CIA lo bị tình báo Trung Quốc "cài người"

ANTD.VN - Hàng chục năm qua, Bắc Kinh đã chiêu mộ gián điệp chủ yếu nhắm vào người Mỹ gốc Hoa, nhưng đến nay ngay cả Cục Tình báo Trung ương Mỹ CIA cũng lo ngại về việc mở rộng của mạng lưới tuyển dụng này.

Công dân Mỹ Glenn Duffie Shriver lĩnh án do làm điệp viên cho Trung Quốc

Glenn Duffie Shriver là mẫu hình tuyển dụng lý tưởng của CIA. Chàng trai 28 tuổi đến từ Michigan từng là một sinh viên giỏi, lại có mối quan tâm lớn về các vấn đề thế giới cũng như ngoại ngữ. Điều hấp dẫn hơn cả là anh chàng này từng học và làm việc ở Trung Quốc. Nhưng khi các nhà điều tra CIA đào sâu hơn về những trải nghiệm của người này ở Trung Quốc, họ bắt đầu nghi ngờ rằng Glenn đã bị các điệp viên của Bắc Kinh cử đến.

Trước vòng kiểm tra phát hiện nói dối, Glenn Shriver đã rút đơn xin tuyển dụng. Vài tháng sau, khi lên máy bay rời Mỹ, thanh niên này đã bị Cục Điều tra liên bang FBI bắt vì cáo buộc cố xâm nhập vào CIA như một mắt xích của gián điệp Trung Quốc. Glenn Shriver bị tòa án liên bang ở Virginia kết án 4 năm tù giam.

Nâng cao cảnh giác

Năm 2014, FBI đã đăng tải trên trang web của mình một đoạn phim về trường hợp Glenn Shriver để cảnh báo đối với thanh niên Mỹ ở Trung Quốc. Đến nay, vụ việc liên quan đến Shriver vẫn khiến CIA nâng cao cảnh giác bởi trường hợp này cho thấy nỗ lực mới và táo bạo của tình báo Trung Quốc trong tuyển dụng sinh viên đến từ Mỹ.

Ông Dennis Wilder, Phó trợ lý Giám đốc CIA khu vực Đông Á và Thái Bình Dương từ năm 2015 - 2016 xác nhận, khi đó, cơ quan này thận trọng hơn với bất cứ ai đã từng du học ở Trung Quốc, đặc biệt là theo học các chương trình dài hạn. Kết quả là, việc tuyển mộ một số ứng viên đủ tiêu chuẩn của CIA đã bị đình trệ. 

“Đừng rơi vào bẫy lừa của người Trung Quốc. Việc tuyển dụng đang diễn ra và mục tiêu là những người trẻ tuổi với phương châm: Hãy ném rất nhiều tiền vào họ, xem điều gì xảy ra”, Glenn Shriver, công dân Mỹ đang thụ án vì tội làm gián điệp cho Trung Quốc nói trong đoạn phim cảnh báo của FBI.

Liên quan đến việc này, phát ngôn viên của CIA Dean Boyd thừa nhận rằng: “Những ứng viên có mối quan hệ và quá trình đi lại có nguy cơ cao bị kiểm tra kỹ lưỡng nhưng CIA đã và sẽ tiếp tục tuyển những người như vậy nếu họ đáp ứng các tiêu chuẩn an ninh của chúng tôi”. Thông thường, mỗi cuộc kiểm tra an ninh cũng mất khoảng 2 năm. Đó là chưa kể, bất kỳ ai được CIA chọn làm nhà phân tích về Trung Quốc cũng phải mất ít nhất 1 năm, ngày nào cũng lên lớp để học tiếng Trung.

Mọi công dân Mỹ đều có thể bị “dụ dỗ”

Theo những nguồn tin tin cậy, cơ quan tình báo Trung Quốc - MSS đã bắt đầu mở rộng mạng lưới của mình sau cuộc tranh luận trong giới quan chức cấp cao thời Chủ tịch Hồ Cẩm Đào từ năm 2002 - 2012. Các nhà kinh tế và các quan chức tài chính hàng đầu của Bắc Kinh lập luận rằng, Trung Quốc không nên tiếp tục chống lại Hoa Kỳ, đối tác thương mại hàng đầu của nước này.

Tuy nhiên, giới chức tình báo và quân đội Bắc Kinh lại áp đảo trong cuộc tranh luận với lập luận rằng, Trung Quốc đã trở thành siêu cường và nên theo đuổi một chiến dịch cứng rắn hơn đối với Mỹ. Vụ thâm nhập vào 18 triệu hồ sơ nhân viên của Chính phủ Mỹ năm 2014 là minh chứng cho điều này. Với chủ trương đó, Trung Quốc còn đẩy mạnh việc quân sự hóa các rạn san hô và đảo tranh chấp ở Biển Đông hay mở rộng hoạt động gián điệp bằng việc dụ dỗ người Mỹ không phải là người Mỹ gốc Hoa. 

 Nhiều năm qua, cơ quan tình báo Trung Quốc, MSS khi tuyển dụng chủ yếu nhằm vào người Mỹ gốc Hoa, đặc biệt là những người làm việc trong các cơ quan quốc phòng và tình báo hoặc trong các ngành công nghiệp nhạy cảm ở Mỹ. Thế nên, vụ việc liên quan đến Shriver làm các quan chức an ninh Mỹ lo lắng vì nó báo hiệu về sự thay đổi trong mục tiêu tuyển dụng của MSS. Họ lo ngại tình báo Trung Quốc có thể thâm nhập vào CIA bằng những người không phải là người gốc Á, và ngoài Shriver, rất có thể những người khác đã được tuyển dụng.

Bên cạnh đó, ông Harry “Skip” Brandon, cựu trợ lý Giám đốc FBI về chống gián điệp lại cho rằng, kể cả trường hợp “cài cắm” Shriver thất bại, MSS cũng đã ghi điểm sau việc này. “Mặc dù, người Trung Quốc không cố tình để Shriver bị bắt khiến CIA hoang mang, ít ra họ cũng thu được lợi từ việc tạo ra sự nghi ngờ của cơ quan này đối với những ứng viên có nền tảng tiếng Anh và kỹ năng tiếng Trung tốt”, ông Brandon nhận định.