Cuộc điện thoại "phá băng" chặn đứng chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên 23 năm trước

ANTD.VN - Những năm đầu của thập niên 1990, Triều Tiên đã đạt được những thành quả đáng nể về công nghệ hạt nhân. Nguy cơ từ việc Triều Tiên sở hữu bom hạt nhân, đe dọa trực tiếp đến an ninh của Mỹ và đồng minh là hiện hữu. Một bản kế hoạch có tên gọi “OPLAN 5027” do Bộ Quốc phòng Mỹ soạn thảo và chỉ đợi Nhà Trắng phê duyệt, nếu thông qua thì chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên theo kịch bản đã có thể nổ ra từ năm 1994. Thật may, từ cuộc điện thoại vào phút chót, căng thẳng mới được tháo ngòi.

Một bản tài liệu nằm trong Kho lưu trữ An ninh Quốc gia của trường ĐH George  Washington suốt 23 năm vừa được công bố đầu tháng 12-2017 cho thấy khi ấy nguy cơ chiến tranh đã cận kề, kế hoạch tấn công Triều Tiên được Mỹ xây dựng rất chi tiết. 

Cuộc điện thoại "phá băng" chặn đứng chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên 23 năm trước ảnh 1Cựu Tổng thống Jimmy Carter trong chuyến thăm Triều Tiên ngày 16-6-1994

“OPLAN 5027” là gì?

Mọi căng thẳng bắt nguồn từ tin tình báo của Mỹ: Tháng 6-1994, Triều Tiên chuẩn bị chuyển một số thanh nhiên liệu ra khỏi lò phản ứng hạt nhân ở tổ hợp Yongbyon để chiết xuất plutonium. Các thanh nhiên liệu nói trên chứa hàm lượng plutonium đủ để sản xuất 5 - 6 quả bom hạt nhân.

Ông Ashton Carter, khi đó giữ vai trò Trợ lý Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ, sau này cho biết: “Có plutonium sẽ giúp Triều Tiên cán đích tham vọng hạt nhân và đây là điều không thể chấp nhận. Mỹ không tin có thể đàm phán thuyết phục Triều Tiên dừng lại, vậy nên chúng tôi cân nhắc khả năng sử dụng vũ lực để buộc họ rút lại chương trình hạt nhân”.

Lầu Năm Góc đã vạch ra một kịch bản tấn công lò phản ứng hạt nhân ở tổ hợp Yongbyon mang tên “OPLAN 5027” và Tổng thống Mỹ Bill Clinton đã nghiêm túc cân nhắc phương án tấn công này. Nguyên bản “OPLAN 5027” là một kế hoạch tổng thể kết hợp hoạt động giữa quân đội Mỹ và Hàn Quốc nhằm chống lại cuộc tấn công của Triều Tiên. “OPLAN 5027” xây dựng qua nhiều thời kỳ và có nhiều biến thể khác nhau. 

Năm 1994, “OPLAN 5027” do Lầu Năm góc đề xuất là một kịch bản phòng ngừa quân đội Triều Tiên tấn công tại vùng FEBA Bravo cách khu phi quân sự liên Triều DMZ khoảng 50km. Tổng Tư lệnh Mỹ phụ trách khu vực Thái Bình Dương đã thông qua kịch bản này.

Theo đó, một chiến dịch điều động quân quy mô lớn bao gồm tăng cường không quân thuộc Thủy quân lục chiến, Sư đoàn không vận 82 của Mỹ và một sư đoàn lục quân của Hàn Quốc tới Wonsan, nằm trên đường phân định ranh giới, sát biển Nhật Bản. Các lực lượng kết hợp sẽ đổ bộ xuống Wonsan bằng đường không, sau đó tiến lên Bình Nhưỡng. Kịch bản này phụ thuộc vào khả năng quân đội Hàn Quốc chống cự với cuộc tấn công của Triều Tiên từ 5 đến 15 ngày, sau đó dành thêm từ 15 đến 20 ngày nữa chuẩn bị cho cuộc phản công.

Theo lịch trình, kế hoạch này sẽ được đưa ra thảo luận chi tiết tại Nhà Trắng vào trung tuần tháng 6-1994, có mở rộng thêm phần tấn công lò phản ứng thuộc tổ hợp hạt nhân Yongbyon. Tuy nhiên, Washington không cho rằng tấn công là giải pháp duy nhất. Cũng từ nguồn tin tình báo cho biết, kinh tế Triều Tiên rơi vào khủng hoảng trầm trọng, thiếu thốn đủ mọi thứ, nhất là lương thực, nguy cơ 20 triệu dân bên bờ vực chết đói và rét. Nếu tìm kiếm các biện pháp trừng phạt mạnh mẽ hơn đối với Triều Tiên tại Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc sẽ đẩy Triều Tiên vào “tình thế hỗn loạn nguy hiểm” khiến tình hình có thể vượt khỏi tầm kiểm soát.

Một giải pháp do cá nhân Tổng thống Bill Clinton đưa ra khi ấy nhận được nhiều ý kiến đánh giá là không khả quan: Cử cựu Tổng thống Jimmy Carter đến Bình Nhưỡng để thương lượng với nhà lãnh đạo Triều Tiên Kim Nhật Thành. Cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter đề nghị được sang thăm Triều Tiên và có cuộc hội đàm với nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành. Ông Kim Nhật Thành đã lập tức đồng ý.

Ngày 12-6, cựu Tổng thống Jimmy Carter bay từ Mỹ sang Thủ đô Seoul, Hàn Quốc. Mỹ và Triều Tiên không thiết lập quan hệ ngoại giao nên với tư cách là cựu Tổng thống Mỹ, ông Jimmy Carter đã đi ô tô qua ranh giới quân sự Hàn Quốc - Triều Tiên sang Bình Nhưỡng trên cương vị cá nhân.

Cuộc điện thoại "phá băng" chặn đứng chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên 23 năm trước ảnh 2Tổng thống Mỹ Bill Clinton trong phòng Tình huống tại Nhà Trắng năm 1994 cân nhắc quyết định tấn công Triều Tiên

Chỉ đợi chấp thuận của Tổng thống

Ngày 15-6-1994, tại cuộc họp ở Nhà Trắng, các quan chức Lầu Năm góc, bao gồm cả Bộ trưởng Quốc phòng William Perry và Tổng tham mưu trưởng Liên quân Mỹ, Tướng John Shalikashvili, báo cáo với Tổng thống Clinton phương án bổ sung cho kế hoạch “OPLAN 5027”: Điều thêm 10.000 binh sĩ Mỹ hỗ trợ cho 37.000 quân đang đồn trú tại Hàn Quốc, máy bay tàng hình F-117, tên lửa hành trình và bổ sung một cụm tác chiến tàu sân bay đến Hàn Quốc hoặc khu vực lân cận, đồng thời kêu gọi sơ tán mọi công dân Mỹ đang sinh sống và làm việc ở Hàn Quốc.

Các quan chức Lầu Năm góc cho biết, quyết định triển khai tên lửa hành trình chiến đấu cơ tàng hình F-117 nhằm mục tiêu tấn công lò phản ứng hạt nhân ở Yongbyon. “Chỉ 1 ngày nữa thôi, chúng tôi sẽ triển khai các biện pháp tăng viện lớn cho binh sĩ Mỹ ở Hàn Quốc. Bên cạnh đó, chúng tôi cũng chuẩn bị tiến hành sơ tán công dân Mỹ khỏi Hàn Quốc”, ông Perry cho biết trong một cuộc trả lời phỏng vấn kênh truyền hình PBS vào năm 1999.

Điều Lầu Năm góc lo ngại nhất là Triều Tiên sẽ tấn công phủ đầu Hàn Quốc vì Bình Nhưỡng vẫn coi những hoạt động tăng cường lực lượng hay sơ tán dân của Washington như tín hiệu báo trước một cuộc tấn công sắp xảy ra.

Bộ trưởng William Perry đã nói với Tổng thống Hàn Quốc khi đó là ông Kim Dae Jung rằng: “Tất nhiên, với sự kết hợp lực lượng của Mỹ và Hàn Quốc, chúng ta chắc chắn chiến thắng. Tuy nhiên, chiến tranh cũng gây nhiều thương vong”. Tuy tự tin sẽ giành chiến thắng, song Lầu Năm góc ước tính sẽ có khoảng 1 triệu người chết trong đó có 490.000 binh sĩ Hàn Quốc, 52.000 binh sĩ Mỹ thiệt mạng hoặc bị thương trong 3 tháng đầu tiên nổ ra xung đột trên bán đảo Triều Tiên.

Cuộc điện thoại "phá băng" chặn đứng chiến tranh trên bán đảo Triều Tiên 23 năm trước ảnh 3Lò phản ứng hạt nhân ở Yongbyon

Cuộc gọi trên đất Triều Tiên

Tuy nhiên, trong lúc ông Clinton đang nghe các quan chức báo cáo các phương án tác chiến, cựu Tổng thống Mỹ Jimmy Carter đã gọi về từ Bình Nhưỡng, thông báo ông đạt được bước tiến lớn sau cuộc gặp với lãnh đạo Triều Tiên Kim Nhật Thành. “Tôi nhớ là trước khi Tổng thống chọn phương án, cánh cửa phòng họp bỗng mở ra và chúng tôi được báo có cuộc gọi của cựu Tổng thống Carter từ Bình Nhưỡng. Ông ấy muốn nói chuyện với tôi”, ông Robert Gallucci, cựu Trưởng đoàn đàm phán Mỹ về vấn đề hạt nhân Triều Tiên năm 1994 kể lại. Ngay lập tức, cuộc họp tại Nhà Trắng dừng lại giữa chừng để theo dõi các diễn biến mới nhất mà ông Carter tường thuật qua điện thoại. “Tôi nhận thấy cam kết mà ông Kim Nhật Thành đưa ra là rất quan trọng”, cựu Tổng thống Mỹ Carter nói.

Những bước tiến lớn ông Carter đề cập là ông Kim Nhật Thành sẵn sàng dừng chương trình hạt nhân ở Yongbyon nếu Mỹ chịu cung cấp cho Triều Tiên một lò phản ứng nước nhẹ, thay thế cho lò phản ứng hạt nhân đang sử dụng lúc đó. Vài ngày sau, Triều Tiên đồng ý đóng băng chương trình hạt nhân bằng ký kết một thỏa ước khung, đổi lại họ sẽ được cung cấp các lò phản ứng hạt nhân mới không có khả năng sản xuất plutonium cấp độ vũ khí cùng dầu để đáp ứng nhu cầu năng lượng trong nước. Mỹ cũng chấp nhận một nhượng bộ khác khi nhất trí đàm phán trực tiếp với Triều Tiên.

Ngoài ra, cựu Tổng thống Jimmy Carter còn truyền đạt lời đề nghị quan trọng từ phía Hàn Quốc, mời nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành sang thăm Seoul. Thông tin này khiến nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành vô cùng phấn chấn. Nếu ông có chuyến thăm Seoul thành công thì đây sẽ là cuộc gặp thượng đỉnh liên Triều đầu tiên, chuyến thăm Seoul của ông sẽ trở thành chuyến thăm “phá băng” được ghi vào sử sách. Chỉ tiếc rằng quan hệ Mỹ - Triều Tiên cũng như Triều Tiên-Hàn Quốc không có bước tiến triển thêm vì chưa đầy 20 ngày sau thỏa ước với Mỹ, nhà lãnh đạo Kim Nhật Thành qua đời vì cơn đột quỵ vào ngày 8-7-1994.

Công luận khen ngợi bản thỏa ước khung do ông Jimmy Carter thương thảo như là một thành quả ngoại giao. Điều hết sức đặc biệt, cuộc điện thoại ông gọi về Nhà Trắng vào giờ thứ 11 trong chuyến đi 3 ngày tại Triều Tiên đã chặn đứng một cuộc chiến mà hàng triệu người có thể thiệt mạng.

Kinh nghiệm rút ra qua sự kiện 23 năm trước cho thấy, đối thoại vẫn là giải pháp hàng đầu để tránh thảm họa cho nhân loại trong khi 2 miền Triều Tiên chưa thống nhất, căng thẳng còn tiếp tục leo thang.