Chết cười với những giải Ig Nobel 2016

ANTD.VN - Thay đổi giới tính của chuột bằng… quần; giữ khí thải lại trong xe để bảo vệ môi trường; nguyên nhân ngựa trắng rất giỏi đuổi ruồi trâu… là những công trình được Tạp chí Biên niên sử  vinh danh năm nay trong Ig Nobel 2016 - giải thưởng khoa học thường niên được trao cho những khám phá không giống ai, nhưng khiến nhiều người phải suy nghĩ lại(?!).

2 nhà khoa học người Anh là Thomas Thwaites và Charles Foster đã sử dụng chân giả để sống cùng đàn dê

Năm nay, Giải Ig Nobel lần thứ 26 được tổ chức tại Nhà hát Sanders của Đại học Harvard (Mỹ). Tại đây, 10 nhà “khoa học” đã được “vinh danh” với các công trình nghiên cứu của mình như một giải Nobel thực sự, tuy hơi khác thường nhưng những nghiên cứu giàu trí tưởng tượng này có thể là đòn bẩy giúp các nhà khoa học khác phát triển và hoàn thiện công trình nghiên cứu thực thụ, mang lại nhiều lợi ích ứng dụng cho nhân loại.

Ig Nobel Sinh sản: Giới tính của chuột thay đổi khi được mặc quần

Nhà tiết niệu học người Ai Cập, Tiến sĩ Ahmed Shafik đã được trao giải thưởng này. Ông đã thí nghiệm trên 75 con chuột trong vòng 1 năm, bằng cách cho chúng mặc quần được làm từ vải chất liệu polyester, cotton, len và chất liệu tổng hợp và có khoét lỗ ở đuôi.

Theo đó, trong quá thiết kế và theo dõi các con chuột, TS Shafik thấy quần được làm từ chất liệu polyester kém hấp dẫn con cái hơn so với những con đực mặc quần bằng vải cotton và len, điều này đồng nghĩa với việc giảm hoạt động tình dục của nó. Nguyên nhân này được TS Shafik nhận định rằng có thể do việc giảm trường tĩnh điện ở xung quanh bộ phận sinh dục của chuột gây ra. 

Ig Nobel Sinh học: Dùng chân giả để sống... như dê

Giải thưởng này được trao cho 2 nhà khoa học người Anh là Thomas Thwaites và Charles Foster. Thomas đã sử dụng chân giả để sống cùng đàn dê, thậm chí ông đã dành cả 3 ngày để sống như 1 con dê trong đàn tại một trang trại trên dãy Alps (Thụy Sĩ).

Còn Charles Thwaites có ý tưởng tương đồng nhưng độ máu lửa lớn hơn khi dám thử nghiệm dùng 4 chân giả sống như những con cáo, hươu đực, chim… Tuy nhiên, cuối cùng Foster cũng phải công nhận “các con thú làm điều đó tốt hơn chúng ta”.

Ig Nobel Vật lý: Chuồn chuồn thích mộ màu đen

Có 9 nhà khoa học tới từ 4 quốc gia Hungary, Tây Ban Nha, Thụy Điển và Thụy Sĩ được trao giải Ig Nobel Vật lý cho 2 khám phá: Vì sao ngựa trắng rất giỏi đuổi ruồi trâu và vì sao chuồn chuồn rất thích lao vào bia mộ có màu đen. Các nhà khoa học giải thích vấn đề này là do những hình ảnh phản chiếu ánh sáng cao phân cực và phân cực ngang tương tự như mặt nước khiến cho chuồn chuồn “hiểu lầm”. 

Ig Nobel Hóa học: Giữ khí thải bên trong xe để bảo vệ môi trường

Hãng xe hơi Volskwagen (Đức) “vinh dự” được vinh danh với giải thưởng này vì đã giải quyết được vấn đề phát thải bằng cách cho xe tự động thải ra ít khí thải hơn khi bị nhà chức trách “sờ gáy”. Volskwagen vừa bị chính quyền Mỹ tố vi phạm luật xả khí thải động cơ khi công ty này lắp thêm thiết bị “nhốt” khí thải bên trong xe hơi.

Ig Nobel Y học: Ngứa bên trái, soi gương và gãi ngược lại 

Giải thưởng này được trao cho nhà khoa học người Đức. Theo đó, khi bị ngứa cẳng tay trái, họ có thể nhìn vào gương và gãi ở vị trí tương tự như bên cẳng tay phải và ngược lại. Nếu bạn bị bệnh ngoài da, nếu không chịu nổi, hãy áp dụng thử xem sao!

Ig Nobel Tâm lý: Đo tần suất “chém gió”

Nhóm nghiên cứu đến từ các nước Canada, Mỹ, Đức, Bỉ, Hà Lan đã được trao giải thưởng này khi tiến hành nghiên cứu về nói dối. Họ tiến hành đo tần suất nói dối của 1.000 người độ tuổi từ 6-77 tuổi, khi cảm nhận chính về sự nói dối và khả năng nói dối, thậm chí trình độ “cao thủ” tới đâu. Sau đó, kết luận của nhóm nghiên cứu là “khả năng nói dối đã được hình thành từ bé, đạt “đỉnh cao” khi ở tuổi vị thành niên và quá tồi tệ khi tuổi trưởng thành và đã về già. 

Ig Nobel Hòa bình và Nhận thức: Thế giới qua khe hở 2 chân và Giả danh thâm thúy

2 nhà khoa học người Nhật Bản Atsuki Higashiyama và Kohei Adachi đã có những báo cáo thực tế về các vật thể sẽ trở nên khác biệt thế nào khi chúng ta uốn cong cơ thể và quan sát thế giới qua khe hở của 2 chân chúng ta.

Giải Ig Nobel Hòa bình đã thuộc về Gordon Pennycook và các đồng nghiệp với những phát hiện về việc tiếp nhận những chuyện “tào lao” giả danh thâm thúy, bằng cách ghép những từ thông dụng một cách ngẫu nhiên thành cấu trúc đúng ngữ pháp nhưng nó lại vô nghĩa.

Ig Nobel Văn học và Kinh tế: Thú vui tìm ruồi chết

Giải kinh tế thuộc về Mark Avis với công trình nghiên cứu đánh giá về  “cá tính” của đá xét trên góc độ bán hàng và marketing. Còn giải Văn học được trao cho Fredrik Sjoberg với hồi ký 3 kỳ viết về thú vui thu thập ruồi chết và ruồi chưa chết.