Khi chủ nghĩa hoài nghi trỗi dậy ở châu Âu

ANTD.VN - Chỉ còn đúng 1 năm là cuộc bầu cử Nghị viện châu Âu sẽ diễn ra. Thế nhưng đúng vào giai đoạn chuẩn bị cho sự kiện có tính bước ngoặt này, sự hoài nghi về tương lai của mối liên kết từng được coi là mô hình thành công lại đang trỗi dậy mạnh mẽ.

Khi chủ nghĩa hoài nghi trỗi dậy ở châu Âu ảnh 1Một cuộc tuần hành tại Slovakia phản đối làn sóng nhập cư vào châu Âu 

Tại cuộc bầu cử vào tháng 5-2019, các công dân châu Âu sẽ bầu ra 705 Nghị sĩ của Nghị viện châu Âu, giảm 46 ghế so với trước đây do vào thời điểm đó nước Anh sẽ không còn trong Liên minh châu Âu (EU). Tương lai của EU sẽ phụ thuộc vào quyết định của khoảng 450 triệu người dân của 27 nước thành viên. Tuy nhiên, triển vọng về việc các đảng hoài nghi châu Âu có thể giành được chỗ đứng tốt sau cuộc bầu cử đang gây lo ngại cho nhiều quan chức cũng như những người thân châu Âu.

Chủ nghĩa hoài nghi châu Âu là điều không hoàn toàn xấu. Các công dân có quyền kiểm tra dự án châu Âu xem thực sự nó có mang đến sự sung túc và đủ sức bảo vệ cuộc sống cho các công dân trong liên minh hay không. Việc họ kỹ tính trong các đánh giá cũng như trong các đòi hỏi là chuyện bình thường. 

Thực tế thì họ cũng có lý do cho sự hoài nghi. Những dư chấn từ “cơn động đất” tài chính giai đoạn năm 2007-2008 cùng với cuộc khủng hoảng nợ của Khu vực đồng tiền chung Euro (Eurozone) vẫn ám ảnh người dân châu lục và đây là một nhân tố then chốt gây xói mòn niềm tin, khiến chủ nghĩa hoài nghi châu Âu trỗi dậy. Trong bối cảnh đó, dòng người nhập cư tràn vào châu Âu trong sự bất lực của chính quyền trở thành giọt nước tràn ly dẫn đến cuộc chia ly lịch sử của nước Anh với EU.

Với công dân những nước mới gia nhập EU, sự hứng khởi trước viễn cảnh hố sâu ngăn cách về kinh tế với sự giàu có của những “người hàng xóm” nhanh chóng được lấp đầy và việc được đảm bảo một tiếng nói bình đẳng trong những cuộc thảo luận châu Âu cứ tan dần. Theo thời gian, họ cảm thấy sự trông chờ của mình không được thỏa mãn.

Chính vì thế, hiện nay, hơn 80 Nghị sĩ châu Âu thuộc về 2 nhóm chính trị có quan điểm bài châu Âu - đó là nhóm Đảng châu Âu tự do và Dân chủ trực tiếp (ELDD) và nhóm Đảng châu Âu của các quốc gia và sự tự do (ENL). Các thành viên của nhóm Đảng Bảo thủ và Cải cách châu Âu (CRE) bao gồm 71 người được sáng lập bởi Đảng Bảo thủ Anh cũng luôn được đánh giá là mang quan điểm hoài nghi châu Âu. 

Ngoài các đảng như Đảng Độc lập (UKIP) của Anh, Mặt trận dân tộc (FN) của Pháp hay Đảng Sự thay thế cho nước Đức (AfD) là những đại diện rõ nét nhất cho chủ nghĩa hoài nghi châu Âu, xu hướng này cũng đã lan rộng đến nhiều nước thành viên mới của EU - đặc biệt là hai nước Ba Lan và Hungary vốn đang bày tỏ sự chống đối ra mặt với các nhà cầm quyền EU.

Trong một bài phát biểu trước Nghị viện châu Âu, Tổng thống Pháp Emmanuel Macron phải thốt lên rằng, sự chia rẽ chính trị trong nội bộ châu Âu chẳng khác nào như một cuộc nội chiến và cảnh báo về chủ nghĩa phi tự do đang trỗi dậy. Ông kêu gọi bảo vệ nền dân chủ tự do của châu Âu, nơi quyền lợi của những nhóm thiểu số được tôn trọng, và chỉ trích những người muốn mang đất nước họ tách khỏi châu Âu để theo đuổi cuộc “phiêu lưu” cổ tích.

Tất nhiên cũng có những tín hiệu tích cực như EU đã vượt qua cuộc khủng hoảng kinh tế sâu sắc và kết quả khảo sát được thực hiện vào tháng 4 vừa rồi cho thấy chỉ có mình Italia là nước có hơn một nửa dân số (56%) cho rằng họ không được hưởng lợi từ EU. Tuy nhiên, tìm ra một “phương thuốc cứu chữa” cho chủ nghĩa hoài nghi đang lớn dần trong lòng EU đã trở thành vấn đề cấp bách với châu lục. Đồng hồ đếm ngược thời gian cho các cuộc bầu cử sắp tới của châu Âu vào tháng 5-2019 đã bắt đầu hoạt động.