"Giải mã" sự im lặng khó hiểu trước cuộc gặp đặc biệt Mỹ - Trung

ANTD.VN - Cuộc gặp đặc biệt giữa 2 nhà lãnh đạo cao nhất của hai cường quốc thế giới Mỹ - Trung Quốc sắp diễn ra, khiến giới truyền thông không thể nào ngồi yên. Tuy nhiên, một điều khó hiểu là các bên liên quan trong cuộc gặp sắp tới lại hoàn toàn im lặng cho đến thời điểm này. Tại sao cả Mỹ và Trung Quốc đều lạ lùng như vậy?

Theo kế hoạch, Tổng thống Mỹ Donald Trump và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình sẽ gặp nhau tại nhà riêng Mar-a-Lago của ông Trump ở Florida trong 2 ngày mồng 6 và 7 tháng 4.

Cuộc gặp này lập tức trở thành tâm điểm của giới truyền thông, không chỉ bởi sự góp mặt của 2 nhà lãnh đạo quyền lực hàng đầu thế giới, mà vì những phát ngôn gây sốc từ trước của tân chủ nhân Nhà Trắng.

Đừng quên rằng trong chiến dịch tranh cử của mình, ông Donald Trump đã dùng rất nhiều lời lẽ nặng nề, mạnh mẽ nhắm vào Trung Quốc, như coi quốc gia đông dân nhất thế giới là thủ phạm “cướp đoạt” nền kinh tế Mỹ, tố Bắc Kinh áp đặt những khoản thuế nhập khẩu bất công đối với hàng hóa Mỹ, và ông Trump không quên dọa sẽ áp thuế bảo hộ lên tới 45% đối với hàng hóa Trung Quốc như một sự trả đũa.

Cả thế giới đang theo dõi các diễn biến của cuộc gặp sắp diễn ra giữa 2 nhà lãnh đạo cao nhất Mỹ - Trung

Tất cả diễn biến đó khiến cho cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Trung trở nên vô cùng đáng chú ý, nhưng một điều khó hiểu đang diễn ra khi chỉ còn vài ngày nữa là đến sự kiện đặc biệt này, cả 2 bên liên quan đều… im hơi lặng tiếng.

Nhà Trắng chưa hề có một thông báo chính thức nào, và Bắc Kinh cũng vậy. Trong khi đó, theo lệ truyền thống thì các chuyến thăm chính thức như thế sẽ luôn được thông báo trước vài tuần, thậm chí là vài tháng.

“Thực sự là rất bất thường khi không có bất kỳ một sự xác nhận nào trước cuộc gặp thượng đỉnh Mỹ - Trung, thậm chí ngay sau chuyến thăm của ông Tillerson [Ngoại trưởng Mỹ] tới Trung Quốc để mở đường cho cuộc gặp giữa ông Trump – ông Tập Cận Bình”, chuyên gia về quan hệ quốc tế Pang Zhongying ở Đại học Renmin Bắc Kinh phát biểu trên tờ South China Morning Post.

Theo các nhà quan sát giàu kinh nghiệm, dấu hiệu “im hơi lặng tiếng” đó có thể cho thấy một thực tế là các cơ quan ngoại giao 2 bên vẫn đang cố gắng đàm phán với nhau ở phút chót. Đây là chỉ dấu thể hiện mức độ căng thẳng rõ ràng giữa 2 bên ở đằng sau hậu trường, và tránh xa mọi sự dòm ngó của dư luận.

Cũng từ đó, các chuyên gia tin rằng cả Mỹ và Trung Quốc đều đang theo dõi nhau rất chặt chẽ, và thậm chí sẵn sàng hủy cuộc gặp thượng đỉnh nếu họ cảm thấy “bị đe dọa” ở phương diện nào đó.

Dẫu sao, những chi tiết bên lề về cuộc gặp cũng cho thấy rất nhiều điều thú vị. Chẳng hạn như phía Trung Quốc từng đánh tiếng khẳng định ông Tập Cận Bình sẽ không nghỉ qua đêm tại dinh thự Mar-a-Lago của ông Trump, mà lựa chọn điểm nghỉ dưỡng Eau Palm Beach Resort & Spa.

“Có lẽ Trung Quốc muốn tránh để nhà lãnh đạo của họ nghỉ ở một nơi mang đậm phong cách cá nhân của ông Trump như thế”, nhà nghiên cứu Liu Weidong ở Học viện Khoa học Xã hội Trung Quốc nhận định.

Vị chuyên gia này cũng cho rằng Bắc Kinh muốn tránh rơi vào “cơn bão” chỉ trích ở Mỹ về các khoản chi tiêu của ông Trump.

Trong khi đó, chuyên gia David Lampton nghiên cứu về Trung Quốc ở Đại học Johns Hopkins (Washington) cho rằng, Tổng thống Mỹ sẽ nhân cơ hội sắp tới để củng cố vị thế lãnh đạo của mình.

“Thông thường, các vị tổng thống sẽ hướng tới các vấn đề đối ngoại để khẳng định chiến lược của mình, trong bối cảnh họ không đạt được kết quả khả quan trong lĩnh vực đối nội”, chuyên gia Lampton cho hay.

Dù vậy, một số chuyên gia có cái nhìn thực tế lại cho rằng, cuộc gặp thượng đỉnh sắp tới giữa 2 nhà lãnh đạo hàng đầu thế giới chưa chắc ảnh hưởng nhiều tới tương lai quan hệ Mỹ - Trung.

Tại sao ư? Hãy nhớ lại cuộc gặp được cho là vô cùng nồng ấm trong quá khứ giữa Tổng thống Mỹ khi đó Barack Obama và Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình. Họ đã dành thời gian 2 ngày bàn bạc cùng nhau, và sau đó các quan chức Trung Quốc ca ngợi hai bên đã đạt được sự đồng thuận “đột phá chưa từng có”.

Nhưng sau đó, Mỹ và Trung Quốc vẫn bất đồng với nhau sâu sắc, do sự bất chấp của Bắc Kinh trong tham vọng độc chiếm Biển Đông.