Iran: Quân đội châu Âu có thể gặp rủi ro sau khi châm ngòi tranh chấp

ANTD.VN -Tổng thống Iran Hassan Rouhani ngày 15-1 lên tiếng cảnh báo rằng, các binh sĩ châu Âu ở Trung Đông có thể gặp nguy hiểm sau khi Anh, Pháp và Đức châm ngòi tranh chấp trong một thỏa thuận hạt nhân mà có thể dẫn đến việc áp dụng các biện pháp trừng phạt quốc tế đối với đất nước này.

Iran: Quân đội châu Âu có thể gặp rủi ro sau khi châm ngòi tranh chấp ảnh 1

Tổng thống Iran Hassan Rouhani

“Ngày hôm nay, quân đội Mỹ đang gặp nguy hiểm và ngày mai quân đội châu Âu cũng sẽ rơi vào tình cảnh tương tự”, ông Rouhani nói.

Lời bình luận của Tổng thống Rouhani như là mối đe dọa trực tiếp mà ông thực hiện để chống lại các cường quốc châu Âu trong bối cảnh căng thẳng leo thang giữa Tehran và Washington.

Cùng ngày, Ngoại trưởng Iran Javad Zarif cho rằng, các quốc gia châu Âu đã vi phạm thỏa thuận hạt nhân ký kết giữa quốc gia này và nhóm P5+1 (Anh, Pháp, Mỹ, Nga, Trung Quốc và Đức) năm 2015.

Tuyên bố được đưa ra một ngày sau khi các quốc gia Anh, Pháp và Đức kích hoạt cơ chế giải quyết tranh chấp theo thỏa thuận, vì cho rằng, Tehran không tuân thủ thỏa thuận.

“Các quốc gia châu Âu đang bị Washington ‘bắt nạt’. Các quốc gia này không mua dầu mỏ từ Iran, tất cả các công ty của họ cũng đã rút khỏi thị trường Iran. Vì vậy, những nước này đã vi phạm thỏa thuận”, Ngoại trưởng Iran phát biểu tại một cuộc họp báo ở thủ đô New Delhi của Ấn Độ hôm 15-1, ông Zarif đồng thời nhấn mạnh, tương lai của thỏa thuận hạt nhân giờ phụ thuộc vào châu Âu.

Trước đó, ngày 14-1, ba nước châu Âu là Anh, Pháp, Đức tuyên bố triển khai cơ chế giải quyết tranh chấp theo thỏa thuận hạt nhân Iran ký kết năm 2015, có tên gọi đầy đủ là Kế hoạch Hành động chung toàn diện (JCPOA).

Theo điều khoản nêu trong thỏa thuận, mỗi bên tham gia có thể kiến nghị lên một ủy ban chung về việc một bên khác vi phạm thỏa thuận nghiêm trọng.

Nếu tranh chấp không được giải quyết tại ủy ban chung, sẽ được đưa lên một ban cố vấn và cuối cùng có thể bị đưa ra Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ), có thể sẽ dẫn tới việc tái áp đặt các biện pháp trừng phạt của LHQ với Iran.

Tuy nhiên, Anh, Pháp và Đức khẳng định vẫn tuân thủ các cam kết trong thỏa thuận, đồng thời bày tỏ quyết tâm làm việc với tất cả các bên còn lại để bảo vệ thỏa thuận.