Hồi hộp và hy vọng ở cuộc gặp thượng đỉnh hai miền Triều Tiên

ANTD.VN - Cộng đồng quốc tế nói chung và người dân Hàn Quốc nói riêng đang sống trong tâm lý hồi hộp, hy vọng xen lẫn lo âu trước thềm cuộc gặp thượng đỉnh lịch sử giữa lãnh đạo hai miền Triều Tiên. 

Theo thông báo chính thức sau 3 cuộc đàm phán cấp chuyên viên những ngày qua, cuộc gặp thượng đỉnh giữa Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in và nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un sẽ diễn ra trước trưa mai 27-4-2018 tại làng đình chiến Panmunjom. Công tác chuẩn bị cho sự kiện quan trọng đã hoàn tất những khâu cuối cùng, cả về mặt kỹ thuật lẫn ý chí chính trị. Bầu không khí đang nóng lên với những dấu hiệu tích cực đầy hy vọng. Cả hai bên đều nỗ lực thực thi các biện pháp tạo không khí hữu nghị và hòa giải. 

Điểm nhấn đáng chú ý nhất trước thềm cuộc gặp là tuyên bố tại phiên họp toàn thể Ban chấp hành Trung ương Đảng Lao động Triều Tiên của nhà lãnh đạo Kim Jong-un. Theo đó, Bình Nhưỡng khẳng định sẽ dừng các cuộc thử nghiệm hạt nhân và phóng tên lửa đạn đạo xuyên lục địa, cũng như đóng cửa một bãi thử hạt nhân ở miền Bắc đất nước. Tuyên bố này ngay lập tức nhận được sự hoan nghênh của nhiều nước trên thế giới, coi đây là cơ sở quan trọng cho sự thành công của các cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều và Mỹ - Triều với mục tiêu cao nhất phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên, thiết lập một hệ thống hòa bình và phát triển mối quan hệ hai miền.

Nhiều người dân Hàn Quốc đặt hy vọng vào kết quả tốt đẹp của cuộc họp thượng đỉnh liên Triều lần thứ 3, cũng là lần đầu tiên trong suốt 11 năm qua. Một cuộc thăm dò hồi tháng trước cho thấy hơn 81% người Hàn Quốc ủng hộ việc tổ chức một cuộc họp thượng đỉnh với Triều Tiên. “Khép lại quá khứ đau thương và hướng tới tương lai hòa bình là điều chúng tôi luôn mong đợi”, một người Hàn Quốc 39 tuổi, làm nghề tiếp thị ở Seoul cho biết.

Tuy nhiên, thái độ hoài nghi và tâm lý lo lắng cho sự thành công của Hội nghị liên Triều lần này dường như đang chiếm ưu thế. Kể từ sau tuyên bố của nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Jong-un, những tranh cãi chính trị giữa các đảng phái ở Hàn Quốc đã nổi lên không dứt. Nhiều hoài nghi đặt ra song đều xoay quanh câu hỏi vì sao ông Kim Jong-un lại đồng ý đàm phán trong lúc Bán đảo Triều Tiên đang đứng bên miệng hố chiến tranh sau những căng thẳng đỉnh điểm giữa Mỹ và Triều Tiên liên quan đến hàng loạt vụ thử tên lửa đạn đạo và hạt nhân trong năm 2017?

Có nhiều lý giải, tuy nhiên, hầu hết các chuyên gia quân sự và chính trị đều bày tỏ sự thiếu tin tưởng vào cam kết của Bình Nhưỡng. Chuyên gia Christopher Green thuộc trung tâm phân tích xung đột quốc tế International Crisis Group nhấn mạnh: “Tôi không cho rằng tuyên bố của Triều Tiên là một bước tiến đến phi hạt nhân hóa mà chỉ là việc hoãn lại các vụ thử nguyên tử”. Nhà lãnh đạo Triều Tiên từng nói rất rõ, vũ khí nguyên tử là sự “bảo đảm chắc chắn cho các thế hệ con cháu sau này có thể thụ hưởng một cuộc sống xứng đáng và hạnh phúc nhất trên thế giới”. Bình Nhưỡng cũng giành cho mình quyền sử dụng trong trường hợp “bị đe dọa và khiêu khích tấn công bằng nguyên tử”. 

Khác với thế hệ trẻ, những người Hàn Quốc sinh ra trong những năm 40-50 của thế kỷ trước cho rằng “Mọi động thái mà Nhà lãnh đạo Triều Tiên tuyên bố đều có thể bị đảo ngược”. Ông Choi Hae-jong, 55 tuổi, điều hành một trạm xăng ở thành phố Ulsan, tin rằng ông Kim Jong-un thực sự sẽ mặc cả về vũ khí hạt nhân để đổi lấy viện trợ và đảm bảo an ninh để xây dựng lại nền kinh tế. Tuy nhiên, có thể hình dung hậu quả nếu cuộc ngã giá này thất bại.

Một báo cáo được Viện Nghiên cứu chính sách Asan, có trụ sở tại Seoul, công bố cho thấy  hơn 70% người dân Hàn Quốc nghi ngờ việc ông Kim sẽ từ bỏ vũ khí nguy hiểm nhất của mình. Báo cáo đánh giá: “Bình Nhưỡng dường như đang tìm cách sử dụng “bánh lái hòa bình” của Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in để làm đòn bẩy nâng cao vị thế chiến lược của mình, khẳng định Triều Tiên là cường quốc hạt nhân và tạo ưu thế cho các điều kiện đàm phán”.

Giữa tâm lý hồi hộp, lo âu đan xen hy vọng, Tổng thống Hàn Quốc Moon Jae-in đã kêu gọi ngừng hoàn toàn các tranh cãi chính trị trong nước và nỗ lực ủng hộ cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều. Ông Moon khẳng định các bên đang đứng ở ngã rẽ quan trọng của việc phi hạt nhân hóa Bán đảo Triều Tiên không phải bằng các biện pháp quân sự mà thông qua các giải pháp hòa bình. Bởi nếu như cuộc gặp thượng đỉnh không thành công thì nó có thể sẽ là “một vách đá” không dễ vượt qua.