Dời đại sứ quán tới Jerusalem, Romania tính lợi đủ đường

ANTD.VN - Lãnh đạo Đảng Dân chủ Xã hội (PSD) cầm quyền tại Romania Liviu Dragnea vừa ra tuyên bố rằng Chính phủ nước này sẽ theo bước Mỹ, dời Đại sứ quán tại Israel tới Jerusalem. 

Dời đại sứ quán tới Jerusalem, Romania tính lợi đủ đường ảnh 1Jerusalem, Thánh địa được Mỹ và một số ít quốc gia công nhận là Thủ đô của Israel

Trả lời phỏng vấn kênh truyền hình Antena 3, ông Liviu Dragnea nhấn mạnh: “Quyết định đã được đưa ra..., các thủ tục đang bắt đầu được tiến hành”. Theo ông Dragnea, Chính phủ của Thủ tướng Viorica Dancila trước đó đã nhất trí “bắt đầu xúc tiến các thủ tục với ý định chuyển Đại sứ quán tới Jerusalem”. 

Trong khi đó, phát ngôn viên của Chính phủ Romania đã từ chối đưa ra bình luận và hiện chính quyền Bucharest chưa công bố một thông tin chính thức nào về vấn đề này. Nếu được xác nhận, Romania sẽ là quốc gia thành viên Liên minh châu Âu (EU) đầu tiên công nhận Jerusalem là Thủ đô của Israel.

Trước đó, hồi tháng 12-2017, Tổng thống Mỹ Donald Trump đã khiến toàn thế giới sửng sốt vì quyết định gây tranh cãi: Công nhận Jerusalem là Thủ đô của Israel. Quyết định này cùng với tuyên bố chuyển Đại sứ quán Mỹ từ Tel Aviv về Jerusalem của ông Trump đã khiến xung đột bùng phát nghiêm trọng giữa người biểu tình Palestine và binh sĩ Israel. Tuyên bố cũng ngay lập tức vấp phải sự chỉ trích của Palestine và gây ra làn sóng phản đối rầm rộ từ 128 quốc gia trên thế giới.

Đến nay, Romania, quốc gia Đông Âu và là thành viên EU đầu tiên quyết định hành xử như một đồng minh đáng tin cậy của Mỹ khi tuyên bố chuyển Đại sứ quán từ Tel Aviv tới Jerusalem. Đây được xem là bước đi tiếp theo của Bucharest nhằm củng cố quan hệ chiến lược với Washington. 

Trước đó, Hạ viện Romania đã thông qua quyết định cho phép Chính phủ nước này mua hệ thống phòng thủ tên lửa tầm ngắn và tầm trung của Mỹ với 7 tổ hợp tên lửa Patriot trị giá khoảng 4,64 tỷ USD. Thương vụ này đã đạt được sự nhất trí cao trong các đảng chính trị ở 

Romania khi Chính phủ nước này nhấn mạnh đến “khía cạnh chính trị” của thỏa thuận với Mỹ. Cả Chính phủ trung tả và Tổng thống theo đường lối trung hữu cũng như các đảng phái đối lập ở Romania đều coi việc mua các hệ thống tên lửa Patriot không chỉ nhằm mục đích nâng cao năng lực quốc phòng mà trên hết còn là sự “đầu tư về chính trị” trong việc củng cố liên minh chiến lược với Washington. Và để nhận được “cái gật đầu” từ Lầu Năm góc, Romania cần phải thể hiện hơn nữa sự ủng hộ đối với các vấn đề Washington đặt ra dù vấp phải sự phản đối mạnh mẽ từ cộng đồng quốc tế.

Ủng hộ Israel, một đồng minh “ruột” của Mỹ ở Trung Đông cũng chính là duy trì mối thâm giao với Washington. Tuần trước, Thứ trưởng Ngoại giao Israel Tzipi Hotovely vừa có chuyến thăm Romania, gặp gỡ với Bộ trưởng Ngoại giao quốc gia Đông Âu Teodor Melescanu. Trong chuyến thăm hữu nghị, bà Tzipi Hotovely khẳng định “sẽ là một cơ hội lịch sử nếu Romania di chuyển sứ quán tới Jerusalem. Đã đến lúc chọn lựa đứng bên phải lịch sử và trở thành một trong những nước tiên phong chuyển Đại sứ quán sang Thủ đô của chúng tôi, Jerusalem”. Bộ trưởng Ngoại giao Rumani hứa hẹn ông và Chính phủ sẽ xem xét vấn đề này. 

Trong khi đó, vào ngày Quốc khánh Israel 19-4, Thủ tướng nước này Benjamin Netanyahu nói tại một buổi lễ tiếp đón các nhà ngoại giao nước ngoài rằng Israel sẽ trợ giúp và ưu đãi 10 quốc gia đầu tiên chuyển đại sứ quán của họ đến Jerusalem: “Tôi vui mừng nói rằng có ít nhất nửa tá quốc gia đang nghiêm túc nói chuyện với chúng tôi về việc chuyển giao. Và tôi quyết định rằng 10 đại sứ quán đầu tiên đến đây sẽ nhận được nhiều ưu đãi”. Romania tin rằng sẽ đạt được “lợi ích to lớn” khi gia nhập danh sách ít ỏi các nước công nhận Jerusalem là Thủ đô của Israel.

Mặt khác, về đối nội, Romania đang đau đầu vì hàng loạt các cuộc biểu tình phản đối tình trạng tham nhũng cũng như đề xuất cải cách tư pháp. Bản thân ông Liviu Dragnea đang bị điều tra với cáo buộc lạm quyền và biển thủ các khoản tài trợ của Liên minh châu Âu. Việc đưa ra quyết định bất ngờ trong giai đoạn hiện nay có vẻ như đang hướng chính trường Romania sang một mối quan tâm mới và giảm bớt áp lực đối với đảng cầm quyền. 

Song từ trước đến nay, EU vẫn luôn duy trì quan điểm phản đối quyết định của Mỹ và công nhận Đông Jerusalem là Thủ đô của Nhà nước Palestine trong tương lai. Vì thế, khi một thành viên của liên minh đi ngược lại nguyên tắc của khối sẽ được xem là một tiền lệ nguy hiểm.