Bác sĩ Nhà Trắng dập tin đồn về sức khỏe Tổng thống Donald Trump

ANTD.VN - Một trong những thông tin được dư luận hết sức quan tâm trong tuần vừa qua là kết quả kiểm tra sức khỏe của Tổng thống Mỹ Donald Trump. 

Bác sĩ Nhà Trắng Ronny Jackson bắt tay tạm biệt Tổng thống Donald Trump sau buổi kiểm tra sức khỏe ngày 12-1

Bác sĩ Nhà Trắng Ronny Jackson ngày 16-1 đã khẳng định, kết quả đợt khám sức khỏe đầu tiên trong nhiệm kỳ của ông Donald Trump cho thấy, sức khỏe của ông tốt và hoàn toàn có khả năng đảm nhiệm tốt vai trò của người đứng đầu Chính phủ. 

Phát biểu với báo giới tại Nhà Trắng, bác sĩ Ronny cho biết, ông Donald Trump cao 1,9m, nặng 108kg, chỉ số  cholesterol toàn phần là 223, nhịp tim là 68 lần/phút. Sở dĩ ông Donald Trump có được sức khỏe tốt là nhờ thói quen không uống rượu, không hút thuốc lá, mặc dù ông “ngủ không nhiều lắm”, chỉ khoảng 4-5 tiếng mỗi đêm. Vấn đề duy nhất của ông Donald Trump là thừa cân, do vậy bác sĩ khuyến cáo ông nên có chế độ ăn ít chất béo hơn và chăm tập thể dục hơn nữa. “Tôi từng nói với Tổng thống là nếu ông ấy có chế độ ăn lành mạnh hơn trong 20 năm qua, ông ấy có thể sống thọ tới 200 tuổi”, bác sĩ Nhà Trắng nhấn mạnh.  

Thực tế, Tổng thống Donald Trump có thói quen ăn uống không được lành mạnh cho lắm khi ông không bao giờ ăn trái cây và thích những món giàu calorie như thịt bò bít-tết chín kỹ với xốt cà chua, hamburger, kem vani và bánh kem chocolate, chưa kể ông đặc biệt yêu thích đồ ăn nhanh. Về thói quen vận động, chủ yếu ông chơi golf.

Theo Hiệp hội Tim mạch Mỹ, tập thể dục hiệu quả là phải làm tăng nhịp tim và thở mạnh, nhưng việc đánh golf không đem lại nhiều lợi ích về tim mạch vì người chơi không cần quá nhiều nỗ lực. Trong khi đó, những người tiền nhiệm của ông Donald Trump tập thể dục tích cực hơn, như ông Obama chơi bóng rổ, đẩy tạ, tập trên máy chạy bộ và golf; ông George W. Bush đạp xe đạp leo núi; ông Bill Clinton chạy bộ và đánh golf. 

Kết quả khám sức khỏe của ông Donald Trump được công bố giữa lúc có nhiều đồn đoán lo ngại về sức khỏe của ông. Thậm chí nhiều người lo ngại về vấn đề sức khỏe thần kinh của ông chủ Nhà Trắng khi ông nói năng không mạch lạc, phát ngôn mập mờ, gặp khó khăn trong việc đọc, nghe và hiểu cũng như giải quyết vấn đề. Người ta còn “nâng quan điểm” với tính khí thất thường, phát ngôn bốc đồng của ông Donald Trump. 

 Giải đáp khúc mắc này, bác sĩ Ronny Jackson cho biết, Tổng thống đã đạt được 30/30 điểm theo bài thẩm định nhận thức Montreal - một tiêu chuẩn kiểm tra năng lực nhận thức dành cho việc phát hiện các trục trặc nhận thức và bệnh Alzheimer. Được biết, bài kiểm tra đánh giá sức khỏe tâm thần được thực hiện theo yêu cầu của chính ông Donald Trump, bởi Tổng thống muốn dẹp yên dư luận không tốt về sức khỏe của ông.

Có thể nói, cuộc họp báo kéo dài gần một giờ đồng hồ của bác sĩ Ronny Jackson đã giải tỏa tâm lý cho Tổng thống Donald Trump, công khai chỉ số sức khỏe cho dư luận được biết. Những lúc như thế này, người ta lại thấy vai trò không thể thiếu trong Nhà Trắng: Bác sĩ của Tổng thống. 

Trở lại lịch sử Nhà Trắng, năm 1919, Tổng thống Mỹ Woodrow Wilson bị một cơn đột quỵ nặng khiến ông bị liệt một phần, mắt mờ và tình trạng rất nghiêm trọng buộc vợ ông và bác sĩ không để ông xuất hiện trước công chúng. 4 năm sau, người kế nhiệm ông Wilson, Warren G. Harding đột tử ở văn phòng làm việc, nguyên nhân sau đó được xác định là suy tim sung huyết.

Trước những sự cố bất ngờ và không mong muốn này, năm 1928, Quốc hội Mỹ đã phê chuẩn một vị trí mới trong Nhà Trắng: Bác sĩ cá nhân của Tổng thống - là người điều trị cho Tổng thống nếu ông bị bệnh. Lương của vị trí này không quá 200.000 USD/năm, một khoản tiền hợp lý để duy trì sức khỏe của người đứng đầu nước Mỹ.