Ấn Độ kết "chuỗi ngọc trai" bẻ chiếc vòng kiềm tỏa của Trung Quốc

ANTD.VN - Cường quốc đông dân thứ 2 thế giới Ấn Độ đang xây dựng một “chuỗi ngọc trai” quân sự của riêng mình nhằm “đấu” với “chuỗi ngọc trai” mà quốc gia đông dân nhất thế giới Trung Quốc toan tính thiết lập cách đây cả thập kỷ.

Trung Quốc thiết lập “chuỗi ngọc trai” để kiểm soát Ấn Độ Dương 

Ấn Độ và Pháp mới đây đã ký một thỏa thuận chiến lược cho phép mở cửa các căn cứ hải quân của hai nước đặt tại khu vực Ấn Độ Dương để cho tàu chiến của hai bên có thể được quyền tiếp cận, ra vào. Theo thỏa thuận, lực lượng hải quân Ấn Độ được tiếp cận các cảng chiến lược quan trọng của Pháp, trong đó có căn cứ quân sự ở Djibouti - quốc gia Đông Bắc châu Phi nằm bên bờ vịnh Aden, đồng thời được xem là yết hầu hàng hải từ kênh đào Suez qua biển Đỏ ra Ấn Độ Dương. Mỗi ngày, có khoảng 40 triệu thùng dầu được tàu bè chở đi qua khu vực này, chiếm 1/2 lượng dầu mỏ cung cấp cho toàn thế giới.

Với vị trí địa lý trọng yếu, Djibouti - quốc gia giành quyền độc lập từ Pháp năm 1977 - có vị trí đặc biệt trong chiến lược toàn cầu của các cường quốc. Cũng bởi thế, dù chỉ có diện tích không lớn, khoảng 23.000km2, song Djibouti là nơi mà nhiều cường quốc đặt căn cứ quân sự. Ngoài Pháp, hiện trên đất Djibouti có căn cứ quân sự lớn và duy nhất của Mỹ tại châu Phi với 4.500 quân, đặc biệt là nơi đặt căn cứ quân sự duy nhất tại nước ngoài của cả Nhật Bản và mới đây là Trung Quốc.

Trung Quốc đã ký thỏa thuận và bắt đầu tiến hành xây dựng căn cứ quân sự ở Djibouti từ đầu năm 2016 và chính thức đi vào hoạt động từ ngày 1-8-2017. Căn cứ quân sự này của Trung Quốc chỉ cách căn cứ quân sự duy nhất của Mỹ tại châu Phi khoảng 10km. Kể từ khi xây dựng căn cứ quân sự có khả năng chứa tới 10.000 binh sĩ, Trung Quốc đã đẩy mạnh đầu tư vào quốc gia vùng Sừng châu Phi này gần 15 tỷ USD.

Việc lập căn cứ quân sự ở Djibouti không chỉ nhằm khống chế tuyến đường vận tải biển yết hầu của thế giới, mà còn nằm trong chiến lược “Vành đai và Con đường” nhằm vươn lên tầm cường quốc toàn cầu của Trung Quốc. Dưới chiến lược này, Trung Quốc từ đầu những năm 2000 đã ráo riết tiến hành thiết lập một loạt cơ sở, căn cứ quân sự ở khu vực Ấn Độ Dương mà giới quan sát gọi là “chuỗi ngọc trai”. 

Chuỗi cơ sở, căn cứ quân sự trải dải từ Myanmar, tới Sri Lanka, Maldives, Pakistan và Djibouti chẳng khác nào chiếc vòng kiềm tỏa của Trung Quốc với Ấn Độ Dương, đại dương mà Ấn Độ coi là có lợi ích trực tiếp và sống còn với quốc gia đông dân thứ 2 thế giới này. Cùng với vùng biên giới tranh chấp ở Kashmir, “chuỗi ngọc trai” trở thành mối đe dọa, uy hiếp ngày càng lớn với Ấn Độ.

Ấn Độ từ khá sớm đã nhận ra tham vọng của Trung Quốc tại Ấn Độ Dương và đã triển khai những đối sách, biện pháp nhằm đáp trả. Ấn Độ đã đạt được nhiều thỏa thuận với các quốc gia ở khu vực Ấn Độ Dương và lân cận để thiết lập căn cứ quân sự hoặc cho phép hải quân nước này được sử dụng các căn cứ. New Delhi đã xây dựng các cơ sở hải quân tại cảng và sân bay ở Seychelles, Madagascar, Oman… Ấn Độ và Singapore trong năm 2017 cũng ký thỏa thuận cho phép New Delhi triển khai các hoạt động quân sự từ những cơ sở hải quân của đảo quốc Sư tử.

Với các cảng, căn cứ quân sự từ Andaman, Nicobar gần eo biển Malacca, qua Seychelles tới Oman và mới đây nhất là tới tận Djibouti qua việc ký thỏa thuận với Pháp, New Delhi rõ ràng cũng đang xây dựng một “chuỗi ngọc trai” của riêng mình để “đấu” với “chuỗi ngọc trai” của Bắc Kinh.