Câu hỏi khó trong nội bộ G-7

ANTD.VN - Được coi là nơi tụ họp của những “ông lớn” chuyên giải quyết các vấn đề toàn cầu, ấy vậy nhưng cuộc gặp thượng đỉnh Nhóm các nước công nghiệp phát triển hàng đầu thế giới (G-7) năm nay lại gây nhiều lo lắng hơn là hy vọng. 

Nguyên thủ các nước thành viên G7 chụp ảnh chung tại hội nghị

Trước hết là công tác an ninh phải tăng cường đến mức tối đa. Vụ đánh bom khủng bố tại sân vận động Manchester Arena của Anh cướp đi sinh mạng của 22 người, trong đó có nhiều trẻ em, đã khiến thành phố Taormina trên đảo Sicily thuộc miền Nam Italy vốn nổi tiếng là một điểm đến du lịch hấp dẫn bị biến thành pháo đài với 3 vòng kiểm soát an ninh ở mức cao nhất. 7.000 đơn vị thuộc lực lượng cảnh sát Italy được triển khai tại các địa điểm nhạy cảm trên khắp cả nước, trong đó riêng tại thành phố Taormina được tăng cường thêm 2.900 người.

Không khí đã căng thẳng như vậy, chủ đề được quan tâm nhất là vấn đề kinh tế lại khá mờ mịt. Vì thành viên G-7 đều là các cường quốc kinh tế nên mọi hy vọng của dư luận đều đổ dồn vào việc nhóm này sẽ đưa ra giải pháp gì giúp kinh tế thế giới lấy lại đà phát triển thuận lợi sau khi trải qua giai đoạn khó khăn, trồi sụt trong năm 2016. Chiếm tới hơn 60% tổng GDP toàn cầu, nắm trong tay các nguồn lực cũng như công nghệ hàng đầu thế giới, đương nhiên G-7 đủ sức tác động đến xu hướng phát triển của nền kinh tế toàn cầu, xử lý những thách thức mang tính toàn cầu.

Ấy thế nhưng đến hội nghị lần này, các thành viên G-7 lại chưa thể bàn ngay vào những chủ đề nóng đó, mà lại đang phải thăm dò xem thái độ của Tổng thống Mỹ Donald Trump trong cuộc gặp lần đầu tiên với ông này trong khuôn khổ G-7. Ngay từ khi còn tranh cử, ông D. Trump đã tuyên bố thẳng quan điểm ưu tiên bảo hộ thương mại.

Trên thực tế, các hiệp định thương mại giữa Mỹ và nhiều nước như Hiệp định Đối tác xuyên Thái Bình Dương (TPP), Hiệp định Tự do xuyên Đại Tây Dương (TTIP) và Hiệp định Thương mại Tự do Bắc Mỹ (NAFTA) đều đã bị đình trệ từ khi ông D. Trump lên nắm quyền. 

Hiện tại, khó có thể biết được liệu ông chủ Nhà Trắng có tiếp tục giữ vững lập trường của mình hay sẽ nhún nhường các nhà lãnh đạo khác trong  G-7. Tại Hội nghị Bộ trưởng Tài chính G7 họp trước đó để chuẩn bị nội dung cho Hội nghị thượng đỉnh lần này, các bên chỉ tập trung bàn luận vấn đề tăng trưởng toàn diện và các quy định thuế quốc tế mà lờ đi xu thế bảo hộ mà ông D.Trump thường nhắc tới.  Theo một số chuyên gia, có lẽ hội nghị  G-7 lần này sẽ chỉ giới hạn tới việc tìm hướng đi của nền kinh tế toàn cầu trong thời gian tới thay vì sa vào các cuộc tranh cãi với ông D. Trump.

Ngoài vấn đề đã rõ là chủ nghĩa bảo hộ thương mại, các lãnh đạo G-7 hiện cũng đang bối rối chưa biết lập trường của ông D. Trump trong hàng loạt vấn đề, từ biến đổi khí hậu cho đến khủng hoảng người tị nạn và cuộc chiến chống khủng bố trên toàn cầu. Hiện ông D. Trump vẫn chưa quyết định liệu có thực hiện cam kết rút khỏi Hiệp định Paris 2015 về biến đổi khí hậu mà ông đưa ra trong cuộc vận động tranh cử hay không.

Chắc chắn tại hội nghị lần này, ông D. Trump sẽ phải đối mặt với sức ép từ các lãnh đạo khác yêu cầu Mỹ không rút khỏi hiệp định này vì sự có mặt của Mỹ là điều quan trọng đối với nỗ lực hạn chế khí thải gây hiệu ứng nhà kính và kiểm soát hiện tượng nóng lên toàn cầu.

Có thể thấy, với những vướng mắc nói trên, Hội nghị G-7 lần này khó có thể có thể đáp ứng kỳ vọng của cộng đồng quốc tế. Đây chỉ là dịp để dư luận tìm hiểu thêm về chính sách của các cường quốc trong nhóm, đặc biệt là Mỹ. Hội nghị cũng sẽ góp phần giải mã câu hỏi là liệu ông D. Trump sẽ “đặt nước Mỹ lên trên hết” hay sẽ tiếp tục thúc đẩy vai trò của Washington trên toàn cầu.