Không hiếm người tài

ANTĐ - Theo bác, thế nào được gọi là người tài?

- Khó định nghĩa lắm. Đó có thể là người có khả năng “kinh bang tế thế”, nhưng cũng có khi chỉ đơn giản là người có đầu óc tính toán giúp doanh nghiệp vượt khó, nuôi sống được nhiều người.

- Người tài có hiếm không?

- Tất nhiên rồi, “nhân tài như lá mùa thu” mà. Nếu có sẵn như rau má mọc ở đường tàu thì nước mình đâu có nghèo như bây giờ.

- Thực ra, người tài đâu có hiếm như bác nói. Mười năm qua, riêng Hà Nội đã thu hút được hơn hai trăm nhân tài là các thủ khoa đại học, vận động viên thể thao... đấy thôi.

- Con số này nhìn có vẻ lớn nhưng thực tế chỉ bằng một phần mười số người tài Thủ đô hiện có.

- Thế con số còn lại đang làm gì?

- Một số làm cho doanh nghiệp nước ngoài, số còn lại làm cho tư nhân, có người chạy xe ôm, mở quán bán trà chanh cho sinh viên.

- Sao họ không vào làm cho Nhà nước, chính quyền thành phố sẵn sàng giang tay đón người tài mà?

- Thực ra chúng ta mới chỉ đón bằng một tay thôi, tay còn lại vẫn lúng túng trong túi vì vướng cơ chế. Lương tháng chẳng được nổi chục triệu đồng, nhà lại phải đi thuê, trong thời buổi “gạo châu củi quế” thế này thì lấy đâu ra tiền đãi ngộ xứng đáng để người tài cống hiến.

- Tôi tưởng, đã là người tài thì màng gì đến vật chất, có những người mải nghiên cứu khoa học quên cả lấy vợ, có người sẵn sàng cấy cả virus nguy hiểm vào người để tìm ra thuốc chữa đấy thôi.

- Đấy là thiên tài, đối tượng chúng ta đang bàn đến ở đây là người tài. Thế mới có chuyện, nhiều người giành giải quốc tế rồi ở tịt nước ngoài, chỉ thỉnh thoảng về nước thôi. Họ bảo chỉ có ở nước ngoài mới có đủ phương tiện để họ làm khoa học, tôi chẳng tin. Ở những nước đó mà trả lương thấp xem, họ chẳng “phắn” ngay ấy à.