Khi những phụ nữ tuyệt vọng tự giải thoát

(ANTĐ) - Cuộc sống quá tuyệt vọng do nghèo đói, hôn nhân bị ép buộc, bị lạm dụng... đã buộc nhiều phụ nữ Afghanistan phải tự giải thoát cho mình bằng cách tìm đến cái chết.

Khi những phụ nữ tuyệt vọng tự giải thoát

(ANTĐ) - Cuộc sống quá tuyệt vọng do nghèo đói, hôn nhân bị ép buộc, bị lạm dụng... đã buộc nhiều phụ nữ Afghanistan phải tự giải thoát cho mình bằng cách tìm đến cái chết.

Farzana (trái) cùng mẹ ở Bệnh viện Herat

Farzana (trái) cùng mẹ ở Bệnh viện Herat

Gul Zada là một trong những phụ nữ rơi vào cảnh ngộ như vậy. Vào đêm trước khi tự thiêu, Gul Zada đưa những đứa trẻ đến nhà chị gái dự bữa tiệc gia đình. Mọi việc tưởng bình thường. Nhưng do Zada không mang theo quà tặng, một người trong bữa tiệc đã dè bỉu cô.

Dường như việc nhỏ này đã động nỗi đau cuộc đời cô. Zada, 45 tuổi, là mẹ của 6 người con, sống bằng nghề dọn dẹp nhà thuê, đã quyết định kết thúc cuộc đời bằng cách tự thiêu. Zada đã được đưa đến điều trị tại Bệnh viện Herat.

Bệnh viện bỏng Herat là trung tâm y tế duy nhất ở Afghanistan chuyên điều trị những bệnh nhân bỏng tự thiêu trong khu vực. Hình thức tự thiêu diễn ra khá phổ biến ở Afghanistan nói chung và ở khu vực Herat nói riêng. Tính đến đầu tháng 10 vừa qua đã có 75 ca bỏng do tự thiêu được đưa đến bệnh viện điều trị, tăng gần 3% số ca tự thiêu so với năm 2009.

Mặc dù những con số lớn như vậy nhưng vẫn chưa thể phản ánh hết được nhưng câu chuyện tuyệt vọng của những người phụ nữ. Họ phải gánh chịu quá nhiều những khó khăn trong gia đình, những sức ép về tinh thần và thể xác. Các bác sỹ tại bệnh viện cho biết, có lẽ Zada đã bị suy nhược.

 Đối với những người phụ nữ Afghanistan, những sự lựa chọn trong cuộc sống là rất hạn chế. Gia đình chính là số phận của họ. Họ rất ít có cơ hội được học hành, hầu như không có cơ hội để lựa chọn người xây dựng gia đình, hôn nhân bị ép buộc, và không có vai trò gì trong chính gia đình của mình.

Công việc chính của những người phụ nữ là phục vụ gia đình bên chồng. Ngoài thế giới đó, họ được coi là những người thừa. Và nếu họ chạy trốn khỏi thế giới đó, họ sẽ phải đối mặt với rất nhiều cạm bẫy bên ngoài như bị hãm hại hoặc bị tống giam, bị bắt đưa về nhà.

Một phụ nữ chạy trốn được đưa trở về nhà cũng đồng nghĩa với cái chết. Thường thì những người này sẽ bị tử hình bằng cách bắn, đâm hoặc ném đá cho đến chết. Những người tự thiêu mà may mắn còn sống sót thì sẽ bị gia đình bỏ rơi, trong khi chồng của họ sẽ kết hôn với cô gái khác.

Những người phụ nữ Afghanistan phải chịu ngược đãi, bạo lực từ rất nhiều phía, từ cha, anh trai, chồng, bố mẹ chồng và chị em chồng. Bác sỹ Arif Jalali cho biết, ông hiện đang điều trị cho hai bệnh nhân bị chính mẹ vợ và chồng đốt, nhưng lại giả mạo là những vụ tự sát.

Bị ép buộc kết hôn năm 12 tuổi, sau nhiều năm bị gia đình nhà chồng ngược đãi, Farzana đã tự giải thoát cho mình bằng cách tự thiêu. Câu chuyện của Farzana cũng giống như của rất nhiều những phụ nữ Afghanistan khác phải chịu sự ngược đãi cùng cực của phía gia đình nhà chồng.

Theo thống kê của Liên hiệp quốc, có tới 45% phụ nữ Afghanistan kết hôn trước 18 tuổi, số đông trước 16 tuổi, nhiều bé gái trong số đó buộc phải kết hôn như những món đồ trả nợ. Và hậu quả là họ phải cam chịu cuộc sống như những nô lệ.

Farzana là một cô gái thông minh, từng ước mơ trở thành giáo viên, nhưng đã sớm buộc phải kết hôn trả nợ với một bé trai con của gia đình đã gả con gái của họ cho anh trai cô. Do còn quá trẻ nên người chồng của cô luôn nghe theo lời bà mẹ, sẵn sàng đánh đập vợ.

Những vụ đánh đập Farzana phải chịu đựng ngày càng tăng khi anh trai cô đi lấy vợ thứ hai. Điều này giống như một sự sỉ nhục đối với gia đình nhà chồng Farzana. Đã nhiều lần Farzana nghĩ đến chuyện trốn khỏi nhà chồng, nhưng cô lại nghĩ đến danh tiếng cho gia đình. Cuối cùng Farzana đã lựa chọn cách tự thiêu để giữ gìn danh tiếng cho gia đình.

Ở Afghanistan, những phụ nữ tuyệt vọng lại thường lựa chọn cách tự thiêu. Tự thiêu cũng chủ yếu phổ biến ở các vùng giáp với Iran như Herat và các khu vực Tây Afghanistan. Vì ở Iran, tự thiêu cũng khá phổ biến.

Hơn nữa, theo bác sỹ Jalali cho biết, nhiều phụ nữ thường nhầm tưởng rằng tự thiêu sẽ sớm kết thúc cuộc đời. Bệnh nhân Halima, 20 tuổi, cho biết, ban đầu cô cũng đã nghĩ đến việc nhẩy lầu nhưng lại sợ rằng chỉ bị gẫy chân. Còn nếu tự thiêu thì cái chết sẽ đến nhanh hơn.

Nhưng không hẳn như vậy, những người tự thiêu có thể sẽ chết sau đó do bị nhiễm trùng hoặc nếu sống sót sẽ để lại những di chứng nặng nề giống như trường hợp cô Zahra, 21 tuổi, đã tự thiêu 6 năm trước đây vì phản đối cuộc hôn nhân ép buộc.

Còn Zada, mặc dù đã được đưa đến bệnh viện, nhưng với mức độ bỏng 60% thì khả năng sống của Zada là rất mong manh do nguy cơ bị nhiễm trùng rất cao. Juma Gul, con trai của Zada cho biết, mẹ cậu đã bị nhiễm trùng nặng, gia đình đã chạy vạy mọi nơi để có tiền để mua thuốc chữa trị.

Hiếu Trung

(Theo NYT)