Bạn bỏ lỡ điều gì trong màn "khẩu chiến" cuối cùng giữa Trump- Clinton?

ANTD.VN - Cuộc tranh luận trực tiếp lần cuối cùng trước khi diễn ra vòng tổng tuyển cử bầu Tổng thống Mỹ đã kết thúc vào sáng nay theo giờ Việt Nam (20-10). Kết quả thăm dò cử tri theo dõi cuộc tranh luận của CNN/ORC cho thấy, ứng viên đảng Dân chủ Hillary Clinton đã thắng áp đảo đối thủ Donald Trump của đảng Cộng hòa với tỷ lệ ủng hộ là 52%-39%.

Ông Donald Trump và bà Hillary Clinton đã có cuộc tranh luận rất kịch tính

Tờ New York Times của Mỹ bình luận rằng, gần đạt đỉnh điểm của “trận đấu khẩu” lần này là khi bà Hillary Clinton nhấn mạnh tỷ phú Donald Trump là một ứng viên nguy hiểm, gọi ông là “con rối” của Nga và kêu gọi các cử tri không nên ủy thác cho ông quyền xử lý vấn đề vũ khí hạt nhân. Về phía ứng viên “bạo miệng” của đảng Cộng hòa, ông cáo buộc Cục điều tra liên bang Mỹ (FBI) và truyền thông có âm mưu ủng hộ bà Clinton; đồng thời gạt bỏ lời nhắc nhở từ người điều hành cuộc tranh luận Chris Wallace rằng chuyển giao quyền lực hòa bình là “một trong những điều đáng tự hào của đất nước này”.

Tờ New York Times đã điểm lại một số đoạn tranh luận nổi bật giữa 2 ứng viên Tổng thống Mỹ:

Khi được hỏi có chấp nhận kết quả bầu cử không, ông Trump đã từ chối trả lời. “Tôi sẽ xem xét vào thời điểm đó” – ông Trump lấp lửng nói. Tỷ phú này còn cáo buộc về một vụ gian lận bầu cử quy mô lớn và âm mưu truyền thông có thể gây ảnh hưởng tới kết quả bầu cử.

Bà Clinton cho rằng, những lời nói của ông Trump là “kinh hoàng”; nhấn mạnh, ông có một lịch sử dài về những tuyên bố như vậy; và nhắc lại việc ông Trump từng phàn nàn khi không nhận được giải thưởng Emmy cho chương trình truyền hình của ông.

Người điều hành tranh luận dẫn lại một số ước tính cho rằng chính sách của cả 2 ứng viên có thể làm tăng nợ công cho Mỹ. Ông Trump lập tức bác bỏ những phân tích này, nói rằng ông có thể “tạo ra nhiều việc làm” và xây dựng một “bộ máy kinh tế” hiệu quả. Trong khi bà Clinton khẳng định “không thêm một xu nào vào khối nợ công”.

Đối với vấn đề kiểm soát súng đạn, bà Hillary Clinton nói về sự ủng hộ của mình với một số biện pháp kiểm soát súng. Theo bà, Hiệp hội Súng trường quốc gia Mỹ đang chi “hàng triệu đô la cho quảng bá để chống lại tôi”.

Về phần ông Donald Trump, khi được hỏi có phản đối quy định nào về kiểm soát súng đạn, ông Trump nhắc tới Chicago – thành phố có luật kiểm soát nghiêm ngặt nhất nước Mỹ nhưng cũng nằm trong số địa điểm có tỷ lệ bạo lực do súng đạn cao nhất. Tỷ phú này nói thêm, ông tự hào vì Hiệp hội Súng trường quốc gia Mỹ ủng hộ mình.

Đề cập tới quyền phá thai, bà Clinton tập trung vào lời nhận xét trước đây của ông Trump rằng nếu phá thai ngoài vòng pháp luật thì cần có “một số hình thức trừng phạt” đối với những phụ nữ liên quan. Bà nói về sự ủng hộ của mình đối với các ca phá thai muộn trong trường hợp nhất định (liên quan tới sức khỏe bà mẹ).

Xoáy vào điểm này, ông Trump phản bác rằng điều đó thật “khủng khiếp” và suy diễn, theo lời bà Hillary thì đến tháng thứ 9 của thai kỳ, người ta vẫn có quyền tước đi mạng sống của thai nhi. Bà Clinton đáp lại, giữ hay phá thai là một trong những lựa chọn khó khăn nhất mà bất kỳ phụ nữ nào cũng như gia đình họ phải đưa ra. Bà không cho rằng chính phủ nên can thiệp vào lựa chọn ấy.

Khi trả lời câu hỏi về người nhập cư, tỷ phú Mỹ nhắc lại ông ủng hộ việc xây bức tường ở biên giới Mỹ với Mexico và ông dùng từ “kẻ xấu” với những người nhập cư. Trong khi đó, bà Clinton nhấn mạnh, kế hoạch về chính sách nhập cư của bà “đương nhiên bao gồm an ninh biên giới” và bà không muốn nhìn thấy những người bị trục xuất như cách mà ông Donald Trump ám chỉ.

Về vấn đề rò rỉ tài liệu mật, bà Clinton cho rằng, điều cần lưu ý hơn từ sự cố rò rỉ tài liệu mật chính là việc bóng ma của chính phủ Nga đang tham gia vào hành động “gián điệp này để chống lại nước Mỹ” và cho rằng Nga rất quan tâm tới cuộc bầu cử Tổng thống ở Mỹ. Bà Clinton nói, Nga muốn ông Trump trúng cử vì thích “một con rối làm Tổng thống Mỹ".

Nhưng lập tức, ông Trump đáp lại: “Bà mới là một con rối” và khen ngợi Tổng thống Nga Vladimir Putin “vượt trội” bà Clinton về nhiều mặt.

Đối với vấn đề kinh tế, bà Clinton cho rằng, khi tầng lớp trung lưu thành công thì nước Mỹ cũng thành công, và do đó kế hoạch của bà sẽ đặt trọng tâm vào việc tạo nhiều cơ hội hơn cho tầng lớp trung lưu. 

Công ăn việc làm mới và năng lượng sạch không chỉ đóng góp cho tiến trình chống lại biến đổi khí hậu, mà còn tạo ra nhiều cơ hội và doanh nghiệp mới. Bà muốn tạo điều kiện tốt hơn cho các doanh nghiệp nhỏ, đây là nơi mà 2/3 số công ăn việc làm mới sẽ được tạo ra.

Nói về vấn đề giáo dục, bà cho rằng cần phải có một hệ thống giáo dục tốt từ mẫu giáo cho đến đại học. Bà muốn giới trẻ không phải chịu cảnh nợ nần khi ra trường, và miễn phí đại học cho con em các gia đình có tổng thu nhập dưới 125.000 USD/năm. 

Trong khi đó, ông Trump cáo buộc rằng kế hoạch của bà Clinton là tăng thuế, và chính sách thuế của bà sẽ là một thảm họa. Ông Trump cho biết, kế hoạch của ông là thương thuyết lại các hiệp định thương mại, cắt giảm thuế doanh nghiệp, làm cho cỗ máy kinh tế Mỹ vận hành trơn tru trở lại.

Tranh luận về tình hình ở Trung Đông, tỷ phú Trump cáo buộc bà Clinton đã tham gia vào việc gây bất ổn ở khu vực này, viện dẫn việc bà bỏ phiếu cho cuộc chiến ở Iraq và một số quyết định khác. Đáp trả, bà Clinton nhắc cử tri nhớ rằng ông Trump đã bày tỏ ủng hộ cho cuộc chiến, hãy tìm trên Google cụm từ “Donald Trump Iraq”. Trong khi đó, ông Trump liên tục ngắt lời bà và cho rằng đây là lời nói sai. 

Về Quỹ Clinton,  ông Trump cáo buộc bà Hillary Clinton có việc làm sai trái tại quỹ này và yêu cầu bà lấy lại các khoản đóng góp từ những quốc gia có hồ sơ về vi phạm nhân quyền.

Phản ứng lại, bà Clinton bày tỏ “cảm thấy vui khi so sánh với Quỹ Trump”, vì Quỹ Trump chi tiền cho một bức chân dung lớn của ông Trump. Khi ông Trump nói rằng tiền của quỹ này đã được gửi đến các trung tâm từ thiện, bà Clinton nhấn mạnh tuyên bố của ông Trump là không thể xác minh bởi ông không công bố tờ khai thuế.