Vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay Nga: Ngăn chặn chiến tranh

ANTĐ - Vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay Su-24 của Nga hôm 24-11 tại khu vực biên giới với Syria đang hủy hoại nghiêm trọng mối quan hệ vốn nhiều trắc trở và thực dụng giữa Moskva và Ankara. Sự kiện này cũng đẩy Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) mà Thổ Nhĩ Kỳ là thành viên vào tình thế khó khăn. Thậm chí đã có những lời cảnh báo về nguy cơ bùng phát Chiến tranh thế giới lần thứ ba.  

Vụ Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi máy bay Nga: Ngăn chặn chiến tranh ảnh 1Chiếc Su-24 của Nga bị Thổ Nhĩ Kỳ bắn rơi

Đòn trả đũa của Nga

Động thái trả đũa đầu tiên của Nga là Tổng thống Putin cảnh báo công dân Nga không tới Thổ Nhĩ Kỳ. Hành động của Moskva ngay lập tức đánh thẳng vào ngành du lịch của Thổ Nhĩ Kỳ. Theo số liệu chính thức, trong năm 2014, gần 4,5 triệu người Nga đã tới quốc gia này và biến Nga trở thành thị trường du lịch đầy tiềm năng của Ankara. Tuy nhiên, mới đây Cục Du lịch Liên bang Nga đã khuyến cáo các đại lý ngừng bán tour du lịch Thổ Nhĩ Kỳ, điều này nhanh chóng được các doanh nghiệp hưởng ứng. 

Thổ Nhĩ Kỳ là quốc gia nghèo tài nguyên, bởi vậy hơn một nửa lượng khí đốt của nước này là mua từ Nga. Moskva cũng đã bắt đầu xây dựng nhà máy điện hạt nhân đầu tiên tại Thổ Nhĩ Kỳ, đặt tại tỉnh Akkuyu, miền Nam nước này. Ông Ozgur Unluhisarcikli - Giám đốc Văn phòng Ankara của Quỹ đầu tư Marshall Đức ở Mỹ cho rằng bên cạnh việc gây áp lực cho ngành du lịch, Nga còn có thể trả đũa Thổ Nhĩ Kỳ bằng việc giảm sản lượng nhập khẩu các mặt hàng nông sản của Thổ Nhĩ Kỳ, đồng thời gây áp lực cho các doanh nghiệp Thổ Nhĩ Kỳ đang đầu tư ở Nga.

Cũng theo ông Unluhisarcikli, Nga thậm chí sẽ tăng cường ủng hộ quân nổi dậy người Kurd tại Syria, lực lượng mà Thổ Nhĩ  Kỳ cho là một nhánh của Đảng Công nhân người Kurd (PKK), hoặc cho phép lực lượng này mở văn phòng đại diện tại Moskva. Tuy nhiên, ông cho rằng “Nga cũng sẽ không đẩy tình hình đi quá xa. Họ sẽ tránh thái độ quá thù địch với Thổ Nhĩ Kỳ, một thành viên của NATO. Nhiều khả năng Nga sẽ trừng phạt Thổ Nhĩ Kỳ bằng cách hạn chế nguồn cung cấp khí đốt song điều này có thể dẫn tới những dấu hỏi về tính khả tín của các hợp đồng cung cấp khí đốt mà Nga ký kết”. 

Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ - Recep Tayyip Erdogan và Thủ tướng - Ahmet Davutoglu ngày 25-11 đã khẳng định muốn duy trì mối quan hệ hữu hảo với Nga chứ không hề muốn đẩy căng thẳng leo thang. Michael Harris- Giám đốc bộ phận nghiên cứu Ngân hàng đầu tư tư nhân Renaissance Capital tại Nga nói: “Tôi cho rằng sự trả đũa của Nga... khó có thể dẫn tới những hành động mạnh mẽ hơn từ phía Thổ Nhĩ Kỳ, và dần dần mối quan hệ Nga - Thổ sẽ quay trở lại mức cân bằng địa chính trị”.  

Tìm kiếm thỏa hiệp

Sau hàng loạt vụ tấn công khủng bố của tổ chức Nhà nước Hồi giáo (IS) tự xưng tại Ankara, bán đảo Sinai và Paris, người ta đã nhắc tới khả năng thành lập một liên minh quy mô để chống lại chủ nghĩa khủng bố cực đoan đang có nguy cơ lan rộng trên toàn thế giới. Tuy nhiên, sau những diễn biến gần đây, có thể thấy được rằng điều cần thiết hơn cả là những biện pháp làm giảm căng thẳng để khôi phục hòa bình và ổn định còn sót lại tại Trung Đông.

Việc Moskva nhanh chóng cáo buộc Ankara “đâm sau lưng” mình và hậu thuẫn IS, cùng với việc Tổng thống Vladimir Putin cảnh báo về “những hậu quả nghiêm trọng”, càng nhấn mạnh thực tế là tình hình tại Syria có tác động tới tất cả các bên liên quan. Những hy vọng về khả năng kiềm chế vòng xoáy khủng hoảng ở Syria vừa mới lóe lên đã nhanh chóng lụi tàn. 

Nhà nghiên cứu Joshua W.Walker, làm việc tại Quỹ Marshall cho rằng giờ là lúc Mỹ cần phát huy vai trò trung gian để kết nối đồng minh tại Ankara và kẻ thù ở Moskva, tránh để xảy ra Chiến tranh thế giới lần thứ ba. Nhiều người tại Washington hy vọng rằng sau vụ khủng bố tại Paris và với tiến triển của Hội nghị Thượng đỉnh G-20 ở Ankara, các bên sẽ nhanh chóng tìm được tiếng nói chung và một giải pháp thống nhất để tiêu diệt IS. Tuy nhiên, nhiều người Thổ Nhĩ Kỳ e rằng sự can thiệp từ bên ngoài không đủ sức đánh bật ông Assad, đúng như những lo ngại trước đó có thể sẽ chỉ càng khiến khu vực bị chia rẽ trầm trọng hơn. 

Thổ Nhĩ Kỳ hiện là quốc gia đang đón tiếp số người tị nạn kỷ lục trên thế giới và cuộc nội chiến Syria đã và đang làm phức tạp thêm mâu thuẫn lâu năm giữa Ankara và lực lượng dân quân người Kurd hiện được Mỹ ủng hộ. Tia hy vọng le lói hiện nay là Ankara và Moskva gạt bỏ các mâu thuẫn, tỏ ra thực dụng hơn và nhận thức được những phí tổn nếu căng thẳng leo thang nhằm tránh để cuộc khủng hoảng tại Syria đẩy họ vào một cuộc chiến nghiêm trọng. Ông Walker cho rằng việc thuyết phục Nga và Thổ Nhĩ Kỳ ngồi vào bàn đàm phán để bàn về một thỏa hiệp chính trị khu vực quy mô nhằm xác định tương lai của ông Assad là yếu tố cực kỳ quan trọng. Điều này sẽ rất khó, song không phải là không thể. Các bên hoàn toàn có thể tìm kiếm một giải pháp có sự hiện diện của ông Assad trong ngắn hạn và thống nhất một cuộc chuyển giao dài hạn cho chính quyền Damascus. 

Để tránh các cuộc xung đột nghiêm trọng, tất cả các bên cần tập trung vào các lợi ích chung để giảm thiểu căng thẳng. Và rõ ràng điều họ cần làm là tập trung vào cuộc chiến chống lại kẻ thù chung IS. Theo ông Walker, những khoảng trống quyền lực tại trung tâm Trung Đông thường dẫn tới những hậu quả tồi tệ. Điều quan trọng là các bên cần nỗ lực khôi phục hòa bình cho khu vực và tôn trọng các thỏa thuận chung.