Bùng nổ nạn "mua bố cho con"

ANTD.VN - Tờ DW (Đức) đưa tin, một vấn đề rất đáng lo ngại đang nổi lên ở Đức thời gian qua là hàng nghìn nam giới nhận làm cha trẻ di cư đến Đức để đổi lấy khoản tiền nhất định. Về mặt pháp lý, những người đàn ông có thể bị truy tố trước pháp luật, tuy nhiên, giải quyết vấn đề này không hề đơn giản. 

Các nhà chức trách ở Thủ đô Berlin, Đức thừa nhận rằng, hiện tượng “ông bố giả” đang nở rộ trên khắp đất nước. Ước tính, có khoảng 5.000 trường hợp ông bố giả xảy ra mỗi năm. Theo đó, người đàn ông Đức tuyên bố quan hệ cha - con với một đứa trẻ sơ sinh di cư để nhận lấy khoản tiền mặt nhất định. Đổi lại, đứa trẻ sơ sinh sẽ có được quốc tịch Đức. Nếu con của những người phụ nữ di cư là công dân Đức thì các bà mẹ có thể được cấp giấy phép thường trú tại Đức.

Ông bố “vĩ đại” với 10 đứa con 

Ole Schröder, một quan chức cấp cao của Bộ Nội vụ Đức cho biết, việc “mua bố cho con” để đẩy nhanh tiến trình làm thủ tục cư trú là một hiện tượng đáng báo động đang xảy ra trên toàn nước Đức. Con số 5.000 trường hợp chỉ là số liệu mà các cơ quan chức năng thu thập được, còn thực tế có thể cao hơn nhiều”. 

Theo Đài Phát thanh RBB, chỉ tính riêng trên địa bàn Berlin, có khoảng 700 trường hợp “ông bố giả” đã xảy ra trong khoảng thời gian 2016-2017. Trong nhiều trường hợp, những người đàn ông nhận làm “bố giả” sống bằng tiền phúc lợi nên được hỗ trợ tiền nuôi con. Martin Steltner, người phát ngôn của Văn phòng công tố Berlin nói với RBB rằng, họ đã phát hiện có trường hợp một người nhận làm cha của 10 đứa trẻ. Tuy nhiên, khoản phí nhận làm bố này chưa được tiết lộ.

“Tính riêng tại Thủ đô Berlin, có khoảng 700 trường hợp “ông bố giả” đã xảy ra trong khoảng thời gian 2016-2017. Trong nhiều trường hợp, những người đàn ông nhận làm “bố giả” sống bằng tiền phúc lợi nên được hỗ trợ tiền nuôi con”.

Đài Phát thanh RBB

Trước tình hình trên, Chính phủ Đức đã đưa ra nhiều giải pháp để đối phó với “ngành công nghiệp giả mạo giấy tờ”, giống như nạn kết hôn giả để đẩy nhanh quá trình cấp thị thực từng xảy ra trước đây. Tuy nhiên, giải quyết vấn đề này sẽ gặp nhiều khó khăn vì có thể khiến nhiều trẻ em không quốc tịch.

Phát ngôn viên Martin Steltner cũng chỉ ra một trở ngại nữa là không thể yêu cầu xét nghiệm ADN hoặc can thiệp vào cuộc sống cá nhân của ai đó. “Phải chấp nhận quan hệ hợp pháp trên giấy khai sinh của trẻ em cho dù trên thực tế mối quan hệ đó như thế nào. Rất khó để xác định mối quan hệ cha - con giữa họ”, ông Steltner nói.

Gia tăng sản phụ người nước ngoài 

Một vấn đề nữa mà Đức đang phải đối mặt hiện nay là sự gia tăng trẻ sơ sinh có mẹ là người nước ngoài. Theo số liệu thống kê được công bố thời gian gần đây, cứ 5 trẻ sinh ra ở Đức có 1 trẻ có mẹ mang quốc tịch nước ngoài. Nguyên nhân được xác định là do làn sóng người tị nạn và người di cư đến Đức. 

Đáng chú ý, vào năm 2015, 4.800 phụ nữ Syria sinh con ở Đức, trong khi con số này năm 2014 là 2.300 người (tỷ lệ tăng cao nhất với 208%). Phụ nữ Thổ Nhĩ Kỳ đứng đầu danh sách sinh con ở Đức với 21.555 trường hợp. Tiếp sau đó là phụ nữ có quốc tịch Ba Lan với 10.831 trường hợp.

Điều này cũng khiến cho các bệnh viện gặp khó khăn khi điều trị bệnh nhân là người nước ngoài. “Bệnh viện điều trị cho tất cả bệnh nhân bình đẳng như nhau. Tuy nhiên, chúng tôi gặp nhiều thách thức về hậu cần và tài chính”, Tiến sĩ Wolfgang Henrich, Giám đốc Bệnh viện sản phụ khoa Charite nói với phóng viên DW. 

Tiến sĩ Henrich cho biết thêm, các bệnh viện gặp khó khăn khi chăm sóc bệnh nhân nước ngoài vì rào cản ngôn ngữ. “Chúng tôi cần phải có phiên dịch hỗ trợ khi chăm sóc bệnh nhân trong khi số lượng bệnh nhân ngày càng gia tăng. Bệnh nhân không chỉ đến từ Syria mà còn có người đến từ Iraq, Iran, Afghanistan hay các quốc gia châu Phi khác. Chi phí cho phiên dịch lên tới vài trăm nghìn Euro mỗi năm”, Tiến sĩ Wolfgang Henrich nói tiếp. Đồng tình với ý kiến của Tiến sĩ Wolfgang Henrich, Volker Müller, một bác sĩ tại Kassel nói rằng, dù đã đưa ra nhiều giải pháp nhưng các bệnh viện chưa thể giải bài toán tài chính khi điều trị cho người tị nạn và người nhập cư vào Đức.