Châu Âu chống tham nhũng nhằm "cứu vãn" niềm tin

ANTD.VN - Với đa số áp đảo 82 phiếu thuận, 1 phiếu trắng và không phiếu chống, Hội đồng Nghị viện châu Âu (PACE) ngày 10-10 nhất trí phê chuẩn quy định mới nhằm tăng cường tính minh bạch và sự liêm khiết của các nghị sĩ. 

Toàn cảnh một phiên họp của Hội đồng Nghị viện châu Âu ở Strasbourg, Pháp

Quy định mới được đưa ra nhằm bảo vệ Hội đồng Nghị viện trước các hành vi tham nhũng và buộc các nghị sĩ phải có trách nhiệm thực hiện báo cáo kê khai các lợi ích kinh tế và tài chính hoặc các nội dung có liên quan khác của họ. Quy định của PACE nêu rõ rằng các đại biểu được yêu cầu công bố trên trang web của Hội đồng Nghị viện danh sách quà tặng mà họ nhận được cũng như về những mối quan hệ mà họ có thể có với đại diện của các nhóm lợi ích. 

Ủy ban quy chế nội bộ của Hội đồng được giao chịu trách nhiệm giám sát việc thực thi các quy tắc mới này và có thẩm quyền tiến hành điều tra đối với các thành viên của PACE. Trong trường hợp cần thiết, cơ quan này cũng có thể đưa ra các biện pháp trừng phạt. 

Tổ chức Minh bạch quốc tế ngay lập tức hoan nghênh quyết định của PACE được đưa ra sau khi tổ chức này kêu gọi PACE tiến hành điều tra toàn diện các cáo buộc tham nhũng đối với nhiều thành viên của Hội đồng. Những cáo buộc này từng gây chấn động châu Âu hồi đầu tháng 9-2017 khi Trung tâm điều tra tham nhũng và tội phạm có tổ chức (OCCRP) công bố về một quỹ bí mật trị giá 2,8 tỷ USD dùng để mua chuộc nhiều chính trị gia phương Tây, trong đó có các cựu thành viên PACE. 

Theo OCCRP, quỹ này được đặt tên là “Azerbaijan Laundromat”, hoạt động trong 2 năm (kết thúc vào năm 2014). Phần lớn số tiền được chi cho các nhà vận động hành lang, nhà báo, chính trị gia và thương nhân để “mua lại” sự ủng hộ có lợi cho Chính phủ Azerbaijan. OCCRP cho hay, kế hoạch này đã mang lại những thành công nhất định, trong đó có việc thuyết phục Hội đồng Nghị viện châu Âu (PACE) bỏ phiếu bác bỏ một báo cáo chỉ trích Azerbaijan về vấn đề nhân quyền hồi năm 2013. 

Hội đồng châu Âu ngay lập tức mở cuộc thẩm vấn đối với các tổ chức, cá nhân có liên quan trong tâm bão của vụ bê bối Laundromat. Mãi đến tháng 7-2017, một mắt xích của đường dây hối lộ mới lộ diện khi các công tố viên Italy cáo buộc ông Luca Volontè, cựu Chủ tịch nhóm trung hữu trong Hội đồng Nghị viện châu Âu nhận hối lộ hàng triệu USD tiền mặt từ Azerbaijan để đổi lấy sự ủng hộ cho nước này trong cuộc thảo luận các vấn đề chính trị - xã hội tại Nghị viện.

Theo số liệu điều tra, mạng lưới thực hiện kế hoạch Laundromat của Azerbaijan đã giúp thực hiện tổng cộng 16.000 cuộc chi trả bí mật trong khoảng thời gian từ năm 2012-2014. Đóng vai trò nòng cốt trong mạng lưới thực hiện kế hoạch Laundromat là 4 công ty bình phong có trụ sở ở Anh và Scotland, gồm Metastar Invest, Hilux Services, Polux Management và LCM Alliance.

Cơ cấu tổ chức, hoạt động của các công ty này thường rất mơ hồ, không nêu rõ danh tính người chủ sở hữu. Các đối tác của công ty cũng là những nhà đầu tư ẩn danh. Một mắt xích quan trọng trong đường dây Laundromat là Ngân hàng Danske lớn nhất của Đan Mạch. Danske đã thực hiện các giao dịch bí mật thông qua một chi nhánh nhỏ ở Estonia. Và một thống kê điều tra cho thấy Danske đã thực hiện hàng trăm cuộc chuyển tiền từ Azerbaijan đến Anh.

Nhân vật thứ hai được OCCRP đề cập đến là cựu Nghị sĩ Eduard Lintner, thành viên đảng Liên minh xã hội Thiên Chúa giáo Đức tại bang Bavaria. Ngoài ra, những cái tên khác cũng được nêu như cựu nghị sĩ, Chủ tịch Đảng Quốc gia Slovenia Zmago Jelincic Plemeniti hay chính trị gia Malta Joseph Debono Grech. 

Tất cả đã làm cho uy tín của PACE bị tổn hại nghiêm trọng, đặt ra nhu cầu bức thiết phải cải tổ triệt để cơ quan lập pháp này. Trong một động thái mới nhất, bên cạnh việc thông qua quy định về chống tham nhũng, ngày 10-10, Chủ tịch PACE Pedro Agramunt đã tuyên bố từ chức để nhận trách nhiệm cao nhất về vụ bê bối nhận hối lộ của các thành viên Hội đồng Nghị viện.