Chính quyền Trump thực dụng hơn với châu Á

ANTD.VN - Mới trải qua nửa chặng đường, song chuyến công du đầu tiên tới châu Á của Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đã phần nào toát lên “hình hài” chính sách thực dụng của chính quyền Tổng thống Donald Trump với châu lục này.

Chính quyền Trump thực dụng hơn với châu Á  ảnh 1Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence đang có chuyến công du đầu tiên tới hàng loạt quốc gia châu Á 

Phó Tổng thống Mỹ Mike Pence mới thực hiện được nửa hành trình của chuyến thăm Hàn Quốc, Nhật Bản, Indonesia và Australia bắt đầu từ ngày 15-4 vừa qua, song chuyến công du châu Á đầu tiên của “nhân vật số hai” nước Mỹ đã có thể truyền tải thông điệp rõ ràng về chính sách đối với châu lục này dưới thời chính quyền Tổng thống Donld Trump.

Cho dù ông Donald Trump chưa chính thức tuyên bố quan điểm đối với chính sách “Xoay trục về châu Á-Thái Bình Dương” của chính quyền Barack Obama tiền nhiệm, nhưng theo sát nghị trình của Phó Tổng thống Pence từ Seoul, Tokyo cho tới Jakarta và sắp tới là Canberra, có thể thấy chính quyền của vị tỷ phú vẫn sẽ can dự mạnh mẽ vào khu vực mà Mỹ có những lợi ích sống còn.

Ông Mike Pence đặt bước chân đầu tiên đầu tiên tới châu Á đúng vào lúc tình hình bán đảo Triều Tiên “căng như dây đàn” với việc được Triều Tiên “chào đón” bằng một vụ thử tên lửa trong khi Washington tuyên bố “để ngỏ mọi lựa chọn với Bình Nhưỡng”.

Thế nhưng, khác với động thái răn đe điều tới gần Triều Tiên 3 biên đội tàu sân bay tấn công và tuyên bố ở Hàn Quốc rằng “thời kỳ kiên nhẫn chiến lược với Triều Tiên đã kết thúc”, chính Phó Tổng thống Pence khi sang Nhật Bản lại khẳng định “ủng hộ giải pháp hòa bình với Triều Tiên”, trong khi đại diện chính quyền Donald Trump nêu rõ tại Liên hợp quốc rằng “Mỹ không chủ động gây chiến với Triều Tiên”.

Thoạt nhìn cứ ngỡ chính quyền Donald Trump “khó lường” hoặc “tiền hậu bất nhất” trong vấn đề Triều Tiên, song xét kỹ mới thấy quan điểm của Washington về việc không chấp nhận Triều Tiên là một cường quốc hạt nhân và tên lửa luôn xuyên suốt. Tấn công phủ đầu chưa chắc đã ngăn chặn được chương trình phát triển hạt nhân vốn được bảo vệ kỹ lưỡng, trong khi lại có thể kích hoạt ngòi nổ khủng hoảng với hậu quả khôn lường. Siết thật chặt áp lực quốc tế, đặc biệt với sự tham gia của Trung Quốc vẫn là biện pháp mà chính quyền Tổng thống Donald Trump cho rằng hiệu quả nhất hiện nay để giải quyết vấn đề Triều Tiên.

Cách tiếp cận thực dụng hơn chính quyền tiền nhiệm cũng là điều mà Tổng thống Donald Trump thể hiện trong vấn đề đảm bảo an ninh trên Biển Đông, vùng biển có ý nghĩa chiến lược với lợi ích của Mỹ tại Thái Bình Dương cũng như trên toàn cầu. Phát biểu khi thăm tàu sân bay USS Ronald Reagan đóng ở Nhật Bản ngày 19-4, Phó Tổng thống Mike Pence nhấn mạnh Mỹ sẽ tiếp tục bảo vệ tự do hàng hải, hàng không ở Biển Đông, nơi căng thẳng leo thang do các hoạt động phi pháp xây đảo nhân tạo của Trung Quốc.

Cùng với trụ cột an ninh, trụ cột kinh tế trong chính sách đối với châu Á của chính quyền Tổng thống Donald Trump cũng được điều chỉnh theo hướng thực dụng hơn. Hủy bỏ Hiệp định đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP) với lý do tổn hại tới lợi ích của nước Mỹ, Phó Tổng thống Pence đã ngỏ ý muốn khởi động đối thoại kinh tế cấp cao với Nhật Bản, điều có thể dẫn tới một Hiệp định thương mại tự do (FTA) hay tuyên bố xem xét làm mới FTA ký 5 năm trước đó với Hàn Quốc. 

Khi Tổng thống Donald Trump mới nhậm chức, tân chủ nhân Nhà Trắng đã tuyên bố sẽ “Xoay trục về châu Á” theo cách riêng. Cách riêng này đã lộ rõ hình hài là chính sách thực dụng hơn với châu Á.