Cặp vợ chồng sát thủ Philippines nhận 100 USD/mạng tội phạm ma túy

ANTD.VN - Dù cảm thấy day dứt, tội lỗi trước việc làm của mình nhưng cặp vợ chồng sát thủ này nói rằng họ không thể dừng lại, nếu không chính bản thân cũng phải đối mặt với cái chết bi thảm từ cấp trên.

Kể từ khi chính phủ triển khai cuộc chiến chống ma túy trên khắp Philippines, hơn 3.700 người đã thiệt mạng trong các hoạt động của cảnh sát và lực lượng cảnh vệ. Tuy nhiên, chỉ một phần nhỏ trong số các nạn nhân là do cảnh sát bắn chết, phần còn lại do những tay súng không xác định triệt hạ.

Lực lượng đứng trong bóng tối này là ai? Phương thức hoạt động như thế nào? Điều này đến bây giờ vẫn là những câu hỏi đầy băn khoăn của nhiều người, nhất là khi cuộc chiến chống ma túy tại Philippines chưa có dấu hiệu dừng lại.

Ace và Sheila xuất hiện trong chương trình Dateline của kênh SBS với khuôn mặt che kín 

Mới đây, trong chương trình truyền hình Dateline của kênh SBS, một cặp đôi sát thủ của “biệt đội tử thần” tại Philippines đã xuất hiện với khuôn mặt kín bưng và nói về nhiệm vụ của mình.

Cặp vợ chồng được gọi là Ace và Sheila nói rằng họ nhận được 100 USD từ cảnh sát đối với một mạng người thủ tiêu được. Tính đến thời điểm hiện tại, nhóm của Ace và Sheila có trách nhiệm đối với ¼ trên tổng số các vụ giết tội phạm ma túy tại Philippines.

Ace thường hoàn thành nhiệm vụ chỉ sau 1 ngày nhận lệnh và nhận được số tiền 100USD/mạng người

Ace cho biết, ông chủ của anh ta là một cảnh sát nổi tiếng. Thông thường, anh nhận nhiệm vụ qua một cuộc điện thoại, ông chủ sẽ cho biết thông tin và gửi đến một bức ảnh chân dung của kẻ muốn thủ tiêu. Ace sẽ có 3 ngày để thực hiện nhiệm vụ của mình.

Nguyên tắc chủ chốt của những sát thủ như Ace là không bao giờ được đặt câu hỏi với cấp trên. Đa phần những người nhóm thủ tiêu là những người có liên quan đến ma túy, nhưng cũng không ít người chỉ đơn giản là chống lại ông chủ của họ.

Với những sát thủ máu lạnh như Ace, các mục tiêu thường bị hạ gục sau ít nhất một ngày, đôi khi chỉ là vài giờ sau khi nhận được cuộc gọi từ cấp trên.

Cô vợ Sheila cũng bị kéo vào nhiệm vụ máu lạnh này và coi đó là cách để nuôi sống gia đình

“Chúng tôi không bắn họ một lần và không bao giờ rời đi sau một phát súng. Chúng tôi phải chắc chắn rằng họ đã chết”, Ace nói.

Cặp vợ chồng cho biết họ chọn công việc giết thuê này bởi đây là cách duy nhất để có tiền tại Philippines, hơn nữa cả Ace và Sheila đều nói rằng, họ còn con cái và gia đình, họ cần tiền để trang trải cuộc sống.

“Ngay từ đầu, khi tôi bắt đầu công việc này, tôi biết nó thực sự nguy hiểm. Nhưng nếu tôi không làm điều đó, có một nguy cơ lớn hơn là tôi không thể nuôi sống gia đình. Bởi tôi không thể làm bất kỳ công việc nào khác”, Ace nói.

“Tốt hơn là tôi nên tiếp tục với công việc của mình. Nếu tôi dừng lại, ông chủ của tôi sẽ thủ tiêu. Tôi có thể sẽ bị giết, vì vậy tôi chỉ làm theo các yêu cầu của ông ấy”.

Sau khi bắn chết mục tiêu, nhóm của Ace đặt một tấm bìa có dòng chữ "Tôi là một tội phạm ma túy" như để báo cáo nhiệm vụ với cấp trên

Thực chất, ban đầu chỉ có mình Ace tham gia vào biệt đội sát thủ thủ tiêu người có liên quan đến ma túy tại Philippines, tuy nhiên, sau đó vợ của anh ta cũng bị kéo vào vòng xoáy luẩn quẩn của những phát súng và xác người.

Đối với những mục tiêu khó thủ tiêu, Sheila dần dần bị chồng gợi ý tiếp cận vì cô là một người phụ nữ. Nhiệm vụ của cô là đóng giả những cô gái nhảy, gái tại quán bar và tạo điều kiện tách đối tượng một mình rồi xuống tay.

“Tôi bắt đầu tham gia vào nhiệm vụ này khi nhóm của chồng tôi gặp rắc rối. Họ không thể tiếp cận mục tiêu trong vòng một tuần và ông chủ đã nổi giận. Vì vậy chồng tôi đã có ý tưởng cho tôi tham gia cùng”, Sheila nói.

Tính đến thời điểm hiện tại, cặp vợ chồng Ace và Sheila đã giết chết 800 người trên tổng số gần 2.800 vụ hành quyết do các biệt đội tử thần thực hiện. Con số có thể tiếp tục vẫn tăng khi họ không thể dừng lại công việc của mình vì sợ thủ tiêu.

Nhóm của Ace và Sheila đã giết chết 800 người trên gần 2.800 vụ hành quyết do các biệt đội tử thần gây ra

Đã có lúc cả 2 cảm thấy tội lỗi về hàng trăm cái chết nhưng họ vẫn bị áp lực từ cấp trên và chính sinh mạng của mình.

“Khi trở về nhà, tôi nhìn thấy những đứa con của mình và cảm thấy tội lỗi. Nhưng tôi tự nhủ rằng người chúng tôi giết là những người tồi tệ hơn nhiều. Nhiều mạng sống khác sẽ bị hủy hoại nếu anh ta không bị giết. Vì vậy, anh ta phải chết và đó không phải là lỗi của tôi”.

“Tôi không làm gì sai. Nếu anh ta không phải một người xấu, chẳng bao giờ anh rơi vào trường hợp này. Hơn nữa, nếu tôi ngừng làm điều này, tình hình sẽ bị đảo ngược, chính chúng tôi trở thành mục tiêu bị bắn giết”.

Sheila nói rõ về tình thế “đâm lao theo lao” của mình nhưng cũng nhấn mạnh rằng đó là công việc duy nhất ở hiện tại mang lại thu nhập cho gia đình cô.