, duy trì hòa bình, ổn định cũng như đảm bảo tự do, an toàn hàng hải và hàng không trên Biển Đông.

Tuy nhiên, giới quan sát cho rằng còn khoảng cách xa từ thống nhất khung COC tới thỏa thuận chính thức để bộ quy tắc này chính thức đi vào vận hành. Ngay cả trong trường hợp COC có hiệu lực thì thực tế không phải lúc nào những cam kết trong văn bản về Biển Đông cũng sẽ được tôn trọng và thực thi nghiêm túc.