Anh hùng Che Guevara và vụ ám sát hèn hạ 50 năm trước

ANTD.VN - Đang nắm giữ một số cương vị lãnh đạo trong chính quyền Cuba, Ernesto Che Guevara quyết định từ bỏ mọi thứ để lên đường tiếp tục cống hiến cho sự nghiệp tranh đấu giành tự do của các dân tộc bị áp bức. Che nói, việc ông thôi giữ các chức vụ là hoàn toàn tự nguyện để theo tiếng gọi của trái tim yêu tự do, khao khát hòa bình và cống hiến cho sự nghiệp cách mạng, sự nghiệp giải phóng loài người khỏi áp bức và bất công. Che Guevara bị xử tử ở Bolivia vào ngày 9-10-1967 và 50 năm sau, cái chết của ông vẫn còn gây tranh cãi.

Trong lễ kỷ niệm 50 năm ngày mất của Che Guevara ngày 8-10-2017, ông Miguel Diaz-Canel, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Cuba phát biểu: “Những kẻ bắt giữ Che không quan tâm gì đến phẩm giá và nghi thức mà di sản cách mạng của ông đem lại, chúng giết chết ông một cách hèn hạ. Lịch sử sẽ lên án những kẻ giết người hèn nhát. Tấm gương vĩ đại của Che sẽ sống mãi với chúng ta”.

Anh hùng Che Guevara và vụ ám sát hèn hạ 50 năm trước ảnh 1Thi thể của nhà lãnh đạo du kích Ernesto Che Guevara tại bệnh viện Vallegrande, thuộc bang Santa Cruz, Bolivia

Dựng lại khoảnh khắc lịch sử

Năm 1967, một lực lượng bí mật được đào tạo, tham gia bắt giữ và sát hại Che Guevara. Các tài liệu CIA lưu trữ tại trường Đại học George Washington vừa được công bố cho thấy điều đó. Theo một bản tài liệu tóm tắt, lệnh sát hại Guevara và các chiến sĩ Mác-xít được đưa ra vào sáng 9-10-1967. Người đầu tiên được giao nhiệm vụ này đã không thể thực hiện vì run sợ. Mệnh lệnh chuyển cho Mario Teran Salazar, Trung sĩ quân đội Bolivia và tên này phải “lấy dũng cảm bằng vài cốc bia”.

Tài liệu cũng khẳng định, Che từ chối ngồi xuống theo lệnh của kẻ hành quyết. Ông nói lời cuối cùng với Mario Teran: “Cứ bắn đi, đồ hèn. Cùng lắm chúng mày chỉ giết được một con người”, trước khi hắn bắn ông bằng khẩu súng trường M2 Carbine. Để làm cho các vết thương do đạn có vẻ khớp với câu chuyện được công bố chính thức, tay Trung sĩ đã ngắm bắn cẩn thận để các vết đạn giống như thể Che bị giết trong một cuộc chạm trán bằng súng với quân đội Bolivia chứ không phải là một vụ ám sát bí mật. 

Trước đó, Felix Rodriguez, một trong các điệp viên CIA ở Bolivia phát hiện căn cứ của quân du kích. Felix ra lệnh cho một tiểu đoàn Bolivia bao vây, bắt giữ và ra chỉ thị tử hình các chiến sĩ cách mạng. Theo câu chuyện Felix Rodriguez kể lại trong cuộc phỏng vấn nhiều năm sau, lệnh bắt và giết tù nhân đến từ Bộ chỉ huy quân đội Bolivia, trong khi lệnh của CIA đến với Felix là giữ mạng sống của Che.

Bên trong cuốn sổ Felix Rodriguez còn lưu giữ là những trang giấy mỏng manh ngả màu vàng. Nội dung cuốn sổ ghi chép từ tháng  10-1967 bao gồm: các khoản chi tiêu hàng ngày; phiếu chi khoản trợ cấp 14 USD/ngày dành cho nhân viên đặc vụ công tác tại Bolivia; một trang lấy từ cuốn mã điện tín của Che do Trung Quốc thiết kế, mỗi mã gắn với mỗi loại điện tín khác nhau. Ngoài ra, Felix còn lưu giữ những kỷ vật khác như bức ảnh thi thể Che đăng trên báo chí thế giới, tẩu thuốc cuối cùng của Che, một bức ảnh chụp bàn tay của ông bị cắt rời khỏi cơ thể đem ngâm dung dịch formaldehyde để giữ gìn vân tay phòng trường hợp Fidel Castro tuyên bố xác chết không phải là Che. Trong số đó, có một bức ảnh quan trọng chụp Che Guevara bị bắt, thương tích đầy mình và quần áo rách nát. Che đứng bên cạnh một binh sĩ và Felix Rodriguez khi ấy 27 tuổi đã thẩm vấn ông. 

Khi được hỏi Che Guevara có bị hành hạ không? Felix Rodriguez nói: “Không, tôi không nghĩ thế, thực ra, tôi nghĩ rằng ông ấy không cảm thấy mình sẽ bị giết khi chụp bức ảnh ấy. Ông ấy cứ nghĩ sẽ sống để tiếp tục cuộc đấu tranh cho cách mạng”. Theo lời thuật lại của Felix Rodriguez, bầu không khí thân thiện đến mức Che sẵn lòng đồng ý chụp bức ảnh và thậm chí cười khi Rodriguez nói: “Hãy nhìn vào ống kính đi, Tư lệnh”. Một giờ sau khi chụp bức ảnh, Che bị giết. Felix Rodriguez nhận được lệnh từ Bộ chỉ huy quân sự Bolivia. Bảng mã rất đơn giản: 500 có nghĩa là Che Guevara, 600 là chết, 700 là sống. Lệnh đưa đến: 500-600. Rodriguez không tin, ông ta muốn xác nhận trên đường dây liên lạc vô tuyến điện. Mã được lặp lại: 500 - 600. Rodriguez thông báo cho Che biết rằng sẽ không có phiên xét xử. Khuôn mặt Che tái đi ... trước khi nói: “Tốt hơn là theo cách này, tôi nên chết trong chiến trận”. 

Ông Rodriguez cho biết: “Tôi có thể làm sai mệnh lệnh của quân đội, đưa Che sang Panama như Chính phủ Mỹ muốn. Nhưng đó là quyết định của Tổng thống Bolivia và lịch sử cần theo hướng của nó”. Dù sao đi nữa, Rodriguez vẫn ân hận về những gì mình đã làm với Che. Ông luôn giữ cái tẩu của Che bên mình để luôn nhớ đến quyết định đã tước đi sinh mạng một anh hùng của nhân loại.

Trong bản ghi nhớ của Nhà Trắng do Walt Whitman Rostow, Cố vấn An ninh quốc gia cho Tổng thống Mỹ Lyndon B. Johnson ký cho biết, lệnh giết Guevara được Tổng Tư lệnh quân đội Bolivia Alfredo Ovando Candía, ban hành. “Tôi coi đây là hành động ngu ngốc”, Rostow viết về quyết định thực thi mệnh lệnh và thêm rằng  “nhưng điều này có thể hiểu được từ quan điểm Bolivia”.

Anh hùng Che Guevara và vụ ám sát hèn hạ 50 năm trước ảnh 2Người Cuba giơ cao hình ảnh Che Guevara trong lễ kỷ niệm 50 năm ngày mất của ông tại Santa Clara, Cuba, nơi lưu giữ hài cốt ông từ năm 1997

Chỉ là màn kịch 

Tuy nhiên, hai luật sư về nhân quyền của Mỹ, Michael Ratner và Michael Steven Smith cho rằng CIA có vai trò trong cái chết của Che Guevara. Trong cuốn “Who Killed Che? How the CIA Got Away With Murder” (Tạm dịch: Ai sát hại Che? CIA đã rũ bỏ vụ giết người như thế nào?) do chính họ viết sau khi đánh giá các tài liệu chưa từng được công bố của CIA, Nhà Trắng, Bộ Ngoại giao và Bộ Quốc phòng Mỹ, họ lập luận rằng CIA truy lùng và mong muốn giết chết nếu bắt được Che Guevara. “Che qua đời sẽ dẫn đến kết thúc phong trào cách mạng ở Mỹ Latinh và trên toàn thế giới”, luật sư Michael Ratner nói thêm.

Theo ông Michael Ratner và Michael Steven Smith, trong vụ bắt giữ và giết hại Che Guevara còn có một nhân vật cho thấy vai trò chỉ đạo của Nhà Trắng đó là Gustavo Viloldo, kẻ đã chỉ huy đơn vị lính Bolivia truy lùng Che Guevara. Felix Rodriguez nhân viên CIA là đặc vụ dưới quyền của Viloldo. Kế hoạch được Nhà Trắng trao cho CIA triển khai và Viloldo là người được giao chỉ huy đơn vị lính biệt kích Bolivia trực tiếp thi hành chiến dịch. Chính Rodriguez đã bịa ra câu chuyện về việc “Tư lệnh tối cao Bolivia đã ra lệnh giết Che Guevara”. Rodriguez và Viloldo đã diễn màn kịch vụng về nhằm làm cho thế giới thấy rằng, nước Mỹ đã “cố cứu Che Guevara” nhưng không thành công. Bằng chứng là, Viloldo còn tự hào khoe khoang rằng, mình là người đã trực tiếp bắt giữ và chứng kiến cái chết của Che Guevara. Viloldo còn chụp “ảnh lưu niệm” bên cạnh thi thể của Che Guevara, đồng thời, khi mang xác Che Guevara đi chôn, người này đã cắt lấy một nhúm tóc trên mái tóc dài đặc trưng của Che Guevara để làm “kỷ niệm”. Sau này, nhúm tóc của Che được bán đấu giá bán hơn 100.000 USD, Viloldo sử dụng số tiền đó để tiêu xài.

Anh hùng Che Guevara và vụ ám sát hèn hạ 50 năm trước ảnh 3Felix Rodriguez (trái) với Ernesto Che Guevara trước khi bị bắn chết ở Bolivia

Tinh thần Che Guevara bất diệt 

Đối với hàng triệu người, như lời ông Miguel Diaz-Canel, Phó Chủ tịch Hội đồng Nhà nước Cuba phát biểu trong lễ kỷ niệm 8-10-2017, Guevara vẫn là biểu tượng cho tinh thần đấu tranh cách mạng và không bao giờ thay đổi. “Che đã không chết như những kẻ giết người mong muốn, hình tượng con người ông sẽ lớn mãi trong thế hệ con cháu nhân dân Cuba. Họ sẽ noi theo tấm gương của ông, tiếp tục khám phá, phát huy những di sản mà ông để lại về mô hình đấu tranh cách mạng, giải phóng con người”, ông Miguel Diaz-Canel nói. 

Bức ảnh “Anh hùng du kích” do nhiếp ảnh gia Alberto Korda chụp Che Guavara cuối tháng 3-1960, sau đó họa sĩ Jim Fitzpatrick, đến từ Dublin, Cộng hòa Ireland vẽ lại vào năm 1968 đã trở thành biểu tượng của phong trào cách mạng trên toàn thế giới. “Cách họ giết Che thật tàn bạo, không có lễ tưởng niệm, không rõ nơi chôn cất, không có gì cả. Tôi đã xác định rằng bức tranh mình vẽ phải được phổ biến rộng rãi đến nhân dân toàn thế giới”, Fitzpatrick nói với báo chí như vậy vào năm 2007. Thi thể của Guevara được chôn trong một khu đất không được xác định cùng với hai chiến sĩ cách mạng khác, bàn tay của ông bị cắt bỏ để lưu giữ dấu vân tay làm bằng chứng về cái chết của ông. Tròn 30 năm sau, hài cốt và những di vật còn lại được tìm thấy vào năm 1997 và sau đó được đưa về chôn cất tại Cuba.

Anh hùng Che Guevara và vụ ám sát hèn hạ 50 năm trước ảnh 4Bản ghi nhớ của Nhà Trắng về chiến dịch truy lùng Che do Walt Whitman Rostow ký

Tham dự lễ kỷ niệm 50 năm ngày mất của Che Guevara ngày 8-10 vừa qua còn có Evo Morales Tổng thống Bolivia và bà Aleida Guevara, con gái của Che Guevara. Ông Morales cùng với các thành viên của gia đình Che Guevara, đại diện của Chính phủ Cuba đã hành hương đến La Higuera, thị trấn nơi Che bị sát hại để tưởng nhớ người anh hùng.