Đạo Hồi không phải là chủ nghĩa khủng bố

ANTĐ - Trong động thái nhằm kêu gọi hòa giải cũng như “chung sống hòa bình” giữa những người khác biệt tôn giáo ở châu Âu cũng như trên thế giới nói chung, Giáo hoàng Francis - người đứng đầu Cơ đốc giáo toàn cầu - đã khẳng định: “Đạo Hồi không phải là chủ nghĩa khủng bố”.

Phát biểu trước báo giới ngày 31-7 trên máy bay trở về sau chuyến thăm Ba Lan, Giáo hoàng Francis khẳng định rằng đạo Hồi không thể bị đánh đồng với chủ nghĩa khủng bố, đồng thời cảnh báo châu Âu đang đẩy các thanh niên của lục địa này vào vòng tay của những kẻ cực đoan. Người đứng đầu giáo hội nêu rõ: “Không đúng khi nói rằng đạo Hồi là chủ nghĩa khủng bố. Không đúng khi đánh đồng đạo Hồi với bạo lực”.

Phát biểu trên đây của Giáo hoàng Francis diễn ra chỉ vài ngày sau khi hai kẻ cầm dao xông vào một nhà thờ ở Pháp sát hại một linh mục đang làm lễ. Vụ tấn công mang tính biểu tượng này diễn ra sau hàng loạt các vụ tấn công đẫm máu do những kẻ Hồi giáo cực đoan và đặc biệt là các phần tử khủng bố thuộc tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng gây ra tại các quốc gia châu Âu như Pháp, Bỉ, Đức…

Cũng trên máy bay khi đang trên đường tới thăm Ba Lan ngày 27-7 vừa qua, Giáo hoàng Francis đã khiến dư luận thế giới chú ý khi cho rằng: “Thế giới đang trong chiến tranh”. Ông thậm chí còn nói rất rõ là: “Thế giới đang chiến tranh vì nó đã mất đi bình yên. Đây là cuộc chiến tranh. Chúng ta đã có một cuộc chiến tranh năm 1914, một cuộc chiến tranh giai đoạn 1939-1945 và nay là một cuộc nữa”.

Cho dù Giáo hoàng Francis không nêu đích danh, song cả thế giới đều biết rất rõ là “cuộc chiến tranh” mà ông đề cập tới là cuộc chiến tranh chống khủng bố. Cuộc chiến này được bắt đầu trên quy mô toàn cầu ngay từ sau sự kiện khủng bố chấn động nhằm vào nước Mỹ ngày 11-9-2001 do những phần tử thuộc mạng lưới khủng bố Al Qaeda của “trùm khủng bố số một thế giới” Bin Laden  gây ra. Bin Laden đã bị tiêu diệt, Al Qaeda đã suy yếu, song vài năm nay lại nổi lên tổ chức khủng bố IS khét tiếng.

Những vụ khủng bố do các phần tử Hồi giáo cực đoan gây ra đã dẫn tới những không chỉ hố sâu ngăn cách các tôn giáo mà cả những chính sách và hành động tác động tiêu cực những người ôn hòa. Một số quốc gia châu Âu đã yêu cầu hạn chế và kiểm soát gắt gao dòng người di cư từ các quốc gia Hồi giáo đang chịu xung đột và bạo lực như Iraq, Syria…

Chính vì thế, Giáo hoàng Francis hồi tháng 5 vừa qua đã kêu gọi Liên minh châu Âu (EU) cần phải đoàn kết và cởi mở hơn trong việc giải quyết cuộc khủng hoảng di cư tại châu lục này. Ông nói: “Chúng ta cần phải xây lên những cây cầu và làm sụp đổ những bức tường ngăn cách. Chúng ta cần phải xây dựng những liên minh không chỉ về quân sự và kinh tế, mà còn văn hóa, giáo dục, triết học và tôn giáo”.

Mong muốn về một thế giới bình yên, nơi các tôn giáo cùng chung sống hòa bình để tốt đời đẹp đạo, Giáo hoàng Francis trong phát biểu này 31-7 đã không nêu đích danh đạo Hồi khi lên án vụ tấn công tàn bạo linh mục Công giáo ở Pháp trong loạt vụ tấn công mà tổ chức IS thừa nhận gây ra. “Hầu như mọi tôn giáo đều luôn có một nhóm nhỏ những người theo trào lưu chính thống và đạo của chúng tôi cũng có. Nếu tôi phải nói về tình trạng bạo lực của Hồi giáo, thì tôi cũng phải đề cập tới tình trạng bạo lực của Cơ đốc giáo”, người đứng đầu Công giáo toàn cầu nêu rõ.