Brazil bất ngờ giải tán cảnh sát chống tham nhũng

ANTD.VN - Việc Cảnh sát Liên bang Brazil quyết định đường đột giải tán đơn vị cảnh sát điều tra chống tham nhũng đúng vào thời điểm Tổng thống Michel Temer đang bị Quốc hội xem xét về cáo buộc chống tham nhũng đã làm dấy lên những hoài nghi và phản đối mạnh mẽ tại nước này.

Brazil bất ngờ giải tán cảnh sát chống tham nhũng  ảnh 1Lực lượng cảnh sát đặc biệt “Nhóm Lava Jato” bắt đối tượng VIP dính líu tới tội tham nhũng

Cảnh sát Liên bang Brazil ngày 9-7 đã bất ngờ tuyên bố giải tán đơn vị đặc nhiệm chống tham nhũng của lực lượng này. Đây chính là đơn vị đặc biệt mang tên “Nhóm Lava Jato” từng phanh phui và vẫn đang tiếp tục điều tra nhiều vụ bê bối tham nhũng lớn khiến chính trường quốc gia lớn nhất Nam Mỹ, đồng thời là nền kinh tế đang trỗi dậy này chao đảo. 

Đơn vị cảnh sát trên được thành lập vào năm 2014 tại thành phố Curitiba nằm ở phía Nam Brazil, có quyền hoạt động khá độc lập. Nhiệm vụ ban đầu của đơn vị  chỉ là điều tra đường dây rửa tiền qua hệ thống cửa hàng rửa xe ô tô, chính vì thế họ được gọi là “Nhóm Lava Jato” bởi theo tiếng Bồ Đào Nha “Lava Jato” có nghĩa là “rửa xe ô tô”. Tuy nhiên, từ đầu mối này, “Nhóm Lava Jato” đã dần dần “phăng” ra cả một hệ thống hối lộ và buôn bán liên quan tới mọi cấp độ doanh nghiệp và mọi chính đảng lớn của Brazil. 

Dù mới hoạt động được 3 năm, song “Nhóm Lava Jato” đã đưa ra ánh sáng nhiều doanh nhân tiêu cực và quan tham với việc truy tố tới 280 đối tượng nằm trong các đường dây hối lộ - tham nhũng. Trong số này có những doanh nhân lớn nhất Brazil cùng hàng chục nghị sĩ, bộ trưởng. 

Vụ điều tra dẫn tới kết quả chấn động nhất của “Nhóm Lava Jato” là phanh phui vụ tiêu cực, tham nhũng liên quan tới Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Petrobras, một trong những doanh nghiệp dầu khí lớn nhất thế giới và công ty xây dựng Oderbrecht, lớn nhất Mỹ Latinh. Hai vụ bê bối này đã làm rung chuyển chính trường Brazil và góp phần khiến cựu Tổng thống Dilma Rousseff mất chức. 

Hiện còn hàng trăm nhân vật khác đang bị điều tra, tuy nhiên kết quả điều tra của “Nhóm Lava Jato” đã giúp thu hồi 3 tỷ USD cho ngân sách Nhà nước Brazil và các thành viên của nhóm đặc nhiệm khẳng định con số này sẽ còn tăng lên nữa nếu họ có được đủ thời gian và nguồn lực cần thiết. Chính vì thế, quyết định đột ngột ngày 9-7 của Cảnh sát liên bang Brazil đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của giới công tố và cả công đoàn cảnh sát, nhất là khi cuộc điều tra của đơn vị cảnh sát này còn liên quan tới Tổng thống đương nhiệm Michel Temer.

Bắt nguồn từ kết quả điều tra của “Nhóm Lava Jato”, cơ quan công tố là Viện Kiểm sát Brazil (PGR) đã chuyển lên Tòa án Tối cao kết luận điều tra trong đó khẳng định Tổng thống Michel Temer đã dính líu tới tham nhũng.

Theo đó, lần đầu tiên trong lịch sử nước này, một Tổng thống đương nhiệm bị khởi tố vì tội tham ô khi bị cáo buộc đã được Tập đoàn sản xuất thực phẩm hàng đầu thế giới JBS hối lộ 150.000 USD nhằm dùng số tiền này “bịt miệng” cựu Chủ tịch Hạ viện Eduardo Cunha, buộc ông này không được khai báo các thông tin trong vụ bê bối tham nhũng ở Tập đoàn Dầu khí Quốc gia Petrobras. Ngoài ra, Tổng thống Michel Temer cũng bị cáo buộc cản trở cơ quan thực thi pháp luật và tham gia tổ chức tội phạm.

Cho dù Tổng thống Michel Temer bác bỏ kết luận điều tra của PGR nhưng Ủy ban Hiến pháp và Pháp lý (CCJ) thuộc Hạ viện Brazil đã vào cuộc tiếp nhận, đồng thời đang xem xét kỹ lưỡng các cáo buộc tham nhũng đối với Tổng thống nước này. Ông Michel Temer có đang có nguy cơ trở thành Tổng thống đương nhiệm đầu tiên của quốc gia Nam Mỹ này bị bãi miễn để đưa ra xét xử hình sự trong trường hợp có 2/3 Nghị sĩ tại Hạ viện (342/513 Nghị sĩ) đồng ý.