Cận cảnh sản xuất và buôn bán lá Khat cho lãi "khủng" ở châu Phi

ANTD.VN - Tại Đông Phi, việc buôn bán và tiêu thụ lá Khat đem lại nguồn lợi cực lớn. Vì thế rất nhiều tổ chức, đàn ông, đàn bà đều tham gia trồng và kinh doanh loại lá này.

Mờ mắt vì nguồn lợi từ lá Khat

Với những đặc tính giống amphetamine, một loại ma túy tổng hợp, việc tiêu thụ lá Khat từ lâu đã bùng nổ tại thị trấn Maua, thuộc Nyambene Hills, quận Meru ở Kenya. Rose Mugambi Karanja, một phụ nữ Châu Phi đã bước chân vào ngành công nghiệp kinh doanh lá Khat từ hơn 20 năm trước.

Bà Karanja cho biết, ngày ấy, trong vòng 6 tháng liền, ngày nào bà cũng phải dậy từ rất sớm để đến làm thợ học việc cho một thương nhân. Tại đây, bà được chứng kiến cách gieo hạt và canh tác cây lá Khat, học cách phân biệt chất lượng lá, rồi dần trở nên quen thuộc với việc đóng gói và vận chuyển lá Khat đến mọi nơi trên thế giới.

Bà Karanja nhớ lại: “Nó (lá Khat) thực sự đã thay đổi cuộc đời tôi”. Kể từ khi bắt đầu tham gia vào công việc kinh doanh loại lá này, bà đã có tiền để đầu tư, mua sắm tài sản, trang trại, ngoài ra còn có tiền để cho các con được đi học, thậm chí là học đại học, điều mà không phải người dân Châu Phi nào cũng dễ dàng làm được. Nhận thấy lợi nhuận của việc kinh doanh quá dễ dàng, bà Karanja thậm chí còn thuyết phục chồng mình cùng tham gia.

Cận cảnh sản xuất và buôn bán lá Khat cho lãi "khủng" ở châu Phi ảnh 1

Lá Khat được nhai trực tiếp để tạo cảm giác hưng phấn

Trong hàng trăm năm qua, việc sử dụng lá Khat - còn được gọi là Miraa ở Kenya hay Chat tại Ethiopia – được duy trì và phát triển. Tại vùng Sừng Châu Phi và Bán đảo Ả Rập, nơi Khat được trồng và buôn bán, loại lá này có chất lượng khác biệt và được xem là “cầu nối” để thúc đẩy sự tương tác giữa những người từ các tôn giáo, sắc tộc và chủng tộc khác nhau. Nhiều người dân châu Phi, đặc biệt là nam giới thường nhai trực tiếp lá Khat tươi hoặc lá đã phơi khô. Ngoài ra, họ còn cuốn lá khô thành thuốc hút, hoặc pha trà hay băm nhỏ và ăn cùng thức ăn. Việc sử dụng loại lá này được thực hiện thậm chí ngay tại nơi công cộng.

Chỉ cần 2 ngày là đến tay người dùng toàn cầu

Paul Goldsmith, một chuyên gia về phát triển và nông học, người từng có nhiều nghiên cứu sâu về lá Khat cho biết, phụ nữ đóng vai trò rất lớn trong việc khiến ngành thương mại bán lẻ mặt hàng này phát triển mạnh mẽ.

Cận cảnh sản xuất và buôn bán lá Khat cho lãi "khủng" ở châu Phi ảnh 2Trẻ em cũng đảm nhiệm nhiều khâu trong quá trình canh tác và kinh doanh lá Khat

Tại thị trấn Maua, phụ nữ đảm nhiệm việc thu hoạch lá Khat từ các trang trại; họ thu mua và bán lá chuối dùng để cuộn lá Khat thành bó nhằm giữ độ ẩm; họ đan và chuẩn bị các bao tải để vận chuyển lá; đồng thời trở thành người môi giới giữa nông dân và thương nhân trong việc xuất khẩu lá Khat đến nhiều thị trường khác nhau trên toàn thế giới.

Tại Somalia, phụ nữ cũng bị buộc phải tham gia vào ngành kinh doanh này bất chấp việc phải đối mặt với việc bị cầm tù hoặc các án phạt từ những tổ chức cực đoan. Họ buộc phải tham gia công việc này để có tiền trang trải cho cuộc sống gia đình và thậm chí là mang lại thu nhập cho nền kinh tế vốn được xem là nghèo đói nhất thế giới này.

Chính phụ nữ là những người đầu tiên nhận thấy tiềm năng của việc kinh doanh cây lá Khat. Kể từ những năm 1990, Khat không còn là một sản phẩm được tiêu thụ rộng rãi ở vùng Sừng Châu Phi mà đã trở thành một mặt hàng được buôn bán phổ biến trên toàn cầu. Trong nhiều thập kỷ, công việc kinh doanh này đã được cải thiện rất nhiều nhờ việc nâng cấp cơ sở hạ tầng và các hệ thống giao thông hiện đại nên việc phân phối lá Khat trở nên nhanh chóng và thuận tiện, thậm chí trong vòng 48 tiếng, lá Khat có thể đến được tay người dùng trên thế giới mà vẫn còn tươi.

"Nghề" mưu sinh nguy hiểm

Khi ngành kinh doanh này phát triển, rất nhiều người Somalia đã chuyển hẳn đến Meru để tham gia canh tác và thu hoạch loại lá này như một cách để mưu sinh và làm giàu. Tuy nhiên khi lượng tiêu thụ lá Khat tăng lên, thì những tác hại của loại lá cây có chất kích thích này cũng nổi lên thành một vấn đề gây tranh cãi, và phụ nữ đã phải chịu đựng những phản ứng dữ dội từ vấn đề này. Các nhà hoạt động chống lá Khat và các nhà lãnh đạo tôn giáo nói rằng loài thực vật này đã hủy hoại nhiều gia đình và số tiền dành để tiêu dùng cho lá Khat có thể được sử dụng cho các nhu cầu cơ bản khác như thực phẩm và giáo dục.

Ardo Omaar, một người buôn bán lá Khat ở Maua từ năm 1996, cho biết một số thành viên trong gia đình khinh miệt sự lựa chọn kinh doanh này của cô.

Theo ước tính, có khoảng 500.000 người Kenya phụ thuộc vào việc trồng và bán lá Khat vì họ chọn nghề này như là kế sinh nhai của mình. Trước năm 2014, thời điểm chính phủ Anh ra lệnh cấm loại lá này, mỗi năm Anh đã chi khoảng 25 triệu USD cho việc nhập khẩu lá Khat. Mỗi ngày có 15 chiếc máy bay chở đầy lá Khat rời khỏi Kenya và Somali, với giá bán lẻ mặt hàng này lên tới 400.000 USD.

Các chuyên gia cũng lên tiếng cảnh báo mạnh mẽ về tác động của lá Khat đối với sức khoẻ và hệ thần kinh trung ương của người sử dụng. Rất nhiều quốc gia đã coi việc tiêu thụ lá là bất hợp pháp và ra luật cấm. Ngay tại châu Phi, "quê hương" của lá Khat, nhiều tổ chức cũng đang vận động để việc canh tác và sản xuất loại ma túy nguy hiểm này bị cấm.