Bóc gỡ mạng lưới nội gián do địch cài lại

(ANTĐ) -Sau những tổn thất nặng nề trong Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, CIA và Phủ Đặc ủy Trung ương tình báo Ngụy phối hợp vạch ra và thực hiện “Kế hoạch hậu chiến” về hoạt động tình báo ở Việt Nam. Theo kế hoạch này, chúng sử dụng những cán bộ, bộ đội ta bị bắt hoặc những phần tử đầu hàng, phản bội, dùng mọi thủ đoạn mua chuộc, khống chế đưa trở lại hàng ngũ cách mạng để hoạt động nội gián.

Bóc gỡ mạng lưới nội gián do địch cài lại

(ANTĐ) -Sau những tổn thất nặng nề trong Tổng tiến công và nổi dậy Xuân Mậu Thân 1968, CIA và Phủ Đặc ủy Trung ương tình báo Ngụy phối hợp vạch ra và thực hiện “Kế hoạch hậu chiến” về hoạt động tình báo ở Việt Nam. Theo kế hoạch này, chúng sử dụng những cán bộ, bộ đội ta bị bắt hoặc những phần tử đầu hàng, phản bội, dùng mọi thủ đoạn mua chuộc, khống chế đưa trở lại hàng ngũ cách mạng để hoạt động nội gián.

Dập tắt “Kế hoạch Hải Triều”

Ngay sau ngày giải phóng miền Nam, ngành Công an đã có kế hoạch bóc gỡ mạng lưới nội gián của địch cài vào nội bộ ta hoạt động nhằm bảo vệ trong sạch nội bộ Đảng, cơ quan Nhà nước, lực lượng vũ trang. Ngày 12-7-1975, qua đơn tố giác của người dân kết hợp với việc khai thác tài liệu do chế độ cũ để lại, Công an Bình Định phát hiện vụ nội gián trong “Kế hoạch Hải Triều” của Cảnh sát đặc biệt Ngụy đánh vào Thị ủy Quy Nhơn, do tên Võ Tám cầm đầu.

Theo tài liệu điều tra của cơ quan Công an, Võ Tám sinh năm 1921 tại Hoài Nhơn, Bình Định, từng tham gia du kích thôn và bị địch bắt. Sau khi ra tù, qua giới thiệu của người cháu (gọi Võ Tám bằng cậu ruột) là du kích thoát ly, Võ Tám được cán bộ Công đoàn giải phóng móc nối tuyển chọn làm cơ sở nội tuyến hoạt động tại thị xã Quy Nhơn. Võ Tám bị địch phát hiện và bí mật giám sát, theo dõi tính toán sử dụng vào kế hoạch tình báo của chúng.

Đầu năm 1970, sau khi dự lớp huấn luyện ngắn hạn của ta tổ chức từ chiến khu trở về, Võ Tám bị Cảnh sát Ngụy ở Bình Định bắt bí mật, đe dọa, mua chuộc, khống chế và y đã nhận làm việc cho chúng.

Cảnh sát quốc gia Bình Định thiết lập kế hoạch nội gián mang mật danh “Kế hoạch Hải Triều” đưa Võ Tám trở lại hàng ngũ cách mạng, thâm nhập vào Thị ủy Quy Nhơn để thu thập tin tức và giúp chúng đánh phá cơ sở cách mạng.

Đại sứ Cabốtlốt trước cảnh đổ nát trụ sở chiến tranh tâm lý chiến lược Mỹ tại Sài Gòn
Đại sứ Cabốtlốt trước cảnh đổ nát trụ sở chiến tranh tâm lý chiến lược Mỹ tại Sài Gòn

“Kế hoạch Hải Triều” được thực hiện vào ngày 1-4-1970, Võ Tám được Cảnh sát quốc gia Bình Định cho mang bí số “X6”. Lợi dụng chủ trương của cách mạng phát triển cơ sở nội tuyến, Cảnh sát quốc gia Bình Định đã hướng cho Võ Tám xây dựng cơ sở vào số người do chúng giới thiệu, tạo thành nhóm nội gián hoạt động cho địch.

Chúng đã xây dựng các tên Nguyễn Đức Bé (bí số X11), Trần Mùi (bí số X7), Phạm Minh Nhậm (bí số X9) và 2 người con của Võ Tám là Võ Thị Quán (bí số X8) và Võ Ngọc Chánh (bí số X10). Được cơ quan tình báo Ngụy chỉ đạo chặt chẽ và sự giúp đỡ của CIA, Võ Tám đã gây được tín nhiệm với cách mạng, được kết nạp vào Đảng.

Trong quá trình hoạt động nội gián cho địch đến khi bị lực lượng Công an nhân dân Việt Nam phát hiện, bắt giữ, Võ Tám đã báo cho địch 200 tin tức quan trọng, chỉ điểm cho địch bắt nhiều cán bộ cách mạng hoạt động tại nội thị Quy Nhơn, trong đó có một Tỉnh ủy viên Bình Định, phá vỡ 4 tổ chức cách mạng. Hoạt động bán nước hại dân của Võ Tám được cố vấn CIA Đa-vít Mô-ra-lét đánh giá: “Đây là kế hoạch mạnh nhất vùng 2 chiến thuật”.

Phá tan “Kế hoạch Hải Yến”

Tháng 4-1977, Cơ quan an ninh miền Nam đã phát hiện Nguyễn Tấn Đức (bí số N001) do CIA và Phủ Đặc ủy Trung ương tình báo Ngụy tuyển lựa, hoạt động trong “Kế hoạch Hải Yến”, Ban công tác Nam vụ.

Đi sâu điều tra nghiên cứu về Đức, lực lượng an ninh đã dựng lại quá trình hoạt động của y. Nguyễn Tấn Đức sinh năm 1925 tại Ba Tri, Bến Tre. Đức tham gia cách mạng năm 1945, được kết nạp Đảng năm 1948, tập kết ra Bắc năm 1954, làm việc tại Bệnh viện Bạch Mai (Hà Nội).

Căn cứ của chính quyền cũ ở Chợ Lớn bị Quân giải phóng tiêu diệt
Căn cứ của chính quyền cũ ở Chợ Lớn bị Quân giải phóng tiêu diệt

Sau khi tốt nghiệp Đại học Y khoa (năm 1966), Đức được cử vào B2 công tác, là ủy viên Ban dân y Phân khu II, khu Sài Gòn - Gia Định, sau đó làm Trưởng ban quân y Tân Bình. Năm 1969, Đức được đề bạt làm Viện trưởng Bệnh viện A10, Hiệu trưởng trường Y sỹ Phân khu II. Tháng 2-1970, trên đường đưa đoàn cán bộ và thương binh về địa điểm mới gần biên giới Việt Nam - Campuchia, thì bị địch phục kích và Đức ra lệnh cho anh em không được chống cự.

Sau đó, Đức và cả đoàn bị địch bắt. Đức tỏ ra hoang mang dao động, mất tinh thần, khai báo với địch để bảo toàn tính mạng. Sau khi thử thách, địch đưa Đức về Sài Gòn sử dụng làm nội gián mang bí số N001. Chúng đưa Đức về nằm vùng tại huyện Tân Bình để chờ cơ hội chui vào nội bộ ta.

Tháng 4-1973, Đức móc nối và trực tiếp gặp lãnh đạo Huyện ủy Tân Bình và được giao nhiệm vụ hoạt động công tác y tế ở huyện, bằng các hoạt động như mở rộng y tế trong nhân dân lao động; đào tạo các lớp y tế, hộ sinh do các cơ sở xã gửi đến để phục vụ sau này. Sau khi hoàn thành một số nhiệm vụ do địch giao, Đức được quan thầy của hắn đánh giá: “Kế hoạch đang tiến triển tốt. Tình báo viên đã có cơ hội chui vào nội bộ cách mạng”.

Khi bộ đội ta vào giải phóng Sài Gòn, Đức được Huyện ủy Tân Bình sử dụng vào công tác y tế phục vụ Chiến dịch Hồ Chí Minh. Sau giải phóng, hắn làm cán bộ Phòng Y tế huyện Tân Bình. Nhưng, trước con mắt cảnh giác của nhân dân và sự nhạy bén của lực lượng An ninh miền Nam, tên nội gián Nguyễn Tấn Đức mang bí số N001, nhân vật chính trong “Kế hoạch Hải Yến” do địch cài lại để hoạt động chống phá cách mạng đã sa lưới.

Đại tá Tăng Văn Sỹ

(Nguyên Trưởng ban 3, Viện Nghiên cứu lịch sử, Bộ Công an lược ghi)