Đằng sau sự "thách đấu" thương mại Mỹ - Trung Quốc

ANTD.VN - Cả Mỹ và Trung Quốc như đang cùng thách đố nhau leo lên những nấc thang căng thẳng thương mại cao tới chóng mặt nhằm trở thành người thắng trên bàn đàm phán thương mại.

Đằng sau sự "thách đấu" thương mại Mỹ - Trung Quốc ảnh 1Mỹ và Trung Quốc đang tung ra những đòn tấn công lợi hại nhất để có thể giành phần thắng trên bàn đàm phán thương mại

Ngay sau khi tung ra đòn tấn công thương mại rất “nặng ký” - tăng thuế từ 10% lên 20% số hàng hóa trị giá 20 tỷ USD của Trung Quốc, Mỹ lại bồi thêm một sự thách thức khi tuyên bố Washington “chờ đợi đòn trả đũa thuế” từ Bắc Kinh. Lời thách đố thương mại này được ông Larry Kudlow, Cố vấn Kinh tế trưởng của Tổng thống Donald Trump, đưa ra ngày 12-5.

Đòn tấn công thương mại của Mỹ nhằm vào Trung Quốc có thể còn chưa dừng lại nếu hai bên không đạt được thỏa thuận trong cuộc đàm phán thương mại đang diễn ra. Tổng thống Donald Trump thậm chí còn nói thêm rằng, Mỹ có thể còn tiếp tục tăng thuế lên 25% đối với toàn bộ hàng hóa còn lại nhập khẩu từ Trung Quốc có tổng giá trị khoảng 325 tỷ USD.

Trung Quốc đã không chấp nhận lùi bước trước những đòn tấn công thương mại của Trung Quốc khi tờ “Nhân dân nhật báo” phiên bản tiếng Anh khẳng định, Bắc Kinh sẽ không chấp nhận “nuốt trái đắng, chấp nhận thiệt hại đến lợi ích cốt lõi” và sẽ tung đòn trả đũa. Tuy nhiên, Bắc Kinh chưa công bố các biện pháp để trả đũa việc           Washington áp thuế cao đối với số hàng hóa trị giá 200 tỷ USD của Trung Quốc.

Trung Quốc có thể không lựa chọn áp thế cao với hàng hóa Mỹ mà tìm cách trả đũa không khiến nền kinh tế Mỹ tổn thương nghiêm trọng hơn. Một trong những đòn “phản kích” mà Trung Quốc có thể tung ra là bán tháo trái phiếu chính phủ Mỹ khi Trung Quốc hiện sở hữu khoảng 1.100 tỷ USD trái phiếu Chính phủ Mỹ và là chủ nợ nước ngoài lớn nhất của Mỹ. Việc Trung Quốc bán ra một số lượng lớn trái phiếu chính phủ Mỹ chắc chắn dẫn tới sự chao đảo của thị trường trái phiếu chính phủ Mỹ, quốc gia đang giữ chức quán quân nợ nước ngoài với khoảng 22.000 tỷ USD.

Bên cạnh đó, Trung Quốc cũng có thể phá giá đồng Nhân dân tệ, điều mà Mỹ lâu nay vẫn lên án là biện pháp cạnh tranh không lành mạnh để thúc đẩy xuất khẩu hàng hóa của Trung Quốc. Ngoài ra, Bắc Kinh có thể áp dụng một số đòn trả đũa khác, ví như ngừng mua đậu tương bởi Trung Quốc là nước mua nhiều đậu tương Mỹ nhất trong khi các bang nông thôn trồng đậu tương của Mỹ đều ủng hộ ông Donald Trump trong cuộc bầu cử năm 2016.

Với quy mô đòn tấn công mà Mỹ vừa tung ra hay các biện pháp trả đũa của Trung Quốc, có thể thấy chắc là mang lại thiệt hại không nhỏ cho cả hai nền kinh tế số một và số hai thế giới hiện nay. Tuy nhiên, dù thừa biết là một cuộc chiến “lưỡng bại câu thương”, song cả Mỹ và Trung Quốc đều xem đó như là thứ vũ khí để gây áp lực, buộc đối phương phải nhượng bộ trong cuộc đàm phán về một thỏa thuận thương mại đang đi tới hồi kết đầy gay cấn.

Trung Quốc sau khi cân nhắc thiệt hơn trong tương lai lâu dài đã bất ngờ không chấp nhận những cam kết đã nhất trí trước đó trong đàm phán thương mại. Trong đó có việc Mỹ đòi Trung Quốc phải mở cửa thị trường để đưa thâm hụt thương mại Mỹ - Trung về 0 sau 6 năm, luật hóa các quy định gây khó cho Trung Quốc trong việc đánh đánh cắp bí mật công nghệ hay buộc công ty nước ngoài làm ăn ở nước này phải chia sẻ bí quyết công nghệ.

Kết quả cuộc đàm phán thương mại hiện nay tác động lớn tới không chỉ quan hệ thương mại Mỹ - Trung mà cả nền kinh tế hai nước, đặc biệt là Trung Quốc. Thắng thua trên bàn đàm phán hôm nay sẽ ảnh hưởng không nhỏ tới cạnh tranh Mỹ - Trung trong tương lai. Thế nên, Washington và Bắc Kinh đều không ngần ngại tung ra mọi đòn đánh, quân bài để có thể “hạ gục” đối thủ trên bàn đàm phán thương mại.