Bế mạc Đối thoại Shangri-La 16: Áp dụng nhiều biện pháp ngăn chặn mối đe dọa khủng bố ở Đông Nam Á

ANTD.VN -Sau 3 ngày nhóm họp, Đối thoại Shangri-La lần thứ 16 được tổ chức ở Singapore đã khép lại với nhiều tuyên bố, cam kết được đưa ra mà bao trùm đó là việc duy trì hòa bình, an ninh của khu vực phải dựa trên việc tuân thủ các cam kết, luật lệ quốc tế. 

Bộ trưởng Quốc phòng Mỹ James Mattis và quan chức quốc phòng các nước Đông Nam Á cùng cam kết đẩy lui mối đe dọa khủng bố

Đây là lần đầu tiên diễn đàn an ninh quan trọng nhất khu vực thu hút trên 500 đại biểu đến từ hơn 40 nước tham dự. Điểm nổi bật lần này tại diễn đàn là các vấn đề được nêu lên không né tránh, trong đó thách thức an ninh được đề cập nổi lên bao gồm Biển Đông, an ninh biển, vấn đề hạt nhân của Triều Tiên hay chống khủng bố và an ninh mạng. 

Trong bối cảnh thách thức an ninh đang nổi lên, các quan chức quốc phòng Đông Nam Á đã cảnh báo về đe dọa khủng bố. Hãng tin Bloomberg dẫn lời Bộ trưởng Quốc phòng Singapore Ng Eng Hen ngày 4-6 cho biết, chủ nghĩa khủng bố là “mối lo ngại an ninh lớn nhất” của khu vực và khả năng các tay súng của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Syria và Iraq hồi hương đang tăng lên khi chúng mất đi các vùng lãnh thổ kiểm soát tại Trung Đông.

Theo Bộ trưởng Quốc phòng Singapore, “sự tàn bạo của các vụ tấn công ở Anh hôm 3-6 và ở các nước châu Âu, dù do các cá nhân đơn lẻ hay một nhóm nhỏ gây ra, đều nhắc nhở đến sự tổn hại mà các công dân của chúng ta có thể bị hứng chịu nếu các vụ tấn công liên quan IS hoặc lấy cảm hứng từ IS xảy ra tại đây”. Ông Ng Eng Hen nhấn mạnh, ít nhất 31 nhóm trong khu vực cam kết liên minh với IS và đã có bằng chứng cho thấy sự hợp tác xuyên quốc gia ngày càng gia tăng giữa chúng.

Mối lo ngại về khủng bố tại khu vực Đông Nam Á cũng được các quan chức quốc phòng Indonesia, Malaysia, Philipines và Trung Quốc nêu ra. Thứ trưởng Quốc phòng Philippines Ricardo David ước tính hiện tại Philippines có 250-400 tay súng Hồi giáo cực đoan đi theo IS. Trong khi đó, Bộ trưởng Quốc phòng Indonesia Minister Ryamizard Ryacudu cho rằng, “đe dọa khủng bố tại khu vực này đã tiến triển thành một mức độ khẩn cấp chưa từng thấy. Khu vực hoạt động của khủng bố đã mở rộng ra toàn cầu”. Bộ trưởng Ryacudu gọi các phiến quân IS là những cỗ máy giết người, đồng thời cho biết trong số 1.200 tay súng IS có mặt tại Philippines, có khoảng 40 phần tử đến từ Indonesia. 

Ông Ryamizard Ryacudu kêu gọi các nước trong khu vực cùng bắt tay tìm ra các biện pháp toàn diện nhằm đối phó với nguy cơ từ IS. Trong khi đó, ông Chu Khải Siêu, một đại diện của Trung Quốc tham dự Đối thoại Shangri-la năm nay, cho biết Trung Quốc sẵn sàng “hợp tác chặt chẽ với các quốc gia khác trong khu vực” và chấp nhận các công nghệ mới trong hoạt động chống khủng bố.

Theo hãng tin Reuters, các nước Đông Nam Á dự định sử dụng máy bay do thám và thiết bị không người lái để ngăn chặn các phiến quân cực đoan tràn vào biên giới nước họ, khi nỗi lo về sự lớn mạnh của IS trong khu vực đang gia tăng. Indonesia, Malaysia và Philippines cho biết sẽ khởi động tuần tra chung trên không trong tháng này tại các ranh giới chung ở Biển Sulu. Được biết, 3 quốc gia này, với sự trợ giúp của Singapore, từ năm ngoái đã mở các cuộc tuần tra chung ở Biển Sulu, sau một loạt vụ bắt cóc do nhóm phiến quân Abu Sayyaf gây ra.

Trong nhiều biện pháp nhằm ngăn chặn mối đe dọa khủng bố ở Đông Nam Á, các quan chức Singapore và Malaysia cũng cho biết, việc theo dõi và chia sẻ thông tin tình báo về những đối tượng khả nghi cụ thể cần được tăng cường, đặc biệt sau cuộc chiến chống khủng bố đang diễn ra ở Marawi của Philippines. Cũng theo hãng tin Reuters, Hiệp hội các quốc gia Đông Nam Á (ASEAN) cùng với Hoa Kỳ đã có một cam kết chung bên lề hội nghị Shangri-la để trợ giúp Philippines vượt qua sự hỗn loạn do phiến quân cực đoan gây ra ở Marawi.