Bóng đen tấn công khủng bố vẫn lơ lửng trên đầu nước Mỹ

ANTD.VN - Thị trưởng thành phố New York Bill de Blasio xác nhận vụ nổ vừa xảy ra tại trạm xe điện ngầm gần Quảng trường Thời đại là một âm mưu tấn công khủng bố. Kể từ sau vụ tấn công đẫm máu vào ngày 11-9-2001, nước Mỹ đã phải hứng chịu nhiều vụ khủng bố. 

Bóng đen tấn công khủng bố vẫn lơ lửng trên đầu nước Mỹ ảnh 1Vụ xe tải lao vào đám đông ở thành phố New York, khiến 8 người thiệt mạng và 11 người bị thương

Tấn công tại sân bay quốc tế Los Angeles

Ngày 4-7-2002, Hesham Muhammad Hadayet, một người Ai Cập có thẻ xanh cho phép anh ta thường trú tại Mỹ, đã giết chết 2 người và làm bị thương 4 người tại sân bay quốc tế Los Angeles. Trong vụ tấn công này, Hadayet cũng tử vong.

Xả súng tại Little Rock, bang Arkansas

Ngày 1-6-2009, Abdulhakim Mujahid Muhammad, một người Mỹ cải đạo sang Hồi giáo, đã xả súng tại một văn phòng tuyển dụng của quân đội ở Little Rock, bang Arkansas, làm 1 binh sĩ thiệt mạng và 1 người khác bị thương. Muhammad, trước đây từng sống ở Yemen, tuyên bố là một thành viên của mạng lưới khủng bố Al-Qaeda. Hắn cuối cùng đã thú tội để tránh hình phạt tử hình.

Xả súng tại căn cứ quân sự Fort Hood

Ngày 5-11-2009, Thiếu tá quân đội Mỹ, Nidal Hasan đã nổ súng bắn chết 13 binh sĩ và làm bị thương 32 người tại căn cứ Fort Hood, bang Texas. Hasan đã bị thương trong cuộc tấn công. Tại phiên tòa xét xử, ông ta tuyên bố mình đang chiến đấu với nước Mỹ và các nhà điều tra phát hiện ra rằng mặc dù hành động một mình, ông ta đã truy cập các trang web tuyên truyền thánh chiến. Hasan đã bị kết án tử hình và hiện đang bị giam ở Fort Leavenworth, bang Kansas.

Đánh bom giải chạy marathon Boston

Ngày 15-4-2013, vụ tấn công khủng bố tại giải chạy marathon ở thành phố Boston đã được thực hiện bởi 2 anh em, Dzhokhar và Tamerlan Tsarnaev. Quả  bom đã giết chết 3 người và làm bị thương 264 người. 2 đối tượng này sau đó đã sát hại 1 sĩ quan cảnh sát. Ngoài ra, trong cuộc đấu súng giữa chúng và cảnh sát, 16 sĩ quan đã bị thương và 1 người khác sau đó tử vong. Đối tượng Tamerlan bị cảnh sát bắn chết, còn Dzhokhar bị bắt và bị kết án tử hình. Hai người nhập cư gốc Kyrgyzstan này đã bị cực đoan hóa và học cách chế tạo bom từ tạp chí trực tuyến Inspire của Al-Qaeda.

Xả súng tại cơ sở quân sự Mỹ 

Ngày 16-7-2015, Muhammad Youssef Abdulazeez đã lái xe tới trước cửa hai cơ sở quân sự Mỹ ở Chattanooga và nã đạn liên tiếp về phía lực lượng an ninh bằng một khẩu súng trường tự động. Ngay sau khi bắn chết 4 binh sĩ, tay súng cực đoan người gốc Kuwait này đã bị các sĩ quan cảnh sát bao vây và tiêu diệt. Cựu Giám đốc Cục Điều tra liên bang Mỹ (FBI) James Comey nói rằng Abdulazeez  đã bị nhiễm tư tưởng cực đoan từ tổ chức khủng bố nước ngoài.

Xả súng tại Sở Y tế Công cộng San Bernandino

Ngày 15-12-2015, Syed Rizwan Farook và Tasheen Malik đã xả súng tại Sở Y tế Công cộng San Bernandino, làm 14 người chết và 24 người bị thương. Farook sinh ra ở Mỹ còn Malik là một người nhập cư Pakistan. Cả hai đã bị cảnh sát tiêu diệt. FBI mô tả họ là “những kẻ cực đoan nội địa”.

Xả súng tại hộp đêm Pulse

Vụ xả súng tại hộp đêm Pulse ở Orlando, bang Florida vào ngày12-6-2016 đã giết chết 49 người và làm bị thương 58 người. Tay súng người Mỹ Omar Mateen đã cam kết trung thành với tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng. Hắn đã bị cảnh sát bắn chết.

Xả súng đẫm máu ở Las Vegas

Vụ xả súng ở Las Vegas xảy ra đêm 1-10-2017 khi hung thủ Stephen Paddock, 64 tuổi, đứng trên tầng thứ 32 của khách sạn và sòng bạc Mandalay Bay, xả súng nhằm vào khoảng 40.000 người đang tham dự lễ hội âm nhạc ở bên dưới. Với 58 người chết và 527 người bị thương, đây là vụ xả súng đẫm máu nhất trong lịch sử nước Mỹ. Hung thủ Stephen Paddock sau đó đã tự sát. FBI khẳng định không có bằng chứng cho thấy vụ xả súng là hành vi tấn công khủng bố.

Lao xe tải vào đám đông ở New York

Ngày 31-10-2017,  một người đàn ông đã lái chiếc xe tải lao vào đám đông ở thành phố New York, khiến 8 người thiệt mạng và 11 người bị thương. Nghi can Sayfullo Saipov, một người nhập cư 29 tuổi từ Uzbekistan, đã không nhận tội giết người.