Hướng đi mới của Indonesia trong cuộc chiến chống khủng bố

ANTD.VN - Trong bối cảnh mối lo khủng bố vẫn đang tăng cao, sự bình thản hiếm có hiện nay ở Indonesia cho thấy người dân “đất nước vạn đảo” quyết không khoan nhượng trong cuộc chiến với chủ nghĩa cực đoan.

Hướng đi mới của Indonesia trong cuộc chiến chống khủng bố ảnh 1Nhịp sống thanh bình ở Thủ đô Jakarta

Dư âm của các vụ đánh bom khủng bố liên tiếp nhằm vào 3 nhà thờ Thiên chúa giáo tại thành  phố Surabaya lớn thứ hai của Indonesia khiến ít nhất 18 người thiệt mạng và nhiều người bị thương vẫn còn ám ảnh dư luận.

Tháng lễ ăn chay Ramadan, bắt đầu từ hôm 15-5, cũng là dịp mà các thế lực cực đoan thường tiến hành các vụ tấn công hoặc nổ bom tự sát. Thế nhưng Thủ đô Jakarta vẫn đông đúc và người dân vẫn duy trì nhịp sống thường nhật của mình.

Không phải người dân Indonesia đã quen với khủng bố, mà cái chính là phương hướng đối phó với khủng bố đang ngày càng được người dân nước này chia sẻ và ủng hộ. Số liệu thống kê cho thấy các mục tiêu hiện nay thường tập trung vào các tôn giáo ngoài đạo Hồi.

3 vụ đánh bom liều chết tại Surabaya đều gắn với cái tên Dita Oeprianto, một nhân vật chỉ huy thuộc mạng lưới cực đoan địa phương Jamaah Ansharut Daulah (JAD) có quan hệ với tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng và nằm trong số 500 người Indonesia theo IS trở về từ chiến trường Syria.

Chính việc bị “tẩy não” và nhồi nhét những tư tưởng cực đoan tại các lớp thuyết giảng kinh Koran do Dita tổ chức đã đẩy 7 em nhỏ thuộc 3 gia đình tham gia vào các vụ khủng bố nhằm vào đạo Thiên chúa.

Không được đến trường học nhưng thường xuyên được cho xem các đoạn băng và nghe các bài giảng về cuộc thánh chiến đã khiến chúng sẵn sàng tham gia các vụ đánh bom liều chết. Chính vì thế, ngăn chặn tư tưởng cực đoan bằng các biện pháp giáo dục tư tưởng, nhất là với trẻ em, được chính quyền Jakarta xác định là điểm mấu chốt chống khủng bố, chứ không phải là cảnh sát và súng đạn.

Theo ông Beni Sukadis, điều phối viên của Viện Nghiên cứu quốc phòng và chiến lược Indonesia, một trong các giải pháp hàng đầu ngăn chặn khủng bố là giáo dục trẻ em, cả trong gia đình, nhà trường và cộng đồng. Đây là cuộc đấu tranh đòi hỏi nỗ lực của toàn thể chính quyền cũng như người dân Indonesia. Ngoài ra, theo ông Beni Sukadis, Indonesia còn cần phải tiến hành các giải pháp về kinh tế - xã hội, giáo dục - đào tạo.

Năm 2017, tổng GDP của Indonesia - nền kinh tế lớn nhất khu vực Đông Nam Á đã cán mốc 1 nghìn tỷ USD. Tuy nhiên, khoảng cách giàu nghèo lại đang tăng lên. Theo một con số thống kê, 4 người giàu nhất Indonesia kiểm soát 25 tỷ USD, tương đương tổng tài sản của 40% người nghèo nhất, khoảng 100 triệu người. Số tiền lãi thu được từ tài sản của hai anh em Budi và Michael Hartono, chủ sở hữu một công ty thuốc lá, trong một năm có thể xóa bỏ đói nghèo ở quốc gia Đông Nam Á này. 

Để chiến thắng khủng bố, cần phải xóa đói giảm nghèo. Chính phủ Indonesia cho rằng, cần phải chống khủng bố từ gốc rễ, đó là giảm bất bình đẳng và nghèo đói. Indonesia đã thông qua ngân sách dành cho khu vực nông thôn nhằm nâng cao đời sống và dân trí người dân, giúp họ tránh xa các tư tưởng cực đoan. Chương trình này kéo dài tới năm 2019 với tổng cho phí 350 nghìn tỷ Rupiah (gần 18 tỷ USD).

Tháng lễ ăn kiêng Ramadan ở quốc gia đông người Hồi giáo nhất thế giới Indonesia đang diễn ra thanh bình. Thông qua nỗ lực chống khủng bố, Indonesia đang lấy lại hình ảnh của đạo Hồi giáo chân chính, vốn bị vấy bẩn bởi những kẻ khủng bố cực đoan.