Đôi tay cứu hàng nghìn người khỏi miệng lò thiêu

ANTD.VN - Đó là năm 1944, Paris đang bị quân Đức quốc xã chiếm đóng. Bốn người bạn hàng ngày giam mình trong một căn phòng chật hẹp tại một tòa căn hộ ở Left Bank, bờ Nam sông Seine ở Paris. Những người hàng xóm nghĩ rằng họ là họa sỹ, bởi căn hộ thỉnh thoảng có mùi hóa chất, nhưng thực tế họ đang bí mật làm hộ chiếu giả cho trẻ em và các gia đình Do Thái sắp bị đưa tới các trại tập trung. 

*“Nếu tôi chợp mắt 1 tiếng, 30 người sẽ chết”

Trong cuộc đời mình, ông Adolfo Kaminsky đã cứu sống hàng nghìn người bằng những bộ giấy tờ giả

“Người hùng” thầm lặng

Thành viên ít tuổi nhất của nhóm, giám đốc kỹ thuật của phòng thí nghiệm còn rất trẻ: Adolfo Kaminsky, 18 tuổi. Hiện giờ 91 tuổi, ông cụ ấy có dáng người nhỏ nhắn, chòm râu bạc, hay mặc chiếc áo choàng dài và thường chống gậy đi dạo quanh khu phố của mình. Ông sống ở khu căn hộ dành cho người có thu nhập thấp, cách không xa phòng thí nghiệm mà ông đã gắn bó thời Thế chiến II.

Rất nhiều trẻ em Do Thái đã bị đưa vào các lò thiêu của phát xít Đức trong Thế chiến thứ II

Việc làm đó không phải là để gây dựng danh tiếng. Ông giấu kín việc làm của mình và mãi về sau này mới kể cho cô con gái. Con gái ông - Sarah Kaminsky, sau khi biết được toàn bộ câu chuyện về cha mình mới viết một cuốn sách về ông, “Adolfo Kaminsky: Cuộc sống của một người làm giấy tờ giả” phiên bản tiếng Anh vừa ra mắt bạn đọc vào tháng 10 này.

Ông Kaminsky cũng không làm điều đó vì tiền. Ông cho biết, dù làm giấy tờ giả để cứu giúp hàng nghìn người thoát khỏi nguy cơ bị thảm sát, ông không bao giờ nhận tiền của ai để có thể giữ cho mình động cơ trong sáng và chỉ làm khi tin vào câu chuyện của người cần giúp.

Kaminsky đồng cảm với những người tị nạn một phần vì ông cũng có hoàn cảnh tương tự. Ông sinh ra tại Argentina trong gia đình một người Do Thái gốc Nga, ban đầu cha ông rời Nga đến Paris, sau đó bị đuổi ra khỏi nước Pháp. Khi Adolfo 7 tuổi, gia đình ông có được hộ chiếu Argentina nên đã được phép trở lại Pháp. “Đó cũng là lúc tôi nhận ra ý nghĩa của từ “giấy tờ”, ông giải thích.

Suýt rơi vào lò thiêu

Sau khi bỏ học năm 13 tuổi để giúp đỡ gia đình, ông học nghề giặt khô quần áo, nhưng công nghệ thời đó chưa hiện đại như bây giờ. Ông đã dành nhiều thời gian để tìm ra cách để loại bỏ vết bẩn, sau đó tìm đọc các loại sách về hóa học và làm các thí nghiệm ở nhà. “Ông chủ của tôi là một kỹ sư hóa học, ông ấy đã chỉ cho tôi biết nhiều điều”, ông kể. 

Mùa hè năm 1943, ông Kaminsky và gia đình đã bị bắt và đưa đến Drancy, trại giam người Do Thái gần Paris, cũng là điểm dừng chân cuối cùng trước khi tới những trại thảm sát. Lần này, chính hộ chiếu đã cứu họ. Chính phủ Argentina phản đối việc giam giữ gia đình Kaminsky, vì vậy họ chỉ phải ở trại Drancy 3 tháng, trong khi hàng nghìn người khác đã một đi không trở lại.

Nhà Kaminsky cuối cùng đã được trả tự do, nhưng Paris không phải là nơi an toàn do người Do Thái liên tục bị đe dọa, bắt giữ. Gia đình công dân Argentina này cũng sớm bị trục xuất.

Để tồn tại, họ buộc phải sống chui lủi. Cha của Adolfo liên hệ làm bộ hồ sơ giả từ một nhóm kháng chiến của người Do Thái và cử ông đi lấy. Khi bên cung cấp giấy tờ nói với Adolfo rằng họ đang cố xóa một vết mực xanh trên giấy tờ, ông khuyên họ sử dụng axit lactic, một thủ thuật ông đã học được khi làm với ông chủ là kỹ sư hóa. Thấy hiệu quả, nhóm kháng chiến mời ông tham gia.

Dấn thân vào nghề nguy hiểm

Công việc của ông Kaminsky cùng những người bạn của mình là nhận thông tin về những người sắp bị bắt, sau đó cảnh báo cho gia đình họ, lo giấy tờ mới cho họ ngay tại chỗ. Nhóm này tập trung vào các trường hợp khẩn cấp nhất: Trẻ em sắp được đưa đến Drancy. Họ giấu những đứa trẻ trong các gia đình ở nông thôn hay tu viện, hoặc bí mật đưa chúng tới Thụy Sĩ hay Tây Ban Nha. 

Trong cuốn sách viết về ông Adolfo Kaminsky có đoạn kể rằng, ông Kaminsky có lần thức 3 ngày 2 đêm liền để hoàn thành gấp 900 bộ giấy tờ.

“Một phép tính đơn giản, trong 1 giờ tôi có thể làm ra 30 bộ giấy tờ; nếu tôi ngủ trong 1 giờ, 30 người sẽ chết”. Các sử gia ước tính rằng các mạng lưới kháng chiến của người Do Thái ở Pháp đã cứu sống từ 7.000 - 10.000 trẻ em, tuy vậy, vẫn có khoảng 11.400 trẻ em đã bị trục xuất và bị giết."

Là người nắm vững kỹ thuật chế tác một chiếc hộ chiếu hoàn toàn mới nhưng trông có vẻ như đã sử dụng lâu ngày, ông Kaminsky bảo công việc đó không mấy vui vẻ: “Chỉ cần một lỗi nhỏ nhất, bạn có thể khiến ai đó phải vào tù hoặc bị sát hại. Đó là một trọng trách nặng nề. Không phải lúc nào cũng có thể thoải mái được”.

Không chấp nhận những cái chết vô nghĩa

Sau chiến tranh, ông Kaminsky đã không muốn làm “nghề” chế giấy tờ giả nhưng từ giới thiệu của các đầu mối cũ, những người khó khăn thực sự vẫn tìm đến ông. Ông tiếp tục làm thêm 30 năm nữa, giúp nạn nhân xung đột ở chiến tranh Algeria, cuộc đấu tranh chống chủ nghĩa Apartheid ở Nam Phi và cả những người Mỹ trốn lính trong chiến tranh Việt Nam. Ông ước tính rằng chỉ tính riêng trong năm 1967, ông đã làm giả giấy tờ cho người dân ở 15 quốc gia.

“Tôi đã cứu họ bởi vì tôi không thể chấp nhận những cái chết vô nghĩa. Tất cả mọi người đều bình đẳng, bất kể là nguồn gốc, niềm tin hay màu da của họ. Không có tầng lớp trên, không có giai cấp thấp hơn. Điều đó là không thể chấp nhận được đối với tôi”, ông nói.

Năm 1971, cho rằng quá nhiều người biết danh tính của mình và lo ngại sớm muộn sẽ bị bắt giam, ông Kaminsky đoạn tuyệt với công việc chế tác giấy tờ, chủ yếu sống bằng nghề dạy nhiếp ảnh. Trong một chuyến thăm Algeria, ông đã gặp một sinh viên luật trẻ, người bộ lạc Tuareg, con gái của một lãnh tụ Hồi giáo Algeria. Họ đã kết hôn và có 3 người con. 

Khi nhóm phóng viên của New York Times đi theo ông suốt một ngày, hàng xóm xung quanh cứ hỏi ông là ai. Họ được cho biết, ông là một người hùng trong Chiến tranh Thế giới II mà đến giờ vẫn còn ít người biết.

Câu chuyện đã thành quá khứ nhưng những nỗi đau tương tự trong ngày hôm nay vẫn tồn tại, khi hàng nghìn trẻ em đang phải hứng chịu bom đạn ở Syria hoặc đánh cược tính mạng của mình trên những chiếc thuyền tồi tàn lênh đênh trên biển để tản cư. Và với các em nhỏ này, một bộ giấy tờ có khi cứu vớt cả cuộc đời chúng.

“Tất nhiên, việc làm của tôi là bất hợp pháp, nhưng thứ gì đó hợp pháp mà chống lại loài người, bạn phải đấu tranh với nó. Tôi cũng từng biết cảnh sát Paris luôn truy tìm những người làm giấy tờ giả. Nhưng không ai có thể ngờ kẻ đó mới chỉ là một đứa trẻ.

Trong chiếc túi tôi mang theo có đủ thứ tôi cần, con dấu, mực in và máy xén. Suốt cuộc đời mình, tôi đã giúp hàng nghìn người khắp thế giới. Nếu bị bắt, tôi có thể bị cầm tù hoặc bị giết ngay. Nhưng nếu tôi bị bắt, hàng nghìn người khác cũng có thể sẽ chết”.

Adolfo Kaminsky