Cuộc sống trong "nhà thổ" của gái mại dâm chuyển giới ở Thổ Nhĩ Kỳ

ANTD.VN - Phần lớn những người chuyển giới ở Thổ Nhĩ Kỳ không có điều kiện tiếp cận việc làm và phải tìm đến con đường cùng “bán thân nuôi miệng”. Cuộc sống của những người chuyển giới luôn phải đối mặt với nhiều rủi ro. Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia có số vụ người chuyển giới bị sát hại cao nhất châu Âu.

Bế tắc và những rủi ro

Năm ngoái, khi còn là học sinh trung học, Beste mơ ước được vào đại học để trở thành bác sĩ thú y. Tuy nhiên, ước mơ đó không thể trở thành hiện thực, Beste bị gia đình đánh đập, đốt quần áo và nhốt vào trong phòng khi biết Beste quyết định chuyển giới. Giờ đây, khi bước vào tuổi 18, Beste đã trở thành nhân viên của một nhà thổ chuyển giới ở Tarlabasi, Istanbul.

“Tôi mới làm việc trong nhà thổ được vài tuần. Trước đó, tôi ra đường kiếm khách nhưng một lần bị cảnh sát hành hung thô bạo, bắt nhốt trong trại giam. Tại nhà thổ này, tôi kiếm được ít tiền hơn, khoảng 50 lira Thổ Nhĩ Kỳ (14 USD) mỗi lần tiếp khách nhưng cảm thấy an toàn hơn. Cảnh sát thường xuyên chờ đợi ở bên ngoài để tống tiền những người bán dâm như tôi”, Beste trao đổi với phóng viên tờ Global Post qua ứng dựng WhatsApp. Beste nói rằng, những gì cô đã trải qua là một “thảm họa”. Gần đây, cô đã cố gắng tìm đến cái chết vì không muốn tiếp tục bán dâm nữa. “Cuộc sống của tôi rơi vào bế tắc”, Beste chia sẻ. 

Câu chuyện của Beste là câu chuyện điển hình về thân phận những phụ nữ chuyển giới ở Thổ Nhĩ Kỳ. Gái bán dâm chuyển giới Arzu, 28 tuổi cho biết, cô tiếp 5-6 khách hàng mỗi đêm và nhận được 100 lira (khoảng 28 USD)/giờ “cho tất cả các dịch vụ”. “Tôi ghét công việc này. Một tháng trước, tôi bị 5 người đàn ông hãm hiếp. Họ lấy trộm túi xách và tiền của tôi. Tôi đã đến đồn cảnh sát trình báo nhưng các nhân viên cảnh sát nói rằng, đó là lỗi của tôi. Tôi không ngạc nhiên về phản ứng của cảnh sát. Chúng tôi thường xuyên bị cảnh sát tấn công bạo lực, đe dọa trừ khi chấp nhận đưa tiền cho họ. Tôi đưa tiền cho tất cả mọi người. Chúng tôi phải đối mặt với nhiều rủi ro trong cuộc sống. Đó là trận chiến sống còn và là vấn đề của tất cả những người chuyển giới”, Arzu nói. 

95% phụ nữ chuyển giới bán dâm 

“Khoảng 95% phụ nữ chuyển giới ở Thổ Nhĩ Kỳ tìm đến con đường bán dâm. Không ai cho họ cơ hội tìm kiếm việc làm tử tế, không ai cho phép họ tiếp cận giáo dục, gia đình cũng đẩy họ ra ngoài xã hội. Rất ít người chuyển giới có tuổi thọ ngoài 60 tuổi”, Celik Ozdemir, 40 tuổi, phát ngôn viên của Cộng đồng LGBT ở Istanbul nói. 

Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia có số người chuyển giới bị sát hại cao nhất châu Âu. Theo thống kê của tổ chức nhân quyền bảo vệ người chuyển giới châu Âu, có 43 người chuyển giới ở Thổ Nhĩ Kỳ thiệt mạng từ năm 2008 đến tháng 4-2016. Hầu hết những vụ giết người chuyển giới không được báo cáo. 

Cái chết của Hande Kader, 23 tuổi, gái mại dâm chuyển giới đồng thời là nhà hoạt động xã hội vào tháng 8-2016 gây “sốc” ở Thổ Nhĩ Kỳ. Theo các nhân chứng, Hande Kader được nhìn thấy lần cuối khi ngồi chung xe với một khách mua dâm. Thi thể của Hande Kader bị đốt cháy trong một khu rừng.

“Chết một cách tự nhiên là mong muốn của tất cả những người chuyển giới ở Thổ Nhĩ Kỳ”, Deniz Tunç, 33 tuổi, bạn của Kader nói. Người đồng tính luôn bị kỳ thị. Đàn ông thường tấn công bạo lực, hãm hiếp người chuyển giới như cách để giải tỏa hận thù. “Tôi không thể khóc khi nghe tin bạn mình bị giết hại vì đã quen với điều đó”, Tunç nói thêm.

Gái bán dâm chuyển giới Arzu nói rằng, cái chết của Hande Kader có thể xảy ra với cô hay bất cứ gái bán dâm chuyển giới nào khác. “Cái chết của Hande Kader nói lên nhiều vấn đề. Xã hội cần phải nhận thức rõ về cuộc sống bấp bênh của người chuyển giới. Bên cạnh đó, sự kỳ thị người chuyển giới đang có dấu hiệu gia tăng”, Emirhan Deniz Celebi, 26 tuổi, một người đàn ông chuyển giới hoạt động trong nhóm nhân quyền SPoD nói. 

Tuy nhiên, Esmeray, 43 tuổi, một người chuyển giới hiện làm phóng viên và viết kịch bản phim nói rằng, mọi thứ không thực sự tồi tệ hơn trước đây. “Thực tế cho thấy, cuộc đàn áp của cảnh sát nhằm vào những người chuyển giới trên đường Ulker, gần Tarlabasi đầu thập niên 90 của thế kỷ trước còn khốc liệt hơn nhiều”, Esmeray nói.