Còn lâu mới “lão hóa”

ANTĐ - Trong Tết, ngoài Tết, thiên hạ lũ lượt rủ nhau du xuân, trẩy hội, còn mình thì bận tối mắt, tối mũi. Đến giờ mới kịp thở, nhấm nháp tách trà sáng.

- Ở cái tuổi sức tàn, lực cạn ông chẳng xả hơi, tranh thủ hưởng thụ mà còn ham hố cái nỗi gì. 

- Có “hầm hố” gì đây mà ham. Chẳng qua là “ôsin” về quê ăn tết, rồi ăn luôn cả rằm nên mình phải “đóng thế” chăm sóc con cháu mình. 

- Tuổi càng cao, trí càng cao, sức càng dẻo dai “cống hiến” cho con cháu chứ đi đâu mà thiệt. Còn hơn là chen lấn bạc mặt, mua lấy cái ấn treo trong nhà chả biết có mang lại phúc lộc gì không.

- Thực lòng tôi có kêu ca gì đâu, ngược lại chỉ thấy vui thầm vì mình còn làm được những việc có ích chứ không phung phí thời gian ít ỏi vào những chuyện vô tích sự, viễn vông. 

- Nghĩ được thế thì thật quý hóa quá. Đáng sợ nhất là thành người thừa, người thân và con cháu coi như “bỏ quên”. Bên Hàn Quốc giàu có thế mà có tới 1,2 triệu người già sống cô quạnh, chết cô đơn, việc hậu sự phải nhờ tổ chức từ thiện lo. 

- Nghe đâu Hàn Quốc còn vượt cả Nhật Bản trở thành nước có tỷ lệ người già cao nhất thế giới. Đời sống vật chất tăng cao, tuổi thọ của người dân càng tăng, tỷ lệ sinh thấp thì xã hội sẽ “lão hóa” thôi. 

- Tôi cũng nghe nói một số nước phương Tây đã “lão hóa” còn có xu hướng “xuất khẩu” người già sang những nước dư thừa lao động chăm sóc trong các trại dưỡng lão. 

- Xuất khẩu hàng hóa, tài nguyên, nông sản hay xuất khẩu lao động chứ ai lại nhẫn tâm xuất ngoại… người già?

- Yên tâm đi, đó là ở phương Tây, phương Đông mình có truyền thống vững chắc lắm. Ngay như ở ta, vừa có chủ trường tăng tuổi nghỉ hưu, tăng quỹ bảo hiểm xã hội, nhất là quỹ hưu trí. 

- Xã hội ta còn lâu mới “lão hóa”. Chỉ lo “nam hóa” vì cứ “máu” để con trai, nay mai thừa mứa đàn ông.