Bịt lỗ hổng trừng phạt, tăng áp lực với Triều Tiên

ANTD.VN - Trong khi cơ quan chuyên trách về trừng phạt Triều Tiên của Liên hợp quốc áp dụng các biện pháp biện pháp chế tài nhằm răn đe để bịt những lỗ hổng trừng phạt thì Washington tuyên bố “sẵn sàng cho tình huống xấu nhất” đối với quốc gia Đông Bắc Á này.

Tổng thống Mỹ Donald Trump và Bộ trưởng Quốc phòng James Mattis cùng tuyên bố dùng giải pháp quân sự đối với vấn đề hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên

Điều phối viên của Ủy ban Về trừng phạt Triều Tiên thuộc Hội đồng bảo an Liên hợp quốc Hugh Griffiths ngày 9-10 cho biết, Liên hợp quốc đã áp đặt lệnh cấm cập cảng trên phạm vi toàn cầu đối với 4 tàu bị phát hiện vi phạm các biện pháp trừng phạt của Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc đối với Triều Tiên. Theo ông Hugh Griffiths, lệnh cấm được đưa ra sau khi 4 tàu này bị phát hiện “chở các hàng hóa bị cấm”.   

Người đứng đầu Ủy ban Về trừng phạt Triều Tiên của Liên hợp quốc không nêu rõ, nhưng nguồn tin giấu tên cho biết 4 tàu bị trừng phạt đã bị phát hiện chở than đá, hải sản và quặng sắt - những mặt hàng bị Liên hợp quốc cấm đưa vào Triều Tiên tới quốc gia này.

Cũng theo nguồn tin này, các tàu bị trừng phạt mang tên  Petrel 8, Hao Fan 6, Tong San 2 và Jie Shun, trong đó 3 tàu đầu tiên lần lượt mang cờ của Comoros, Saint Kitts and Nevis (một quốc gia thuộc vùng Caribe) và Triều Tiên, trong khi tàu Jie Shun không có tên trong danh sách hàng hải quốc tế và không rõ thuộc quốc gia nào. 

Theo ông Hugh Griffiths, việc Ủy ban Về trừng phạt Triều Tiên ban hành lệnh cấm với 4 tàu chở hàng là động thái chưa từng thấy của Liên hợp quốc trong việc thực hiện lệnh trừng phạt đối với Triều Tiên. Điều này cho thấy tổ chức về hòa bình và an ninh lớn nhất hành tinh này muốn phát đi thông điệp mạnh mẽ mang tình răn đe với những ai cố tình vi phạm lệnh trừng phạt của Hội đồng bảo an Liên hợp quốc trong vấn đề Triều Tiên.

Liên hợp quốc tỏ ra cứng rắn trong việc siết chặt lệnh cấm vận với Triều Tiên trong bối cảnh Hội đồng bảo an từ năm 2006 tới nay đã thông qua 8 lệnh cấm vận nhằm buộc Bình Nhưỡng phải ngừng chương trình hạt nhân và tên lửa gây tranh cãi song cho tới nay vẫn vô hiệu. Trong đó, mới đây nhất, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc vào trung tuần tháng 9 vừa qua đã thông qua một lệnh trừng phạt được xem là mạnh mẽ nhất từ trước tới nay nhằm đáp trả vụ thử hạt nhân thứ sáu của Triều Tiên ngày 3-9 vừa qua.  

Tuy nhiên, dù là lệnh trừng phạt của Hội đồng bảo an - của cơ quan quyền lực nhất của Liên hợp quốc, nhưng nó vẫn có những “lỗ hổng” lớn để cả Triều Tiên và các đối tác của quốc gia này lợi dụng lách qua. Không bịt được các “lỗ hổng” mà cả những con tàu vạn tấn cũng có thể “chui” qua một cách dễ dàng này, lệnh trừng phạt của Liên hợp quốc với Triều Tiên có cứng rắn tới đâu cũng khó phát huy công dụng như mong muốn. 

Trong khi Liên hợp quốc mạnh tay nhằm thực thi nghiêm lệnh trừng phạt Triều Tiên, Mỹ tiếp tục gia tăng áp lực lên Bình Nhưỡng khi Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis ngày 9-10 đã yêu cầu các lực lượng Mỹ sẵn sàng cho mọi tình huống xấu nhất, trong đó bao gồm nguy cơ xảy ra một cuộc xung đột quân sự với Triều Tiên. Đây được xem là một cảnh báo của Washington với Bình Nhưỡng về việc Mỹ không loại trừ sử dụng giải pháp quân sự nhằm ngăn chặn chương trình hạt nhân và tên lửa của Triều Tiên.

Người đứng đầu Lầu Năm góc đưa ra lời đe dọa sử dụng vũ lực với Triều Tiên sau khi Tổng thống Donald Trump, đồng thời là Tổng tư lệnh lực lượng vũ trang Mỹ, trước đó một ngày (8-10) đã dùng “kênh” thông tin ưa thích - mạng xã hội Twitter để tuyên bố “chỉ có duy nhất một giải pháp” mới giải quyết được vấn đề Triều Tiên sau nhiều năm đàm phán bất thành. Ông chủ Nhà Trắng không tuyên bố thẳng ra song ai cũng hiểu “giải pháp duy nhất” đó chính là giải pháp quân sự, nhất là khi trước đó ông từng cảnh báo Mỹ sẽ “hủy diệt hoàn toàn Triều Tiên nếu cần thiết để bảo vệ lợi ích quốc gia và các đồng minh trong khu vực”.