Bắc Kinh trở lại bình thường sau kỳ nghỉ Tết kéo dài chống dịch virus Corona

ANTD.VN - Ngày 10-2, Chủ tịch Trung Quốc  Tập Cận Bình đi thị sát công tác chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona  ở Thủ đô Bắc Kinh. Sau kỳ nghỉ Tết Nguyên đán kéo dài do dịch virus Corona, hoạt động tại Thủ đô Bắc Kinh đã dần trở lại bình thường.

Chủ tịch Trung Quốc Tập Cận Bình thăm khu phố Anhuali ở Bắc Kinh ngày 10-2

Chuyên gia WHO tới Trung Quốc hỗ trợ ứng phó dịch bệnh

Đài Truyền hình Trung ương Trung Quốc CCTV ngày 10-2 đã phát hình ảnh Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Tập Cận Bình đi thị sát công tác chống dịch viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona  ở Thủ đô Bắc Kinh. Hình ảnh phát đi cho thấy ông Tập Cận Bình, đeo khẩu trang, đi thăm một trung tâm y tế đặc biệt ở quận Triều Dương. Hiện hoạt động tại Thủ đô Bắc Kinh đã dần trở lại bình thường sau khi Chính phủ nước này kéo dài kỳ nghỉ Tết Nguyên đán để chống dịch. Theo truyền thông Trung Quốc, số lượng hành  khách đi tàu điện ngầm tại Bắc Kinh giảm 50% so với thông thường. Tại các nhà ga, những hành khách đi tàu mà không đeo khẩu trang sẽ được khuyến cáo rời khỏi để tránh nguy cơ lây lan dịch bệnh. 

Trong khi đó, chính quyền tỉnh Hồ Bắc ngày 9-2 đã lần đầu tiên công bố tỷ lệ tử vong do virus Corona. Điều bất ngờ là thành phố Vũ Hán - tâm điểm của dịch viêm đường hô hấp do virus Corona gây ra  không phải là nơi có tỷ lệ tử vong cao nhất, mà xếp thứ 2 với 4,06%. Nơi có tỷ lệ tử vong cao nhất là thành phố Thiên Môn với tỷ lệ 5,06%. Tính đến ngày 9-2, với 871 người thiệt mạng, tỷ lệ tử vong của tỉnh Hồ Bắc là 2,88%. 

Giới chức y tế Trung Quốc nhận định, tỷ lệ tử vong tại Hồ Bắc luôn ở mức cao do hầu hết các bệnh nhân nguy kịch đều được tập trung tại 3 bệnh viện chính. Những bệnh viện này đều trong tình trạng quá tải do thiếu giường bệnh và nhân lực. Theo các chuyên gia y tế, khoảng 15-20% số bệnh nhân nhiễm virus 2019-nCoV sẽ có sức khỏe xấu đi và 25-30% trong số đó có thể rơi vào tình trạng nguy kịch.

Theo Ủy ban Y tế Quốc gia Trung Quốc, tính đến sáng 10-2, nước này đã có 40.171 ca dương tính với nCoV. Số ca tử vong đã lên tới 910 ca trên toàn thế giới, trong đó 908 ca ở Trung Quốc đại lục. Trên toàn thế giới, số ca nhiễm virus Corona là 40.553 trường hợp. Hiện đã có 27 người nước ngoài tại Trung Quốc nhiễm virus Corona trong đó 2 ca tử vong là một công dân Mỹ vào ngày 6-2 và một công dân Nhật Bản vào ngày 8-2. Trong số những ca nhiễm, có 3 người đã khỏi bệnh và được ra viện.

Tổng Giám đốc Tổ chức Y tế Thế giới (WHO) Tedros Adhanom Ghebreyesus ngày 9-2 cảnh báo các trường hợp được xác nhận nhiễm chủng mới của virus Corona lây truyền từ những người chưa từng đến Trung Quốc có thể là “phần nổi của tảng băng chìm”.  Trong nội dung đăng tải trên mạng Twitter, Tổng Giám đốc WHO  Ghebreyesus lưu ý: “Đã có một số trường hợp đáng lo ngại lây nhiễm virus Corona từ những người chưa bao giờ đến Trung Quốc. Việc chỉ phát hiện một số ít trường hợp như vậy cho thấy có thể có sự lây nhiễm rộng hơn ở các nước khác ngoài Trung Quốc. Tóm lại, có thể chúng ta mới chỉ nhìn thấy phần nổi của tảng băng chìm”. Nhận định trên của người đứng đầu WHO được đưa ra trong bối cảnh các thành viên phái đoàn chuyên gia quốc tế do WHO dẫn đầu đến Bắc Kinh ngày 10-2 để hỗ trợ ứng phó với dịch bệnh đang diễn biến phức tạp tại Trung Quốc.

Ca duy nhất nhiễm virus Corona ở Campuchia được xuất viện

Bộ Y tế Campuchia ngày 10-2 cho biết bệnh nhân đầu tiên và duy nhất nhiễm virus Corona ở Campuchia tính đến thời điểm này đã được xuất viện. Ông Jin, 60 tuổi, người Trung Quốc và gia đình gồm 3 thành viên đã tới thành phố Sihanoukville hôm 23-1 vừa qua. Hai ngày sau đó, ông Jin có kết quả xét nghiệm dương tính với virus Corona và các thành viên trong gia đình đều phải cách ly để theo dõi. Theo thông báo của Bộ Y tế Campuchia, ông Jin ra viện với tình trạng sức khỏe hồi phục hoàn toàn sau khi kết quả xét nghiệm lần thứ 3 từ Viện Pasteur cho thấy âm tính với nCoV.

Trong khi đó, tại Malaysia, ca mắc viêm đường hô hấp cấp do chủng mới của virus Corona thứ tư tại nước này đã bình phục sau khi được điều trị bằng Kaletra - một loại thuốc điều trị HIV/AIDS. Phát biểu trước báo giới ngày 9-2, Thứ trưởng Bộ Y tế Malaysia Lee Boon Chye nhấn mạnh dù đạt được thành công nói trên, song chỉ với một trường hợp đơn lẻ này tại Malaysia vẫn chưa thể khẳng định được tính hiệu quả của Kaletra.

Các chuyên gia về bệnh truyền nhiễm của Malaysia sẽ tiếp tục nghiên cứu các trường hợp tương tự tại những quốc gia khác, nhất là Trung Quốc, trước khi đưa ra kết luận cuối cùng về công dụng của Kaletra. Ca nhiễm nCoV trên tại Malaysia là một người đàn ông 40 tuổi đến từ Trung Quốc. Trường hợp này được phát hiện mắc bệnh hôm 24-1 với các triệu chứng sốt cao và viêm phổi.

Trước đó, các bác sỹ ở Trung Quốc, Thái Lan và Hàn Quốc cũng đã sử dụng thuốc điều trị HIV cho các bệnh nhân nhiễm 2019-nCoV, dựa trên kết quả nghiên cứu được thực hiện trong đợt bùng phát dịch viêm đường hô hấp cấp (SARS) trước đây. Triệu chứng viêm phổi của những bệnh nhân này đều thuyên giảm rõ rệt, thậm chí một số ca bệnh còn cho kết quả âm tính với nCoV.