Công việc, tài chính, bệnh tật và sự cô đơn - nỗi lo bức thiết của người Hàn Quốc

ANTD.VN - Ngay sau khi Triều Tiên tiến hành vụ thử hạt nhân lần thứ 6 và là vụ thử hạt nhân lớn nhất, You Jae-youn (32 tuổi), nhân viên văn phòng ở Hàn Quốc, nhanh chóng quên đi để tập trung vào những mối lo bức thiết hơn. 

“Chúng tôi có quá nhiều thứ để quan tâm trong cuộc sống hàng ngày. Cá nhân tôi lo lắng nhiều hơn về việc sẽ tốn bao nhiêu tiền cho bữa sau (hơn là Triều Tiên)”, You Jae-youn, sinh sống ở thành phố Sejong, miền Trung Hàn Quốc, chia sẻ, “Bàn về Triều Tiên là chuyện xa vời với tôi”.

Công việc, tài chính, bệnh tật và sự cô đơn - nỗi lo bức thiết của người Hàn Quốc ảnh 1Đa số người dân Hàn Quốc đều tìm giải pháp kiểm soát căng thẳng trong cuộc sống

Quan tâm nhiều hơn tới công việc, kinh tế

Đối với hầu hết người dân Hàn Quốc sống trong hàng thập kỷ dưới sự đe dọa chiến tranh với nước láng giềng Triều Tiên, những nỗi lo thường nhật mới là thứ khiến họ phải quan tâm. Đó là công việc, kinh tế và áp lực phải bắt kịp sự phát triển nhanh chóng của Hàn Quốc kể từ khi Chiến tranh Triều Tiên chấm dứt vào năm 1953. 

Theo cuộc thăm dò của Viện Gallup Hàn Quốc vào đầu tháng này, 58% người dân Hàn Quốc nói rằng họ không nghĩ khả năng một cuộc chiến tranh nữa sẽ nổ ra trên bán đảo Triều Tiên, đây là tỷ lệ cao thứ hai kể từ cuộc khảo sát lần đầu tiên vào năm 1992. Kể từ đó, tỷ lệ người dân Hàn Quốc cho rằng có thể xảy ra chiến tranh đã giảm dần, xuống còn 37% trong cuộc khảo sát gần đây, bất chấp các vụ thử tên lửa của Triều Tiên dưới thời nhà lãnh đạo Kim Jong Un. 

Về mặt kỹ thuật, hai nước vẫn đang trong tình trạng chiến tranh vì cuộc xung đột năm 1950-1953 kết thúc bằng hiệp định ngừng bắn chứ không phải hiệp định hòa bình. “Họ nói về mặt kỹ thuật, chiến tranh chưa chấm dứt, nhưng những người thuộc thế hệ của tôi chưa từng chứng kiến chiến tranh. Nó dường như là một thực tế mơ hồ đối với tôi”, Kim Hye-ji, 27 tuổi, nhân viên thiết kế đồ họa, nói. “Đó là lý do dù người ta nói rằng đất nước đang gặp nguy hiểm nhưng tôi không thực sự cảm nhận thấy điều này. Tất cả bạn bè của tôi đều lo lắng hơn về công việc của họ”.

Tỷ lệ tự tử cao

Nền kinh tế công nghệ cao và hướng tới xuất khẩu của Hàn Quốc hiện đang phải vật lộn để đối phó với tốc độ tăng trưởng chậm có nguy cơ trở thành một xu hướng dài hạn. Mối lo khác là vấn đề việc làm khi số lượng lao động tạm thời ở Hàn Quốc nhiều gấp đôi so với mức trung bình của các nước trong Tổ chức Hợp tác và Phát triển Kinh tế (OECD). Tỷ lệ thất nghiệp ở giới trẻ đã tăng liên tục trong 4 năm từ 2013 tới 2016. Sự suy thoái kinh tế đã làm gia tăng sự cạnh tranh trong môi trường làm việc và trường học, yếu tố được cho là làm tăng tỷ lệ căng thẳng và tự tử cao ở nước này. Tỷ lệ tự tử ở Hàn Quốc là cao nhất trong số các nước OECD vào năm 2015 - gấp đôi tỷ lệ ở Mỹ và gần gấp bốn lần tỷ lệ ở Anh. 

Những nỗi lo về tài chính, bệnh tật, sự cô đơn và quan hệ xã hội là nguyên nhân hàng đầu gây trầm cảm dẫn tới tự tử ở Hàn Quốc, theo báo cáo gần đây của Hiệp hội chống Tự tử Hàn Quốc. “Đa số mọi người đến với chúng tôi để tìm giải pháp kiểm soát căng thẳng trong cuộc sống đời thường, ví dụ như vấn đề tìm việc làm. Ngay cả những người đã có việc làm cũng tìm đến với mong muốn giải quyết được rắc rối trong công việc”, Sim Min-young, nhà tâm lý học chuyên trị chứng lo lắng và căng thẳng ở Trung tâm Sức khỏe tâm thần quốc gia Hàn Quốc cho biết, “Họ không nhắc đến Triều Tiên”.

Sim nói rằng, nếu người Hàn Quốc đang phải đối mặt với một mối đe dọa như bão Irma ở Mỹ, họ sẽ chủ động làm điều gì đó - lập kế hoạch sơ tán, tìm kiếm nơi trú ẩn. Tuy nhiên, người dân sẽ bất lực nếu xảy ra tấn công hạt nhân, vì thế, họ ngừng suy nghĩ về những gì họ thực sự có thể làm được. 

Cũng có một số ít người lo ngại chiến tranh. Họ lập kế hoạch sơ tán khẩn cấp khỏi tầm bắn của pháo binh Triều Tiên, mua các mặt hàng sử dụng trong trường hợp khẩn cấp như “túi chiến tranh” chứa bật lửa, còi và thực phẩm đóng gói. Một số khác thì tìm kiếm sự an ủi tâm linh.