Ukraine nổi giận với tuyên bố sáp nhập Crimea vào khu vực miền nam của Nga

ANTĐ -Tổng thống Nga Vladimir Putin đã ký sắc lệnh sáp nhập bán đảo Crimea, tách ra từ Ukraine và tái hợp nhất với Nga hai năm trước đây, vào khu vực Liên bang miền nam. Động thái này đã khiến Ukraine nổi giận.

Ukraine nổi giận với tuyên bố sáp nhập Crimea vào khu vực miền nam của Nga ảnh 1

Người dân tham gia vào một cuộc biểu tình tại thành phố Yalta, Crimea ngày 18-3-2016, đánh dấu 2 năm kể từ khi bán đảo sáp nhập với Nga.

"Khu vực Crimea thành lập vào ngày 17- 3-2014, sau khi bán đảo tái hớp nhất với Nga, đã được sáp nhập với khu vực Liên bang miền nam, vì mục đích tăng cường hiệu quả hoạt động của cơ quan nhà nước”, văn phòng báo chí Điện Kremlin ngày 28-7 thông báo.

Như vậy, khu vực liên bang miền nam sẽ giảm xuống còn 8, đó là Cộng hòa Crimea, Adygea và Kalmykia, vùng lãnh thổ Krasnodar, Astrakhan, Rostov và Volgograd, thành phố Sevestopol.

Nhà lãnh đạo Nga cũng bổ nhiệm ông Oleg Belaventsev, cựu đặc phái viên của tổng thống, từng công tác ở khu vực Crimea, làm đặc phái viên khu vực liên bang miền bắc Caucasus.

Ông Sergei Melikov, cựu đặc phái viên khu vực Liên bang bắc Caucasus được bổ nhiệm làm phó giám đốc thứ nhất Cơ quan An ninh quốc gia Liên bang Nga.

Tuyên bố trên của Nga đã khiến Ukraine nổi giận. Đại sứ Liên Hợp Quốc (LHQ) Volodymyr Yelchenko bác bỏ việc tổ chức, sắp xếp lại này, coi bất kỳ quyết định nào của Nga liên quan đến Crimea từ trước đến nay là không có hiệu lực pháp lý, và đề nghị Hội đồng Bảo an LHQ ban hành một tuyên bố đáp trả sắc lệnh này của ông Putin. Đồng thời, vị đại sứ cũng bày tỏ "quan ngại sâu sắc" về quyết định của tổng thống Nga.

Sau khi Crimea sáp nhập lại với Nga từ Ukraine vào ngày 17-3-2014, bạo lực ở miền đông Ukraine ngày càng leo tháng kể từ tháng 4- 2014, khi Kiev triển khai quân tới các vùng phía đông của Lugansk và Donetsk để đàn áp những người ủng hộ Nga.

Hai thỏa thuận ngừng bắn đã được ký kết giữa Kiev và những người ủng hộ Nga đều bị phá vỡ.

Khủng hoảng Ukraine và việc sáp nhập Crimea về Nga đã khiến mối quan hệ Kremlin với phương Tây đi xuống mức thấp nhất kể từ thời Chiến tranh Lạnh.

Mỹ và một số nước phương Tây đã áp đặt nhiều vòng trừng phạt chống Nga, với cáo buộc gây ra cuộc khủng hoảng. Tuy nhiên, Moscow luôn bác bỏ điều này.