Biểu tình tại Dải Gaza, hàng nghìn người bị thương khiến Liên Hợp Quốc họp khẩn

ANTD.VN -Ngày 30/3, biểu tình dẫn đến xung đột làm ít nhất 16 người thiệt mạng và khoảng 1400 người bị thương giữa người Palestine và Israel tại khu vực phía đông Dải Gaza.

Hàng nghìn người Palestine, trong đó có cả phụ nữ và trẻ em, đã tới 6 khu vực khác nhau ở phía Đông Dải Gaza, giáp biên giới với Israel để tham gia cuộc tuần hành hòa bình nhằm mục đích gửi thông điệp đến thế giới rằng người Palestine có các quyền hợp pháp, trong đó có quyền hồi hương. 

Xung đột leo thang tại Dải Gaza làm 16 người thiệt mạng và 1400 người bị thương

Ngày đầu tiên của cuộc biểu tình đánh dấu "Ngày Đất đai" của người Palestine, khi chính quyền Israel tuyên bố tịch thu đất ở Galilee và Negev vào năm 1976, dẫn tới các cuộc biểu tình quy mô lớn của người Palestine tại Israel. 

Trả lời báo giới, ông Ashraf al-Qedra, người phát ngôn của cơ quan y tế tại Gaza, cho biết những người thiệt mạng đều là người Palestine. 

Xung đột nổ ra khi các binh sĩ Israel tại khu vực biên giới bắn hơi cay để ngăn cản đám đông biểu tình người Palestine tiến gần hàng rào biên giới. Nhiều người biểu tình sau đó đã ném đá vào các binh lính. 

Trước đó, quân đội Israel đã ban bố tình trạng báo động và tăng cường lực lượng gần hàng rào biên giới với Dải Gaza nhằm ứng phó với nguy cơ an ninh, đặc biệt là việc người biểu tình phá hàng rào an ninh. 

Những người thiệt mạng đều là người Palestin 

Tham mưu trưởng quân đội Israel Gadi Eisenkot tuyên bố sẽ không nhân nhượng nếu hàng rào an ninh bị phá, đồng thời nêu rõ trong trường hợp tính mạng bị đe dọa, lực lượng này được phép nổ súng. 

Ngay sau diễn biến căng thẳng tại Dải Gaza, theo đề nghị của Kuwait, Hội đồng Bảo an Liên hợp quốc (HĐBA LHQ) đã tiến hành phiên họp khẩn nhằm thảo luận các diễn biến mới nhất và tìm kiếm giải pháp cho tình hình xung đột hết sức căng thẳng này.

Đại sứ Kuwait tại LHQ Mansour Al-Otaibi cho biết, Kuwait đã đề nghị HĐBA LHQ lên án và ngăn chặn Israel tiến hành bạo lực nhằm vào người Palestine.   

Phó Tổng Thư ký Liên hợp quốc (TTK LHQ) phụ trách các vấn đề chính trị Taye-Brook Zerihoun cho rằng, tình hình tại Dải Gaza có thể xấu đi trong những ngày tới, đồng thời kêu gọi các bên kiềm chế tối đa. Theo ông, Israel phải duy trì trách nhiệm theo luật nhân đạo và nhân quyền quốc tế, theo đó, "chỉ được phép sử dụng vũ lực như một giải pháp cuối cùng và việc để xảy ra bất kỳ thương vong nào phải được nhà chức trách điều tra hợp lý". 

Cuộc họp diễn ra vào đúng thời điểm Israel đang trong kỳ nghỉ lễ, điều này đồng nghĩa các quan chức Israel không tham dự. 

Nhà ngoại giao Mỹ Walter Miller nhấn mạnh tầm quan trọng của việc HĐBA LHQ cân bằng trong cách tiếp cận, đồng thời cho biết Washington kêu gọi các bên liên quan tiến hành các bước đi làm giảm căng thẳng và giảm nguy cơ xảy ra các cuộc xung đột mới. Đại diện Pháp tại LHQ cũng nhấn mạnh nguy cơ nảy sinh một cuộc xung đột mới ở Dải Gaza. 

Trong một tuyên bố bằng văn bản trước cuộc họp, Đại sứ Israel tại LHQ Danny Danon  cáo buộc phong trào Hồi giáo vũ trang Hamas, đang kiểm soát Dải Gaza, phá hoại ổn định khu vực. 

Trong khi đó, quan sát viên thường trực của Palestine tại LHQ Riyad Mansour cũng đã đề nghị HĐBA LHQ ngăn chặn Israel tiến hành bạo lực nhằm vào người dân Palestine. Phát biểu với báo giới trong khi HĐBA LHQ họp khẩn, ông Mansour đề nghị HĐBA LHQ cân nhắc việc bảo vệ quốc tế đối với dân thường ở Dải Gaza. 

Phiên họp khẩn của Hội đồng bảo an Liên Hợp Quốc theo đề nghị của Kuwait

Cùng ngày, TTK LHQ Antonio Guterres kêu gọi tiến hành một cuộc điều tra độc lập và minh bạch về thương vong tại Dải Gaza. Theo người phát ngôn LHQ Farhan Haq, TTK LHQ tái khẳng định LHQ sẵn sàng tiến hành các nỗ lực hòa bình, đồng thời đề nghị các bên liên quan kiềm chế bất kỳ hành động nào có thể dẫn tới leo thang căng thẳng, đặc biệt là các biện pháp có thể đẩy dân thường vào nguy hiểm. 

Trong một phát biểu đăng trên trang mạng Twitter, người phát ngôn Bộ Ngoại giao Mỹ Heather Nauert hối thúc các bên liên quan tiến hành các bước đi giảm căng thẳng, cộng đồng quốc tế tập trung vào các biện pháp cải thiện cuộc sống của người dân Palestine và nỗ lực đưa ra kế hoạch hòa bình. 

Cuộc tuần hành ngày 30/3 mở màn đợt biểu tình kéo dài 6 tuần cho đến khi văn phòng mới của Đại sứ quán Mỹ tại Jerusalem khai trương dự kiến vào ngày 14/5 tới. Việc Tổng thống Mỹ Donald Trump công nhận Jerusalem là thủ đô của Israel vào tháng 12/2017 đã vấp phải sự phản đối mạnh mẽ của người Palestine vốn luôn coi Đông Jerusalem là thủ đô của nhà nước Palestine tương lai.