Đằng sau câu chuyện cô gái Ấn Độ lưu lạc 12 năm ở Pakistan

ANTĐ - Các bộ phim Bollywood thường được nhớ đến với cốt truyện ly kỳ, nhưng câu chuyện đời thực của một cô gái câm Ấn Độ vừa trở về quê hương sau 12 năm lưu lạc ở Pakistan có lẽ còn kỳ lạ hơn bất kỳ một kịch bản phim bom tấn Bollywood nào. 

Đằng sau câu chuyện cô gái Ấn Độ lưu lạc 12 năm ở Pakistan ảnh 1Geeta chào tạm biệt người thân quen ở Pakistan trở về Ấn Độ

Số phận kỳ lạ như phim Bollywood 

12 năm trước, nhân viên an ninh biên giới Pakistan phát hiện Geeta chỉ có một mình trên một chuyến tàu nối giữa Ấn Độ và Pakistan. Không nghe, không nói được và cũng không có giấy tờ tùy thân, cô bé 12 tuổi không thể diễn tả được về nơi ở của mình. Không thể giúp được Geeta tìm về nhà, cơ quan chức năng Pakistan đã đưa cô bé đến Trung tâm từ thiện Edhi.

Không hiểu thế nào Geeta lại bị lạc ở bên kia biên giới, nhiều người phỏng đoán có lẽ cô bé vô tình bước lên tàu và tàu dừng lại ở Lahore. Trong nhiều năm, Geeta được Quỹ từ thiện Edhi chăm sóc. Chắp nối qua những “ngôn ngữ hình thể” mà cô bé thể hiện, mọi người tin rằng đó là một cô gái người Ấn Độ. 

Tháng 7-2015, bộ phim “Bajrangi Bhaijaan” của Bollywood được khán giả Ấn Độ hưởng ứng nhiệt thành, trong đó ngôi sao điện ảnh Salman Khan vào vai một người đàn ông Ấn Độ tình cờ gặp một cô gái câm bị thất lạc ở Pakistan và giúp cô trở về với gia đình. Nhân dịp này, Quỹ từ thiện Edhi lên tiếng về mảnh đời lưu lạc của cô gái câm người Ấn Độ, hệt như nhân vật trong phim. Câu chuyện thực về tình yêu vô điều kiện của người Pakistan với một cô bé câm người Ấn Độ suốt từng ấy năm làm cho nhiều người cảm động và mong em có ngày được đoàn tụ. Ngày 16-10, Geeta nhận được bức ảnh chụp một gia đình ở Bihar (Ấn Độ) do Cao ủy Ấn Độ tại Islamabad - Thủ đô của Pakistan gửi qua email. Cô đã nhận ra ngay đó chính là bố mẹ và anh chị em của mình. 

Trở về New Delhi hôm 26-10, Geeta được đích thân Ngoại trưởng và nhiều nhà báo Ấn Độ đón chào. Lý do không chỉ vì số phận kỳ lạ của cô mà còn bởi gần 70 năm sau khi phân vùng, mặc dù Ấn Độ là láng giềng lớn nhất của Pakistan nhưng nhiều gia đình bị ly tán không có cơ hội được gặp mặt.

Thay đổi để gần nhau hơn

Đường biên giới giữa Ấn Độ và Pakistan dài hơn 2.000km nhưng việc đi lại không hề dễ dàng mà được canh gác cẩn mật. Hiện mới chỉ có hai tuyến bay trực tiếp từ Ấn Độ đến Pakistan, mỗi tuần một chuyến. Không có tuyến bay thẳng giữa thủ đô của hai nước, vì thế, quãng đường giữa New Delhi và Islamabad phải bay vòng qua Abu Dhabi hay Bahrain mất ít nhất 10 tiếng.

Về tàu hỏa, tuyến Samjhauta Express chạy xuyên biên giới 2 chuyến một tuần chính là tuyến đường mà cả Geeta và phiên bản Bollywood đều từng sử dụng. Đây là 1 trong 2 đoàn tàu chở khách kết nối Ấn Độ với Pakistan. Việc mở lại các tuyến đường vào năm 1976 đã cải thiện đáng kể quan hệ giữa hai nước. Tuy nhiên, cho đến gần đây, hoạt động qua lại ngày càng giảm đi, thậm chí ngừng trệ mỗi khi tình hình an ninh căng thẳng, ví dụ một chuyến tàu đã bị đánh bom vào năm 2007, khiến 68 người thiệt mạng.

Đó vẫn chưa phải là những rào cản chính khiến những người Ấn Độ và Pakistan không thể đến thăm nhau. Việc cấp thị thực được kiểm soát chặt chẽ, thủ tục rườm rà và đơn đăng ký thường xuyên bị từ chối. Chừng nào những căng thẳng về chính trị hay giao thương, du lịch giữa Ấn Độ và Pakistan còn bị gây khó khăn một cách có chủ ý thì hành trình trở về của Geeta qua biên giới vẫn còn là một câu chuyện ngoại lệ.

Kabir Khan, đạo diễn của “Bajrangi Bhaijaan” tâm sự trên India Today: “Khi làm bộ phim này, tôi không hề biết có một Geeta ngoài đời thực. Tôi đã sợ khi tiếp nhận kịch bản vì đây là một bộ phim mang tính chính trị, nhìn con người Pakistan với một con mắt thiện cảm hơn. Nhưng may mắn là cùng với việc Geeta được trở về, chúng tôi thực sự mong đây là bước khởi đầu để nối lại tình cảm giữa nhân dân hai nước”.